Hà Nội thu hút gần 500 nghìn tỷ đồng đầu tư: Vẫn lo rào cản thuế, đất?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: PV.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: PV.
TP - Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong việc thu hút vốn đầu tư lên tới gần 500 nghìn tỷ đồng.

Sáng 25/6, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Hội nghị có hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành. Đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức và hơn 600 nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự.

Đánh giá về kết quả thực hiện các chương trình đề ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững; thu ngân sách đạt kết quả tốt. Các doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thành công và đầu tư vào thành phố với số vốn ấn tượng lên đến 439,2 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội đã nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao qua các chỉ số được xếp hạng trong nhóm tốt nhất Việt Nam như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc; chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc. Hà Nội trong nhóm 4 thành phố có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ rõ những thách thức Hà Nội phải đối mặt, đó là: Quá tải cơ sở hạ tầng, quá tải dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch, giao thông công cộng. Tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi đã trở nên nghiêm trọng. Thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng khung là giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông.

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2016, Hà Nội tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016, thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán, khách du lịch quốc tế tăng 19,9%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18%.

Có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015). 6 tháng đầu năm 2017, thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao các chỉ số. Thành phố tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...

Hà Nội thu hút gần 500 nghìn tỷ đồng đầu tư: Vẫn lo rào cản thuế, đất? ảnh 1 Một góc phía Tây Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Rào cản lớn về thuế, đất đai

Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc thu hút vốn đầu tư sau Hội nghị xúc tiến tổ chức lần đầu năm 2016, nhưng đại diện Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy hoạch rõ ràng để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm ưu tiên vốn đầu tư lâu dài, đảm bảo giảm tải hạ tầng cho khu vực nội đô đang ngột ngạt.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá,  kết quả điều tra PCI 2016 cho thấy, Hà Nội tăng từ thứ hạng 24 lên 14 của bảng xếp hạng, cao nhất từ trước đến nay là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thành phố Hà Nội sẽ thân thiện, chuyên nghiệp và hiện đại hơn nữa.

Muốn hiện thực hóa việc này, thành phố cần tiếp tục đột phá trong quy trình xem xét đầu tư với các nhà đầu tư. Thủ tục, nhất là trong đất đai vẫn còn khúc mắc. Cần có quy trình thống nhất khoa học, cần quy chế phản ứng kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp nộp thuế thuận lợi hơn, vì hiện nay một số doanh nghiệp còn phản ánh việc nộp thuế còn bị phản ánh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, muốn tăng tính cạnh tranh trong giai đoạn sắp tới, Hà Nội cần rà soát và hoàn thiện các quy hoạch theo hướng tiên tiến và hiện đại với một tư duy mới, một tầm nhìn dài hạn để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đồng thời xử lý được những thách thức hiện đang phải đối mặt như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…, việc quản lý quy hoạch phải nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Quy hoạch chung của thành phố phải gắn liền với định hướng phát triển không gian của Vùng Thủ đô và tiếp nối với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. “Cần di dời nhanh một số cơ sở của Nhà nước ra khỏi trung tâm nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng ở khu vực trung tâm, tạo không gian phát triển thương mại và dịch vụ, tạo cơ hội để phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian thành phố, sử dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực vùng ven còn chưa phát triển; đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là các chính sách về quản lý dân cư và phương tiện giao thông cá nhân”, ông Dũng nói.

Bên cạnh ưu tiên phát triển kinh tế, ông Katsuro Nagai - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khuyến cáo, Hà Nội cần tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm sông, hồ, ô nhiễm không khí khu vực nội thành. Ông Katsuro Nagai nhận định, ô nhiễm sông, hồ trong nội đô đang là vấn đề lớn của thành phố hiện nay. Chính quyền thành phố đã có những dự án mới nhằm cải thiện vấn đề môi trường, nhưng vẫn chưa rõ ràng.

