3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4:

Góp phần giữ vững ổn định chính trị

GS Hoàng Chí Bảo (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 22/1.
GS Hoàng Chí Bảo (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 22/1.
TP - Đó là ý kiến được ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu tại cuộc Tọa đàm trực tuyến: “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 22/1.

Theo ông Hà, trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) Trung ương  (T.Ư) 4,  cả nước đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên. Trong đó, năm 2012, xử lý kỷ luật 16 nghìn đảng viên, năm 2013 là trên 21 nghìn đảng viên và năm 2014 là trên 17 nghìn đảng viên. Như vậy qua 3 năm, đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên và đưa ra khỏi Đảng qua những hình thức xử lý khác đối với hàng nghìn đảng viên. Điều đó càng chứng minh rằng, nhận định của T.Ư trong NQ T.Ư 4 là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống là hoàn toàn chính xác.

Cũng theo ông Hà, việc xử lý được thực hiện ở tất cả các cấp. Cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định cũng có, thường vụ tỉnh ủy, đảng ủy, chi bộ kỷ luật cũng có… “Tuy chưa đạt được mong muốn chờ đợi của dư luận, của nhân dân, nhưng những kết quả ban đầu đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, góp phần cải thiện dân sinh, thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong mấy năm vừa qua”, ông Hà nhấn mạnh.

“Phải có các giải pháp để khắc phục tình hình nan giải hiện nay là, người đông mà việc không chạy, người xứng đáng làm việc thì không có việc mà phải ngồi chờ, còn người không nên để trong bộ máy nữa thì không biết xử lý như thế nào”. 

GS Hoàng Chí Bảo

Đề cập đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, GS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, đây cũng là một cách tham nhũng. Vì tham nhũng không chỉ là tiền của, vật chất mà là tham nhũng thời gian. Lãng phí không chỉ của cải, vật chất mà lãng phí sức người, lãng phí thời gian. Nhiều sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy nhưng sự lãng phí vô hình mới là nan giải.

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, lúc này phải tính toán để có thể giải phóng khỏi bộ máy những người không làm việc được, những người kém phẩm chất, để đưa những nhân lực mới có tài, có đức vào. Vì thực tế chưa bao giờ những người có học lại thất nghiệp nhiều như bây giờ khi có đến 170 ngàn cử nhân, thạc sĩ, có cả tiến sĩ cũng thất nghiệp; cá biệt có cả tiến sĩ ở nước ngoài về thi tuyển một công việc bình thường cũng bị trượt.

“Phải có các giải pháp để khắc phục tình hình nan giải hiện nay là, người đông mà việc không chạy, người xứng đáng làm việc thì không có việc mà phải ngồi chờ, còn người không nên để trong bộ máy nữa thì không biết xử lý như thế nào”, GS Hoàng Chí Bảo nói. GS Bảo cũng đề nghị chú trọng giáo dục liêm sỉ, giáo dục lòng tự trọng, để mỗi người phải biết nhục, biết xấu hổ, biết động chạm đến phẩm giá của con người khi làm những việc xấu, việc ác, việc bất minh. “Nếu tham nhũng chỉ dùng luật pháp không thôi thì sẽ không làm được, phải làm sao kích hoạt được yếu tố đạo đức lên, lòng tự trọng, liêm sỉ, biết xấu hổ, biết đau đớn, thì người ta sẽ tự thức tỉnh lương tâm. Việc này sẽ hỗ trợ cho giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ T.Ư”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG