Hà Nội và TPHCM: Báo động ô nhiễm kim loại nặng trong nước ngầm

Hà Nội và TPHCM chủ yếu khai thác nước ngầm làm nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Châu.
Hà Nội và TPHCM chủ yếu khai thác nước ngầm làm nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trong khi ở Hà Nội, hầu hết các quận, huyện, nước ngầm (nguồn cung cấp nước sinh hoạt quan trọng của thành phố) đều có kim loại nặng thì ở TPHCM chất lượng nước sinh hoạt (gồm nước chưa xử lý và đã qua xử lý) đều có vấn đề. Đây là thông tin được nêu trong Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị công bố chiều qua.

Nhiều nơi ô nhiễm Asen, chì, Mangan, sắt

Chiều qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị, cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường đất, nước, không khí ở các đô thị, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM.

Theo đó, việc ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ngầm đang là vấn đề đáng lo ngại. “Tại nhiều nơi, đặc biệt ở các thành phố lớn nước ngầm bị ô nhiễm và suy thoái, xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ với hàm lượng kim loại nặng như chì, Asen, mangan vượt quy chuẩn”, báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị nêu. Theo đó, một số thông số như sắt (Fe), Asen (As), Mangan (Mn) ở một số điểm quan trắc nước dưới đất có hàm lượng cao hơn quy chuẩn. Một số đô thị ở đồng bằng Bắc bộ có hàm lượng Asen trong nước dưới đất cao do cấu tạo địa chất của vùng, điển hình là ở Hà Nam, ghi nhận hàm lượng Asen vượt quy chuẩn gần 5 lần.

Riêng ở Hà Nội, qua kiểm tra lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm Asen tại 34 điểm là các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Kết quả, có 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng Asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của WHO và tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đa số các giếng quan trắc nước dưới đất đều bị ô nhiễm Amoni (mức từ vài lần đến vài chục lần). Một số giếng quan trắc tại các quận có hàm lượng Fe cao gồm Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các quận có hàm lượng Mn cao gồm Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên. Các quận Hoàng Mai, Long Biên có dấu hiệu ô nhiễm Asen nhiều năm liền. Khu vực phía nam thành phố có chất lượng nước ngầm thấp hơn các khu vực khác.

Ở TPHCM, theo báo cáo môi trường của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM năm 2014, thì chất lượng nước sinh hoạt chưa qua xử lý và đã qua xử lý đều có vấn đề. Các mẫu nước lấy tại họng thu nước các nhà máy đều có hàm lượng Amoni vượt tiêu chuẩn cho phép. Các mẫu nước lấy tại sông Đồng Nai - nơi được trạm bơm Hóa An, nhà máy nước Bình An xử lý đều có hàm lượng Nitrit cao. Riêng tại họng thu nước từ nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp có giá trị thông số Coliform cao. Vào tháng 7/2014, Bộ Y tế kiểm tra tại 3 nhà máy nước lớn nhất gồm Thủ Đức, Bình Chánh và Phong Phú đều phát hiện không đạt chỉ tiêu clo dư, lượng Mn, Fe cũng cao hơn mức cho phép.

Lo ngại khu đô thị, chung cư mới

Theo thống kê, khoảng 40% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước ngầm. Hai thành phố Hà Nội và TPHCM có tổng lượng nước ngầm khai thác lớn nhất khoảng 2,63 triệu mét khối/ngày, chiếm gần 25% tổng lưu lượng khai thác của cả nước. Tình trạng nguồn nước dưới đất, nước mặt bị ô nhiễm dẫn tới chất lượng nước cấp cho nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Trong khi đó, đáng lo ngại là công nghệ xử lý nước ở một số nhà máy, đặc biệt là các trạm cấp nước quy mô nhỏ ở các đô thị, khu chung cư mới lại chưa đảm bảo.

“Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại các khu đô thị mới, khu chung cư hay giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế chưa đạt yêu cầu quy định như chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm Asen, Amoni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác”, báo cáo nêu. Công nghệ xử lý nước tại một số nhà máy nước cũng chưa đồng bộ và hoàn chỉnh. Trong khi đó, tình hình xả không qua xử lý ra sông hồ, hàng vạn lỗ khoan mạch nông đang tiếp tục gây ô nhiễm cho tầng nước đang khai thác.

Tác hại của nước nhiễm Asen, Mn vượt hàm lượng cho phép

Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá hàm lượng cho phép trong một thời gian dài, cơ thể bị phơi nhiễm Asen mãn tính. Asen là tác nhân gây ra 19 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt là bệnh ung thư­ da và ung thư­ phổi.

Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan quá hàm lượng trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc Mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".