Gồng mình trước biến đổi khí hậu - Bài cuối: Tơi tả áo giáp xanh

Hàng ngàn ngôi nhà ven sông, ven biển cần được di dời đến nơi an toàn.
Hàng ngàn ngôi nhà ven sông, ven biển cần được di dời đến nơi an toàn.
TP - Hiện trạng những điểm sạt lở nghiêm trọng ven biển miền Tây có chung đặc điểm không còn dải rừng phòng hộ. Áp lực dân sinh, quản lý lỏng lẻo, khai thác quá mức đã làm suy thoái rừng phòng hộ và hàng ngàn hộ dân lay lắt dưới tán rừng tơi tả, yếu đuối trước sóng gió.

Vốn đã mong manh...

Rừng phòng hộ ven biển miền Tây được mệnh danh là chiếc áo giáp xanh che chở, bao bọc cho bờ biển. Dải rừng phòng hộ từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… vốn không lành, mỏng manh để lộ những bờ biển trơ trơ trước sóng gió. Tại hàng trăm điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đều không còn rừng cây mắm, cây đước để cản sóng, phá sóng.

Đứng trên cầu Chiên Túp, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), ông Võ Hồng Ngoãn nhìn về phía biển sóng đang vỗ mạnh. Bờ biển được gia cố bằng bê- tông nhưng vẫn sạt lở nhiều năm qua. “Diễn thế của vùng đất này, nơi nào không còn rừng là sạt lở. Chân cầu này, mỗi đợt triều cường lên cao, sóng biển mạnh, xói lở sâu thêm thấp thỏm lắm!”.

Gia đình bà Phan Thị Nga, ở ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải (Trần Văn Thời, Cà Mau), sống dựa vào gần 2 ha đất vuông trong rừng phòng hộ được giao khoán. Bà Nga kể, vợ chồng bà về mua đất lập nghiệp ở địa phương khoảng năm 2001. Bà lập vuông tôm theo con nước, mỗi lần thu từ 2- 3 triệu đồng, sống tạm được. Không lâu sau, biển lở miết, đánh tan dải rừng phòng hộ, bể cả bờ vuông tôm.

Bờ biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hơn 200 km, khu vực cửa sông, cửa biển đang sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang nói: “Qua khảo sát, đánh giá toàn tuyến bờ biển Tây, tổng chiều dài sạt lở khoảng 40 km, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, sóng biển kết hợp với triều cường đánh thẳng vào đê kè”.

Ông Ngô Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt quản lý rừng phòng hộ biển Tây cho biết: “Năm 2009, diện tích rừng do đơn vị quản lý hơn 4.100 ha thì nay còn khoảng 2.700 ha, có 635 ha đất ven biển chưa có rừng”.

Trên tuyến bờ biển bao bọc tỉnh Cà Mau khoảng 250 km giáp Kiên Giang đến Bạc Liêu, xuất hiện nhiều điểm sạt lở do mất rừng phòng hộ, mức độ sạt lở ăn vào đất liền từ 20 đến 25 m/năm, xuất hiện các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 100 km, mỗi năm mất 450 ha.

Đổi chủ rừng phòng hộ

Chủ trương xã hội hóa nghề rừng, cơ quan quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giao khoán cho dân trồng rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Nhưng việc nuôi tôm dưới tán rừng đã làm suy giảm mật độ rừng, khai thác rừng bừa bãi làm suy giảm tài nguyên rừng phòng hộ.

Bạc Liêu còn chưa đến 4.000ha rừng phòng hộ ven biển chạy trên 30km bờ biển thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải. Nhiều năm qua, Bạc Liêu đã nỗ lực trong việc trồng, tái tạo rừng, nhất là rừng phòng hộ. Đầu tháng 5, Bạc Liêu cho tỉa thưa trên 26,3ha và gây ra những phản ứng trái chiều.

Hạt kiểm lâm Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) cho tỉa thưa khu rừng phòng hộ tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) của 31 hộ với trên 26,3 ha rừng trồng hơn 10 năm. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu cho biết, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu khoảng 4.000 ha.

Ông Sáu Chọn (Bạc Liêu) được nhận giao khoán từ người khác, ông được khai thác không quá 30% trên diện tích nuôi tôm, 70% trồng và bảo vệ rừng. Nhưng người dân được tỉa thưa rừng nên ai cũng mừng để lấy mặt nước rộng để nuôi tôm. “Lợi dụng tỷ lệ này, người dân tỉa thưa quá nhiều để lấy gỗ đem bán”.

Ông Nguyễn Văn Đăng nói: “Tôi có 1,25 ha nằm trong diện phải tỉa thưa đợt này. Họ không vệ sinh rừng mà đưa cho tôi 745.194.000 đồng. Tôi xin thêm 3 triệu đồng nữa các anh ấy cũng cho. Nhưng thật ra, tôi bỏ ra trên 7 triệu để thuê người ta vệ sinh rừng mới có được rừng tốt như hôm nay”.

Những người dân nhận khoán đất rừng ở xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu) được tỉa thưa rừng lần này cho rằng, tỉa thưa rừng quá tay, làm mất rừng. Nhưng ông Trịnh Hoài Thanh, Phó GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu nói: “Tỉa thưa rừng là để phát triển rừng”?

Trước thực trạng giao khoán rừng phòng hộ làm suy giảm tài nguyên rừng do nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Cà Mau quyết định thanh lý hợp đồng với 630 hộ dân ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân. Ông Phạm Văn Oanh, Hạt phó Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây (Cà Mau) nói: “Chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với 630 hộ dân được giao khoán, nhưng chưa có chỗ tái định cư, bà con chưa di dời”.

Gồng mình trước biến đổi khí hậu - Bài cuối: Tơi tả áo giáp xanh ảnh 1 Lao động ven biển làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, biển.

Tâm trạng người giữ rừng

Ông Nguyễn Ngọc Châu, ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: “Tôi chưa được Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây kiểm kê tài sản, di dời đi đâu. Tôi đã sang nhượng thành quả lao động giá trị hơn 20 cây vàng, rồi đầu tư hơn 10 ha nuôi tôm, trồng rừng. Nay, Nhà nước thu hồi lại, tôi chưa biết phải đi đâu về đâu?”.

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Châu có 5 người con, sống bằng nghề nuôi tôm dưới tán rừng. Sau khi mua lại phần đất của người dân trong vùng, ông hợp thức hóa hợp đồng với Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây, thời hạn 15 năm. “Quy định thu hồi lại đất rừng mà không tính toán di dời, tái định cư và bồi thường thành quả lao động thì dân biết bấu víu vào đâu vì bỗng dưng mất trắng”.

Ở gần mảnh đất “tôm- rừng” của ông Châu là ông Trần Trường Giang, 52 tuổi, nhận khoán 10 ha. Ông Trần Trường Giang nói: “Sóng biển làm xói lở gần tới vuông tôm, còn khoảng 40 m. Tôi đang làm đơn xin cho cơ giới vào đào đắp để bảo vệ vuông tôm. Nếu Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây không cho, tôi kiện vì đã đầu tư bạc tỷ vào đây rồi”.

Chia sẻ với người dân sống trên lâm phần rừng phòng hộ biển Tây, ông Ngô Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt quản lý rừng phòng hộ nói: “Đa số những hộ dân nhận khoán đất rừng đều nghèo khó. Họ đã bám biển, bám rừng là sinh kế bấy lâu nay. Họ rất cần có chính sách hỗ trợ để bớt được khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, chủ trương thanh lý hợp đồng với người dân nhận khoán đất rừng phòng hộ biển Tây đang là chủ trương mạnh tay để bảo vệ rừng. Một câu hỏi đặt ra, hiện lực lượng kiểm lâm có bảo vệ, quản lý được toàn bộ rừng phòng hộ và người dân sẽ đi về đâu?

Ông Lê Văn Hải nói: “Chúng tôi chỉ đạo Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn Cà Mau khảo sát thực trạng, xây dựng phương án di dời, tái định cư cho người dân theo hướng ổn định cuộc sống cho người dân”.

Gồng mình trước biến đổi khí hậu - Bài cuối: Tơi tả áo giáp xanh ảnh 2 Người dân vào khu tái định cư bế tắc sinh kế.

Bế tắc

Tỉnh Bạc Liêu ì ạch triển khai dự án di dời hơn 900 hộ dân sống ven biển, trong rừng phòng hộ đến nơi an toàn. Nhưng người dân e ngại di dời khỏi nền kinh tế “đánh bắt, hái lượm” bao đời của họ. Ông Thạch Sơn, ở kinh 14, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu) nói: “Ở ven biển sợ giông bão, nước dâng nhưng còn có cái ăn. Vào khu tái định cư yên thân mà bụng đói sao chịu nổi?”.

Sở NN&PTNT Cà Mau vừa thống kê, từ năm 2013- 2016, có thêm 1.144 hộ, 4.577 khẩu di dân tự do. Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Việc di dời dân cư ven rừng, ven biển, di cư tự do đang gặp khó bởi nguồn đầu tư và sinh kế người dân”.

Khu dân cư Hương Mai, ấp 7, xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau) có sức chứa 270 hộ, tiếp nhận dân cư từ năm 2011. Ông Nguyễn Châu Á, Ấp đội trưởng, kiêm Tổ tự quản Khu dân cư Hương Mai cho biết: “Hiện nay, có 45 hộ đã di dời vào khu tái định cư. Trước đây, bà con đến nhận nền đất 7 m x 30 m rất đông, khoảng 80%, nhưng chỉ một thời gian ngắn bà con bỏ đi nơi khác vì không tư liệu sản xuất, không làm ăn được”.

Vợ chồng ông Lê Văn Hẹ, 60 tuổi và bà Nguyễn Thị Hè, 57 tuổi, ở Khu dân cư Hương Mai nói: “Gia đình tôi có 6 người con thì đi Bình Dương làm công nhân hết 5 đứa. Vợ chồng già, con gái út và mấy đứa cháu nội ngoại còn ở đây. Bà con vào khu dân cư này ở thì sướng, có điện, có nước nhưng không làm ra tiền để sống”.

Ông Phan Văn Đậu, 71 tuổi, ở Khu dân cư Hương Mai nói: “Vào khu tái định cư chúng tôi thấy bế tắc vì không tìm ra kế sinh nhai. Bà con tái định cư rất cần đất sản xuất hoặc phương tiện để khai thác biển mới sống được”.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: “Giai đoạn 2016-2020 và lộ trình đến 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm 4.800 hộ dân ở nơi bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu vào nơi ở ổn định theo cụm, tuyến dân cư”.

Bộ NN&PTNT báo cáo, những năm gần đây rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản. Phần rừng biến mất đó tập trung phần lớn tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2011- 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%; từ 194.723 ha năm 2011, còn 179.384 ha năm 2016 (giảm 15.339ha). 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.