Hà Nội có vội được không? - Bài cuối: Thủ tục hành chính “hành” dân

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy phép xây dựng là 2 thủ tục người dân kêu vì bị gây phiền hà. Ảnh: Như Ý
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy phép xây dựng là 2 thủ tục người dân kêu vì bị gây phiền hà. Ảnh: Như Ý
TP - Từ năm 2015, Thành uỷ - UBND thành phố Hà Nội đặt quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết nhanh quyền lợi của người dân, trong đó lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và Giấy phép xây dựng (GPXD) được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo dỡ kịp thời gây khó khăn cho người dân.

Gian nan

Nhằm đẩy nhanh tiến độ làm sổ đỏ, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ như rút ngắn thời gian làm sổ đỏ từ 30 ngày xuống 14 ngày, thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai làm nhiệm vụ cấp sổ đỏ và xử lý kịp thời vướng mắc liên quan đến sổ đỏ của người dân. 

Theo số liệu vừa được Sở TN&MT Hà Nội công bố, tính đến ngày 20/6, số hộ gia đình và cá nhân sở hữu đất thổ cư được cấp sổ đỏ toàn thành phố đạt gần 1,4 triệu sổ (tương đương 89,9%). Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu cấp sổ đỏ lần đầu toàn thành phố đối với nhóm đối tượng trên vào tháng 6/2017, là nhiệm vụ không dễ khi vẫn còn vướng mắc hành chính chưa được gỡ bỏ.

Sở hữu thửa đất thổ cư tại quận Hoàng Mai từ năm 2002. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông Duy dựng tạm một ngôi nhà cấp 4 để ở. Năm 2012, gia đình ông Duy có nhu cầu làm sổ đỏ và nộp hồ sơ ra UBND phường sở tại. 

Sau 3 năm không nhận được hồi âm, gia đình ông Duy ra phường hỏi mới biết hồ sơ đã bị thất lạc, đồng thời hướng dẫn công dân nộp lại. Tháng 10/2015, ông tiếp tục làm hồ sơ niêm yết tại phường, sau đó hồ sơ được chuyển lên UBND quận. 

Nhưng đến nay, gia đình ông Duy vẫn chưa được cấp sổ đỏ bởi trên đất có ngôi nhà cấp 4 xây không có GPXD. Theo quy định, khi có công trình vi phạm trên đất thửa đất làm thủ tục cấp sổ đỏ thì phải có kết luận thanh, kiểm tra vi phạm trước khi xem xét cấp sổ đỏ. 

Như vậy, thời gian hoàn thiện hồ sơ sẽ phụ thuộc vào kế hoạch thanh tra của UBND quận, đồng nghĩa mong muốn cấp sổ đỏ của gia đình ông Duy vẫn ở chế độ “chờ” vô thời hạn, mặc dù thửa đất nhà ông Duy đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.

Trong số nhóm đối tượng chưa được cấp sổ đỏ trên địa bàn thành phố, các hộ dân sở hữu đất có nguồn gốc do cơ quan, tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng đã phân phối, giao, cấp đất ở cho cán bộ, công nhân viên trước ngày 15/10/1993, cũng có nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến quyền lợi cấp sổ đỏ của người dân. 

Theo quy định, để cấp sổ đỏ cho hộ gia đình thuộc diện này, người dân phải đáp ứng yêu cầu có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất theo khoản 1 - Điều 100, Luật Đất đai 2013. Đây được xem là thách thức lớn với người dân, khi việc phân chia đất cho cán bộ đều được các cơ quan nhà nước thực hiện từ những năm 1970 - 1980, nhiều đơn vị đã tiến hành cổ phần, bản thân người dân cũng để thất lạc nhiều giấy tờ nên việc xin xác nhận lại là rất
khó khăn.