Ô nhiễm không khí cũng là một vấn đề lớn khác, do lượng phương tiện cá nhân khu vực nội đô quá cao. Để giải bài toán này, Đại sứ Nhật Bản đề xuất thành phố tập trung phát triển đường sắt đô thị. “Cần phát triển hệ thống đường sắt nội đô, để giảm thiểu lượng xe lưu thông trong thành phố. Hà Nội cần có những hỗ trợ tốt để doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho việc phát triển đường sắt nội đô”, ông Katsuro Nagai phát biểu.  

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị: Thành phố cần tiếp tục đột phá trong quy trình xem xét đầu tư với các nhà đầu tư. Thủ tục , nhất là trong đất đai vẫn còn khúc mắc. Cần có quy trình thống nhất khoa học, cần quy chế phản ứng kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp nộp thuế thuận lợi hơn, vì hiện nay một số doanh nghiệp còn phản ánh việc nộp thuế còn bị phản ánh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tại Hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư cho 48 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 74,3 nghìn tỷ đồng trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, nhà ở, khu đô thị... Trong đó có một số dự án lớn như: Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda; Nối mạng, cấp nước 14 xã, thị trấn. Hà Nội đã trao 15 bản ghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp như: Dự án hợp tác phát triển đường sắt đô thị Hà Nội - Vingroup với tổng vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng; Dự án hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ứng dụng CNTT và truyền thông trên địa bàn TP Hà Nội…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 

 Chính phủ kiến tạo đang lan tỏa tại Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội 2017, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế xã hội của tập thể lãnh đạo thành phố Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền phải chuyển động nhạy bén, kịp thời trước những chính sách.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Hội nghị năm nay đã đổi mới hơn, có lắng nghe nhiều chiều hơn từ các các doanh nghiệp (DN) quốc tế. Từng ý kiến đề xuất sẽ được Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, từng bước chuyển hóa thành hành động. Chính phủ kiến tạo không thể, không chỉ dừng ở lời nói mà phải được chuyển hóa thành hành động. Từ các ngành các cấp, tất cả các lãnh đạo, các địa phương”. Thủ tướng chia sẻ, “một DN gần đây có nói với tôi, một lãnh đạo Hà Nội đã giải quyết nhu cầu chính đáng, hợp pháp của DN chỉ trong đúng một ngày sau khi DN gửi tin nhắn qua điện thoại của vị lãnh đạo này. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh, mọi bộ máy cơ sở phải chuyển động nhạy bén, kịp thời trước những chính sách”.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thời gian qua đã tích cực lắng nghe địa phương và lần thứ 2 đối thoại với cộng đồng DN  cho thấy có những chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động. Tinh thần chính phủ kiến tạo đã nhận được phản hồi mạnh mẽ, chuyển biến tốt từ cộng đồng DN và đang từng bước lan tỏa tới Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước.

“Vị trí chiến lược quan trọng, địa lợi tuyệt vời với 1000 năm đầy thăng trầm, Thủ đô Hà Nội là nơi đất lành chim đậu, tích tụ nhiều nét di sản thiên nhiên, tiềm ẩn sức mạnh văn hóa, là nơi khởi nghiệp và thu hút nhiều tập đoàn nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Những nguồn lực đó không chỉ đang góp phần phát huy lan tỏa ra nhiều tỉnh thành, Hà Nội là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình phát triển hội nhập toàn cầu hóa của cả nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ kiến tạo môi trường đầu tư công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư đảm bảo ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ trung ương đến địa phương. Cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng. Trong đó, các bộ trưởng, Chính phủ xắn tay áo cùng Hà Nội để thực hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu chính phủ kiến tạo. Với cách làm mới, quyết tâm mới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tôi tin rằng, thời gian tới các nhà đầu tư trong hay ngoài nước sẽ luôn đồng hành cùng Hà Nội phát huy những tiềm lực, vật lực để đạt được tiềm năng rất lớn lao về vốn, kiến thức”, Thủ tướng nói.

Hà Thành - Trần Hoàng (ghi)

MỚI - NÓNG