Hà Nội duyệt chi 2.000 tỷ để giảm ùn tắc

Hà Nội duyệt chi 2.000 tỷ để giảm ùn tắc
TPO - Chiều 1/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện 2.167,7 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Quốc Hùng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện mục tiêu, số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 89 xuống 51 điểm. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm.

Từ yêu cầu thực tế trên theo ông Hùng phải tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu được đặt ra là triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô, các đường vành đai 1, 2 và 3, các khu vực đầu mối giao thông.

Qua đó mục tiêu đề ra là giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Cùng với đó, mỗi năm sẽ giảm tai nạn giao thông từ 5 – 15% trên cả ba tiêu chí.

Thực hiện mục tiêu này, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, Hà Nội sẽ ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ trng quản lý điều hành, xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng chung, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Giai đoạn 2016-2020 Hà Nội sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu. Tiếp tục lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Bên cạnh đó Hà Nội tiếp tục thực hiện 10 dự án đã được phê duyệt trước đây và sẽ triển khai 6 dự án có vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông, đảo bảo an toàn giao thông.

Để triển khai kế hoạch này, UBND Thành phố đề xuất tổng kinh phí giai đoạn 2016 – 2020 là 2.167 tỷ đồng, được phân bổ theo từng năm. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm theo tinh thần Luật Thủ đô. 

Các Bộ, ngành Trung ương sau khi di dời trụ sở địa điểm mới, đề nghị giao lại các trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng vào mục đích giao thông công cộng.

HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu với nguồn kinh phí và các mục tiêu đề ra theo tờ trình đề xuất của UBND.

MỚI - NÓNG