Nhiều khu tập thể có đầy đủ giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và  Quyết định định số 37/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi người dân có nhu cầu cấp sổ đỏ lại bị đơn vị cấp đất gây khó trong việc cung cấp hồ sơ, cung cấp bản đo vẽ hiện trạng, trong khi chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng không vận dụng linh hoạt quy định đẩy người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn. 

Trường hợp 89 hộ dân thuộc khu tập thể Trường Trung học KT&NV Hà Nội (phường Trung Hoà) là ví dụ. Gần 2 năm sau ngày UBND thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo, việc cấp sổ đỏ cho người dân vẫn không được giải quyết, quả bóng trách nhiệm thì liên tục được UBND quận Cầu Giấy và Sở Xây dựng đá qua, đá lại. Khi người dân thắc mắc thì các đơn vị chức năng cho biết, nhà trường không có thiện chí hợp tác bàn giao hồ sơ. 

Trong khi đó, đại diện Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, Sở đã có hướng dẫn chính quyền địa phương cách thức xử lý đối với các trường hợp đơn vị giao đất không hợp tác cung cấp hồ sơ, hoặc không xác nhận hồ sơ cho người dân. Với trường hợp đơn vị chủ quản không hợp tác, UBND quận hoặc cơ quan quản lý nhà đất có quyền lập hồ sơ, đo vẽ hiện trạng sử dụng thực tế để cấp sổ đỏ theo quy định của nhà nước mà không phải thông qua cơ quan chủ quản cấp đất.

Mòn mỏi

Không được xây dựng lại nhà cũ đã xập xệ, đó là thực tế đang tồn tại ở nhiều khu dân cư nằm dọc các dự án đường giao thông do cơ quan chức năng chưa “chốt” quy hoạch hai bên đường, hoặc chưa có thông báo việc đã hoàn thành dự án để chính quyền địa phương có cơ sở cấp sổ đỏ và cấp GPXD cho người dân theo quy định. Kể cả khi người dân chấp thuận cầm đằng lưỡi xin GPXD tạm để cải thiện chỗ ở (nếu thu hồi không được đền bù tài sản), mong ước được xây nhà mới của người dân cũng khó được giải quyết.

Trường hợp các hộ dân thuộc phường Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) nằm trên dự án đường Vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái là ví dụ. Do phải nằm “chờ” dự án nghìn tỷ chậm tiến độ nhiều năm, hàng chục hộ gia đình phải sống cảnh chật chội trong những ngôi nhà cấp 4 xuống cấp. Sau khi đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đi vào hoạt động, ước mơ xây dựng lại nhà mới của người dân vẫn ở chế độ “chờ” vì nhà chưa có sổ đỏ, dẫn đến không đủ điều kiện cấp GPXD. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, chính quyền rất muốn tạo điều kiện cho người dân, nhưng chưa có cơ chế tháo gỡ các thủ tục pháp lý nên chưa thể giải quyết mong muốn của người dân.

Để quản lý quy hoạch kiến trúc các quận nội đô, thành phố Hà Nội đã có quy định rõ ràng về chiều cao và mật độ xây dựng với từng khu vực. Tuy nhiên, với các công trình xây dựng nằm sát các công trình văn hoá như đình, chùa, di tích văn hóa, trước khi cấp GPXD, UBND quận phải có văn bản gửi Sở Văn hóa -Thể thao xin ý kiến tham mưu về chiều cao và mật độ công trình. Thông thường, thời gian để hỏi và trả lời sẽ mất 7 - 10 ngày nên dễ dẫn tới tình trạng không kịp cấp GPXD cho người dân trong thời hạn quy định 15 ngày. Ghi nhận ý kiến đại diện một số Phòng Quản lý Đô thị khu vực nội thành đều mong muốn, cơ quan chuyên môn đưa ra một quy chuẩn chung về chiều cao, mật độ xây dựng với các công trình liền kề công trình văn hoá để có căn cứ cấp GPXD sớm cho người dân.

MỚI - NÓNG