Hà Nội tính đầu tư hơn 503 nghìn tỷ đồng cho 52 dự án

Dự án mở rộng đường Trường Chinh liên tục chậm tiến độ.
Dự án mở rộng đường Trường Chinh liên tục chậm tiến độ.
TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành báo cáo số 209 về danh mục các dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 trình HĐND thành phố thông qua. Theo đó, tổng số công trình trọng điểm giai đoạn này là 52 dự án, tổng mức đầu tư trên 503.374 tỷ đồng.

Theo đó, căn cứ danh mục dự kiến công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, căn cứ các tiêu chí xác định công trình trọng điểm, khả năng cân đối và huy động nguồn vốn, UBND thành phố đã rà soát và đề xuất danh mục dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng số công trình trọng điểm giai đoạn này là 52 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 217.468 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, cần tập trung các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình trọng điểm trong những năm tới, cụ thể: Ưu tiên tập trung phân bổ vốn xây dựng cơ bản cho các dự án, công trình trọng điểm. Áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt vốn cho giải phóng mặt bằng, cho phép giải ngân theo phương án giải phóng mặt bằng được duyệt, không phụ thuộc mức vốn giao kế hoạch. Xây dựng đề án phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô để bổ sung vốn cho các dự án, công trình trọng điểm.

Rà soát phương án xác định quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho các công trình trọng điểm của thành phố. Thành phố xác định một số quỹ đất tập trung để đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất tạo quỹ đầu tư các công trình trọng điểm: Tập trung làm rõ quy hoạch, xác định ranh giới để tổ chức đấu thầu, đấu giá và giao các đơn vị triển khai thực hiện. Quyết liệt triển khai các dự án đã có hiệp định, đảm bảo giải ngân vốn ODA phù hợp với tiến độ cam kết. Rà soát, xác định đủ quỹ đất, triển khai thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết quỹ đất thanh toán các dự án theo hình thức hợp đồng BT và quỹ đất để thực hiện các dự án BOT, BTO, PPP trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố thường xuyên tiến hành giao ban, kiểm điểm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng, yêu cầu Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố; các Bí thư, Chủ tịch quận, huyện chỉ đạo quyết liệt, có cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng. Tập trung rà soát quỹ nhà tái định cư đảm bảo bố trí đủ nhu cầu tái định cư cho các công trình trọng điểm. Thành phố thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng của nhà nước; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng công khai, minh bạch, đúng luật, đảm bảo công bằng, chính xác…

MỚI - NÓNG