Hà Nội sẽ hạn chế xe máy chứ không cấm

Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ hạn chế xe máy chứ không cấm hẳn. Ảnh: Như Ý.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ hạn chế xe máy chứ không cấm hẳn. Ảnh: Như Ý.
TP - Trước băn khoăn của nhiều cử tri liên quan đề án quản lý phương tiện cá nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đây là mục tiêu lớn mà cả thành phố sẽ cùng phấn đấu.

Cấm xe máy ảnh hưởng tới người nghèo

Ngày 24/7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đại biểu đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố. Trong 13 ý kiến phát biểu, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng, băn khoăn về chủ trương hạn chế xe máy ở nội đô vào năm 2030.

Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng, Nghị quyết HĐND thành phố vừa thông qua đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong các quận nội đô, là không khả thi, khó thực hiện.

Theo cử tri Toán, hạ tầng giao thông của Hà Nội còn kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ, quỹ đất khó có thể mở rộng. Hầu hết người dân ở đây thu nhập thấp, chỉ tích góp được tiền mua xe máy để thuận tiện đi lại trong ngõ hẹp và sâu. Trong khi đó, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, giờ cao điểm chen chúc, bỏ chuyến, thái độ lái phụ xe phục vụ chưa tốt, thậm chí thiếu văn hóa. “Với tình hình trên, cấm xe máy sẽ ảnh hướng đến người nghèo. Người dân nghèo không có ôtô sẽ ra sao? Chủ trương này khác gì bảo vệ cho người giàu đi ôtô”, ông Toán nêu ý kiến.

Cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) kiến nghị thành phố không nên cấm xe máy triệt để tại khu vực nội đô mà chỉ hạn chế dần theo lộ trình cụ thể. “Muốn hạn chế xe máy trước hết phải có lộ trình, trong đó có việc giảm đăng ký mới xe máy. Nếu cứ như hiện nay đến năm 2030 thành phố sẽ có gần 10 triệu xe máy hoạt động”, cử tri Dũng kiến nghị.

Theo cử tri Nguyễn Văn Khiên (phường Hàng Bông), để giảm thiểu ùn tắc, Hà Nội không nên cho xây dựng thêm khách sạn ở 4 quận nội thành. “Ở đây số dân quá đông, chúng ta còn đang tính toán di dân phố cổ. Trên một tuyến phố có 6-7 khách sạn làm phương tiện và khách tập trung đến rất đông, ùn tắc là đương nhiên”, ông Khiên kiến nghị.

Hạn chế xe máy chứ không cấm

Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030 chỉ hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn.

Theo ông Chung đây là mục tiêu lớn mà cả thành phố sẽ cùng phấn đấu. Để hiện thực hóa chủ trương này, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng các tuyến metro để đảm bảo phần lớn năng lực vận tải hành khách công cộng, đồng thời tăng thêm số lượng các xe buýt. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ đầu tư thêm từ 1.000-1.500 xe buýt và phát triển thêm nhiều loại hình xe buýt mới như buýt mini, buýt phục vụ du lịch.

Lãnh đạo thành phố cũng cho hay, Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu tư các tuyến metro với tổng mức lớn. Hà Nội đã kêu gọi thành công 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước theo hình thức PPP đăng ký tham gia xây dựng các tuyến metro.

Các dự án này sẽ được tạo điều kiện tối đa để sớm đi vào hoạt động, giảm áp lực hạ tầng, phục vụ nhân dân. “Việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua ngoài việc biến nơi đây thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách thì còn thí điểm cấm phương tiện cá nhân vào dịp cuối tuần để các cơ quan quản lý nghiên cứu, tổng kết để mở rộng ra các khu vực khác”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng cho biết, trước mắt, thành phố sẽ sớm triển khai mô hình về xe đạp công cộng để phục vụ du lịch cũng như nhu cầu của người dân Thủ đô. Đối với việc xây dựng khách sạn ở nội đô, theo ông Chung, Hà Nội phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với mục tiêu đó, không thể cấm xây khách sạn trong khu vực nội thành, bởi chỉ khách sạn ở khu vực này mới thu hút đông khách và họ cần vào đây ăn, chơi.

Bộ ngành di dời, Hà Nội chưa thu được khu đất nào

Trước thực trạng các cơ quan, nhà máy, đơn vị bộ ngành khi được cấp đất xây trụ sở mới nhưng không chịu trả đất cho thành phố, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc di dời các cơ quan bộ ngành ra khỏi nội thành là thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997.

Tuy nhiên, đã nhiều bộ ngành di dời nhưng từ đến nay Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe... Theo ông, vấn đề này còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. “Bây giờ các bộ muốn chuyển phải có tiền đầu tư, mà đầu tư thì khu đất cũ sẽ làm cái gì. Trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chủ trì để họp đánh giá lại việc di chuyển này, ông Chung cho hay.

Đồng thời, theo ông Chung, việc di chuyển bệnh viện ra khỏi nội đô là một nội dung thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ bởi như thế sẽ không tiện cho người dân. Cũng theo ông Chung, trước kia đã có quy hoạch bao nhiêu dân có 1 bệnh viện, nếu di chuyển hết, sẽ rất bất cập.

MỚI - NÓNG