Giữa thủ phủ cà phê tận thấy cà phê bẩn

Những túi hóa chất không rõ nguồn gốc (ảnh lớn). Bột cà phê được tuồn từ máy xuống nền nhà (ảnh nhỏ)
Những túi hóa chất không rõ nguồn gốc (ảnh lớn). Bột cà phê được tuồn từ máy xuống nền nhà (ảnh nhỏ)
TP - Cà phê, một trong những sản phẩm chủ lực đáng tự hào của các tỉnh Tây Nguyên bỗng mang tiếng xấu bởi những kẻ bất lương tung các loại hàng bẩn ra thị trường.

Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị và danh tiếng của mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, các loại cà phê bẩn này còn khiến người tiêu dùng mất lòng tin, hoang mang, lo lắng!

Cà phê bẩn = 1 nguyên chất + 9 tạp chất

Trong khi dư luận chưa hết xôn xao trước thông tin một số cơ sở chế biến cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh tung ra thị trường loại cà phê chế biến từ đậu, ngô và các loại hóa chất thì bất ngờ thay ngay trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam, cũng đang tồn tại những ổ, nhóm toan tính làm giàu bằng cách sản xuất loại cà phê bẩn, kém chất lượng.

Chúng tôi cùng nhóm cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê của ông Nguyễn Đình Quang, 32 tuổi, thôn 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột. Đập ngay vào mắt là cảnh ngổn ngang chai lọ đựng hóa chất, những bao tải đậu nành, bắp nằm la liệt trên nền nhà khắp xưởng. Mùi cà phê cùng các hạt ngũ cốc cháy pha lẫn các loại hóa chất tạo mùi xộc lên nồng nặc. Cuối xưởng một máy xay cà phê đang tuồn lớp bột màu đen sậm ào ào xuống nền nhà cáu bẩn.

Những chiếc xô đen ngòm đựng các loại hóa chất xếp dãy dài dọc tường. 

Có người lại còn cho là cà phê sạch thì mùi vị lại không ngon bằng cà phê bẩn, thị hiếu khách hàng vì thế mà kém chuẩn đi! 

Ông Cao Chánh Phương

Sau một hồi giải thích quanh co, không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột, ông Quang đành thú nhận về quy trình chế biến cà phê bẩn: Vì giá cà phê cao, nên muốn lãi nhiều, thì phải độn bắp, đậu vào để giảm giá thành sản xuất. Trong loại bột gọi là cà phê đã qua chế biến ở đây, thực chất có tới 90% là đậu nành, bắp rang cho tới cháy đến 75-85% rồi trộn đều với các hóa chất, ủ trong vòng 2-3 ngày để các phụ gia ngấm đều vào thành phẩm, sau đó đem vào xay nhuyễn.

Để biến ngũ cốc thành bột cà phê, thì không thể thiếu hàng chục loại hóa chất và phải biết cách pha chế các chất tạo độ đặc sánh, chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, và các loại hương liệu khác với tỷ lệ được xem là “bí quyết” của mỗi cơ sở rang xay. Khi các khâu chế biến hoàn thành, loại bột này được đóng vào các bao tải loại 10 kg , sau đó mang đi tiêu thụ. Chủ yếu là bỏ sỉ cho các quán cóc, cửa hàng tạp phẩm trong các huyện thành tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông với giá 60.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở này tiêu thụ ra thị trường hàng trăm kg cà phê kiểu đó! Ông Quang thú nhận!

Sau trò chế biến gian dối của các xưởng sản xuất cà phê bẩn, đến lượt những đại lý bán hàng tiếp tay tiêu thụ mạnh loại sản phẩm này, vì giá mua vào rất rẻ, bán lại chạy hàng, đôi bên đồng lõa cùng đạt siêu lợi nhuận. Chỉ cần nhẩm tính là thấy ngay: Giá đậu nành hiện chỉ khoảng 15 -16 nghìn đồng/kg, giá ngô hạt khoảng 8 - 10 nghìn đồng/kg. Chín phần hỗn hợp bột ngô, đậu nành, hóa chất và một phần cà phê nguyên chất bán với giá 60 -70 nghìn đồng/kg, thì nhà rang xay đã đủ đạt lợi nhuận gấp đôi.

Giữa thủ phủ cà phê tận thấy cà phê bẩn ảnh 1

Hỗn hợp hóa chất tạo mùi cho cà phê

Trong vai chủ quán mới mở, cần tìm nguồn hàng cà phê bột giá rẻ để pha bán cho khách, nhóm phóng viên chúng tôi đã được khá nhiều nơi xởi lởi mời chào mấy mặt hàng mang tên Hoàng Anh Phát, Đức Mạnh v.v… với giá chỉ trên dưới 60 nghìn đồng/ký. Anh Nguyễn Đức T., chủ quầy tạp phẩm Uyên T. ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar thật thà bảo: Mấy loại cà phê này được chào giá thấp, nên mình lấy bán để giữ mối khách hàng! Chỉ bán vậy thôi chứ thành phần nó có gì, ai biết được?

