Hà Nội đề xuất tăng phó giám đốc sở lên 4 người

TP - Đề xuất trên vừa được đưa ra khi đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, sau khi hoàn thiện sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị, Hà Nội đã giảm 1 Đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy, giảm 13 đầu mối phòng ban, 9 đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, ra chủ trương chấm dứt hoạt động của Hội Nông dân tại 7 quận. Tại các sở, sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban so với hiện tại; giảm thêm 6 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, sau sắp xếp giảm từ 401 xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị.

Cùng với đó, Hà Nội đã sắp xếp lại Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, sáp nhập 3 quỹ thành một đơn vị trực thuộc thành phố. Sau sắp xếp đã giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó. Tương tự tại các quận, huyện, thị xã, Hà Nội bỏ phòng Dân tộc tại 3 huyện, chức năng quản lý nhà nước về dân tộc, giao về Văn phòng HĐND và UBND huyện.

Như vậy qua rà soát, sắp xếp, Hà Nội đã giảm 59 phòng ban, giảm 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban, đồng thời giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 27 ban quản lý dự án, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban quản lý dự án và quỹ...

Hà Nội cho rằng, sau 3 năm triển khai, nhiều nội dung trong Luật Thủ đô còn vướng mắc, khó khăn, chưa phát huy hiệu quả khi thực hiện vì chồng chéo, thiếu thống nhất về thẩm quyền giữa các bộ, ngành và thành phố, nhất là trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, xây dựng cơ bản, tuyển dụng... Hà Nội kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho thành phố.

Đặc biệt, Hà Nội cũng đề nghị trước mắt, cho phép được thực hiện số lượng 4 Phó giám đốc/sở và tương đương theo quy định tại khoản 2 điều 6 Nghị định số 24 của Chính phủ; cho phép Hà Nội xây dựng cơ chế đặc thù của thành phố để khuyến khích những đối tượng tự nguyện tinh giản biên chế.

11 địa phương tự giao vượt biên chế

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương: Có 11 địa phương tự giao biên chế vượt so với số biên chế Bộ Nội vụ giao là: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.

Ông Tùng đánh giá, tình hình triển khai tinh giản biên chế trong cả hệ thống còn chậm, nhiều cơ quan, tổ chức chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn từ năm 2015 - 2021. Phần lớn địa phương, đơn vị chưa phê duyệt đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và thực hiện đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 2 lần/năm- 6 tháng/lần).

MỚI - NÓNG