Hà Nội khẩn cấp xử lý các 'điểm đen' nước thải ô nhiễm

Nhiều xưởng công nghiệp vẫn xả thải trực tiếp ra hệ thống mương tiêu tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức.
Nhiều xưởng công nghiệp vẫn xả thải trực tiếp ra hệ thống mương tiêu tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức.
TPO - Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nước tại các khu vực tập trung làng nghề truyền thống và cụm công nghiệp, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát, lập kế hoạch kêu gọi xã hội hóa các dự án nước thải trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội khẩn trương lập đề xuất dự án đầu tư, hoàn thành trong tháng 4/2017: Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức).

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Lương (quận Hà Đông), được tách ra từ Dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Thị xã Sơn Tây; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây.

Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đưa 04 dự án nêu trên vào danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố dự kiến tổ chức vào tháng 6/2017.

Liên quan đến việc xử lý hệ thống kênh mương ô nhiễm ở khu vực làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hoài Đức, đầu năm 2017, Sở Xây dựng đã có báo cáo Thành phố về thực trạng ô nhiễm tại Kênh trục chính T2 chảy qua địa bàn huyện Hoài Đức với chiều dài 10km từ xã Minh Khai đến xã Vân Canh.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, Kênh T2 có nhiệm vụ tiêu thoát nước nông nghiệp và sản xuất, sinh hoạt của các khu vực dân cư lân cận trong đó có các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (là những làng nghề truyền thổng từ những năm 1960 chuyên sản xuất nông sản chế biến từ củ sắn, dong riềng).

Những năm gần đây do nhu cầu thị trường, khối lượng sản xuất tăng cao dẫn đến lượng nước thải và chất thải rắn xả ra môi trường tăng mạnh, vào mùa cao điểm lưu lượng nước thải lên đến 20.000m3/ngày đêm, bã thải khoảng 10.000 tấn/năm không được thu gom xử lý, xả thẳng vào hệ thống kênh tiêu T2 phát sinh mùi hôi thối và phần lớn bã thải tồn đọng nổi trên mặt kênh gây ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực. Hiện tại theo phân cấp tuyến kênh T2 do Sở NN&PTNT quản lý.

Tháng 10/2016, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày được đưa vào hoạt động, do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền quản lý, vận hành để xử lý nước thải cho 3 làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Tuy nhiên đến nay mới chỉ thu gom, xử lý được khoảng 3.000 - 5.000 m3/ngày đêm, phần còn lại chua xử lý xả thẳng ra hệ thống kênh tiêu gây nên tình trạng ô nhiễm, môi trường.

Căn cứ hiện trạng ô nhiễm và đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Hoài Đức khẩn trương tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực kênh T2.

Thành phố giao UBND huyện Hoài Đức tiến hành thu gom vớt rác, bã thải nổi trên kênh T2 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc xử lý nước thải và chất thải rắn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường; có chế tài chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất chế biến xả thải ra môi trường không đảm bảo các quy định pháp luật về hoạt động làng nghề; triển khai đầu tư hệ thống thu gom tách nước thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất chế biến theo quy định.

Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát thực trạng ô nhiễm kênh T2 và có biện pháp nạo vét lòng kênh, trục vớt bã thải tồn đọng trên tuyến kênh trong nhiều năm qua, đảm bảo chức năng tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho kênh T2. Sở TN&MT, Công ty Phú Điền có phương án thu gom nước thải và vận hành Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà đạt công suất thiết kế, đảm bảo công tác xử lý nước thải cho khu vực.

MỚI - NÓNG