Cà phê rởm tràn lan, cà phê xịn ế ẩm

Cà phê bẩn, kém chất lượng đang len lỏi đến nhiều vùng miền trong cả nước, có mặt ở các quán cà phê lớn nhỏ. Hiện chưa có thống kê nào từ nhà chức trách về các cơ sở chế biến cà phê kiểu này, hay số quán mua cà phê bẩn về pha cho khách hàng uống. Điều này không chỉ làm hại đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ sở sản xuất cà phê chân chính.

Cơ sở chế biến cà phê bột Phương Sanh ra đời từ năm 1958, một trong vài nhãn hiệu cà phê bột gia truyền nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột, đã phải ngã ngựa trong cuộc chạy đua với các cơ sở chế biến cà phê bột rởm giá rẻ vì không cạnh tranh nổi. 

Ông Cao Chánh Phương - chủ nhãn hàng Phương Sanh chia sẻ: “Càng ngày khách hàng càng ít mua cà phê xịn. Nhiều quán cà phê trước đây chuyên lấy hàng của Phương Sanh bây giờ cũng từ chối vì thị trường ngày càng tràn lan các loại cà phê bột rởm giá rẻ, lại pha chế được nhiều ly hơn, dậy mùi hơn nhờ các hóa chất tạo sánh và tạo bọt.

Muốn có cà phê rang xay ngon, chúng tôi phải làm qua rất nhiều khâu thủ công, các hạt “đen, nâu, sâu, vỡ” đều phải lựa bỏ đi, trong 100 kg chỉ chọn lấy được 65 kg thôi. Giá thành của nó phải cao 150 nghìn đồng/kg mình mới sống nổi. Tất nhiên khách hàng khó chấp nhận, chê giá quá cao. Có người lại còn cho là cà phê sạch thì mùi vị lại không ngon bằng cà phê bẩn, thị hiếu khách hàng vì thế mà kém chuẩn đi! 

Giữa thủ phủ cà phê tận thấy cà phê bẩn ảnh 2

Những bao tải đậu nành và bắp dùng để chế biến cà phê bẩn

Chị Kim Quy, chủ nhãn hàng cà phê chay Âu Ca nằm sâu trong một hẻm nhỏ đường Nguyễn Xuân Nguyên, xã Ea Tu, ngoại thành Buôn Ma Thuột cho biết: Nhờ mua được nguyên liệu tận gốc ngay từ đầu vụ giá rẻ từ các vùng chuyên canh cà phê quanh vùng, nhân công tự nhà làm, máy móc do ông chồng kỹ sư cơ khí của chị tự chế, nói tóm lại là tiết kiệm triệt để tất cả các khâu sản xuất, bảo đảm mọi tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp nhận chỉ lãi 10 nghìn đồng trên mỗi ký cà phê bột để giá sỉ 100 nghìn đồng/kg cho các điểm chuyên bán đồ chay. Thế nhưng lượng cà phê Âu Ca tiêu thụ được tới nay vẫn chỉ đủ… hòa vốn.   

Vốn đầu tư không lớn, nguyên liệu rất sẵn tại địa phương, cộng với lợi thế thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng lâu nay khiến nhiều người ở Đắk Lắk đua nhau mở cơ sở chế biến sản xuất cà phê bột. Thực tế có không ít các hộ cá thể rang xay gia công cho các cơ sở sản xuất cà phê bột mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, khiến cho công tác kiểm soát chất lượng cà phê trên địa bàn Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Lê Tôn Cương - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tại xưởng sản xuất cà phê bẩn của ông Nguyễn Đình Quang, chúng tôi thu giữ 11 bao đậu nành tổng trọng lượng 250kg, 33 bao hạt bắp 1.500 kg, 4 bao bắp và đậu nành đã rang tẩm hóa chất 120kg, 1 bao cà phê bột 30 kg.

Ngoài ra, còn có các loại đường hóa học Sodium Cyclamate, Caramen, nhiều loại phẩm màu không rõ xuất xứ. Đáng nói nữa, nơi chế biến mặt hàng này chật hẹp, đổ đống các thứ rồi đóng gói trên nền nhà cáu bẩn. Dù trước đó, cũng chính cơ sở này đã bị kiểm tra, xử phạt tới 37,5 triệu đồng vì sản xuất cà phê không đảm bảo chất lượng. Trong các điểm mà Phòng tổ chức kiểm tra, đây là nơi sai phạm nghiêm trọng nhất, và cũng là cơ sở đầu tiên mà lực lượng công an triệt phá.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về vấn đề ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến cà phê bẩn trên địa bàn, ông Trần Ngọc Thanh - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết: “Sắp tới Chi cục sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thực thi triệt để về vấn đề này, và đề nghị lãnh đạo tỉnh công khai thông tin về những địa chỉ vi phạm trong các cuộc họp giao ban báo chí”.

MỚI - NÓNG