Hà Nội: Dân nghi ngờ công tơ điện mới!

Hà Nội: Dân nghi ngờ công tơ điện mới!
TP - Gần một tháng nay, nhiều hộ dân ở khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa-Hà Nội) rất bức xúc vì công tơ mới vừa thay chạy với tốc độ “phi mã”. Tiền điện tăng vọt.
Hà Nội: Dân nghi ngờ công tơ điện mới! ảnh 1
Người dân nghi ngờ về độ chính xác của những chiếc công tơ mới được lắp đặt này  ảnh: Ngàn Phố

Các hộ dân cho rằng việc thay công tơ mới của Chi nhánh Điện lực Đống Đa (ĐLĐĐ) chính là nguyên nhân khiến dân thiệt.

Công tơ mới làm tiền điện tăng vọt

Gia đình anh Phạm Minh Đóa và Trần Ngọc Dung (số 7-B2) bức xúc: “Tháng này tiền điện nhà tôi tăng vọt mặc dù việc sử dụng điện không tăng”. Cũng giống  hộ anh Đóa, nhiều hộ khác chỉ số tiêu thụ điện tháng 3/2006 cũng tăng vọt.

Hóa đơn thu tiền điện của nhiều hộ dân chỉ tăng lên một cách “đáng ngờ” sau khi thay công tơ  mới vào đầu tháng 3/2006. Nhiều hộ phải trả tiền cao hơn tháng trước từ 20% - 35%. Trường hợp nhà anh Đóa là một điển hình.

Từ ngày 18/2-17/3/2006, anh phải đóng 107.085 đồng. Nhưng tháng sau đó (từ 18/3-17/4), số tiền điện nhà anh tăng đến 200% (208.120 đồng)! Hộ bà Duyên ở khu tập thể B1 cũng tăng thêm mấy chục số điện. “Thật phi lý, ngành điện lại trả lời chúng tôi là công tơ chạy sai do dân đun bếp than tổ ong”-Bà Duyên nói.

Tuy nhiên, những thắc mắc này của các hộ dân đã không được giải thích thỏa đáng. Cả nhân viên thu tiền điện và lãnh đạo Điện lực Đống Đa đều trả lời: “Thời tiết chuyển mùa, người dân sử dụng nhiều điện hơn. Năm nào cũng vậy...”.

Theo thống kê của Điện lực Đống Đa, giữa các mùa, mức doanh thu tiêu thụ điện tăng 10-15 tỷ đồng/tháng là bình thường. Tuy nhiên, các hộ dân lại cho rằng nắng nóng không phải là lý do khiến tiền điện  tăng vọt. Việc lắp đặt công tơ có thể đã có vấn đề.

Cụ thể: Người dân cho rằng, khi ĐLĐĐ đến lắp đặt lại công tơ thì nhiều hộ dân đã không được mời có mặt để chứng kiến. Nhiều hộ cho biết công tơ đang rất tốt (mới chỉ sử dụng 2 năm), không hiểu sao lại phải thay thế rất tốn kém!?

Thật kỳ lạ, biên bản ngày 10/3/2006 của ĐLĐĐ và người dân TT Văn Chương ghi: Công tơ hoạt động bình thường, khách hàng mua điện chứng kiến và nhất trí với các nội dung ghi trong biên bản này. Tuy nhiên  trong biên bản này lại  không thấy có chữ ký nào của khách hàng.

Công tơ chạy sai do khói bếp than!?

Một lãnh đạo ĐLĐĐ cho biết: Việc thay công tơ đúng theo quy định của ngành. Khu vực này công tơ cũ hỏng có hiện tượng sùi, mờ mặt kính vì  khu tập thể này ẩm ướt và có nhiều người dân đun nấu bằng bếp  than.

Cụ thể, qua kiểm tra thấy  một số công tơ ở khu B1, B2 Văn Chương đã sử dụng khoảng 3 năm nay (từ tháng 11/2003) có hiện tượng mờ mặt đồng hồ rất khó đọc số; có thể các bộ phận bên trong cũng bị sùi.

Vì vậy đồng hồ cũ chạy chậm lại, tỷ lệ tổn thất điện năng  ở đây là 10% (lớn hơn cho phép; sau khi thay mới công tơ chỉ còn 7,9%). “Tuy nhiên, bếp than và sự ẩm thấp không làm công tơ chạy nhanh hay chậm ngay được, mà chỉ làm công tơ hỏng phải thay thế” - Vị lãnh đạo này cho biết.

Nguyên nhân các hộ dân phải trả nhiều tiền điện hơn, theo lý giải của ĐLĐĐ là do các hộ dân đã sử dụng nhiều hơn vào mùa nóng, có hộ còn dùng điện để sắc thuốc bắc!

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ĐLĐĐ vẫn chưa có sự trả lời thỏa đáng cho người dân. Vẫn chưa có một công tơ mới nào của dân được đưa đi kiểm định để trả lời cụ thể về nguyên nhân của hiện tượng công tơ “phi mã ở đây”.

Hiện ĐLĐĐ mới chỉ xuống giải thích với các hộ dân là “đồng hồ được kiểm định có chất lượng tốt”. Sau đó, giải pháp được đưa ra là: “Các hộ dân tiếp tục theo dõi công tơ trong vòng một tháng nữa, nếu có kiến nghị thì sẽ kiểm định sau”.

“Chúng tôi sẵn sàng kiểm định để tìm ra nguyên nhân, tuy nhiên các hộ phải có đơn gửi trực tiếp” - Bà Quảng Thị Hằng, Phó giám đốc ĐLĐĐ cho biết. Trong khi đó, Cty Điện lực Hà Nội lại cho rằng việc tăng chỉ số điện là do sai sót của các công tơ cũ chứ không phải chiếc đồng hồ mới được lắp đặt.

Công tơ cũ đã làm đồng hồ bị ô xi hóa, chạy chậm lại. Khi thay đồng hồ mới, chạy đúng nên chỉ số có tăng hơn khi dùng công tơ cũ thì dân tưởng là “phi mã” (?!)

MỚI - NÓNG