Hà Tĩnh: Chuyện khó tin về một gia đình liệt sĩ

Hà Tĩnh: Chuyện khó tin về một gia đình liệt sĩ
Là vợ liệt sỹ sống độc thân, từng tham gia chống Mỹ cứu nước có huân huy chương, đang thờ phụng 3 người có công với cách mạng, thế nhưng bà Lê Thị Lai vẫn không được hưởng nhà tình nghĩa, dù nhiều lần khẩn đề đạt.

Trước tết Ất Dậu 2005 trên đường Hồ Chí Minh đoạn thuộc huyện lỵ Hương Sơn, chúng tôi gặp một người đàn bà rách rưới dắt đứa con trai chừng 5 tuổi khá khôi ngô sống vật vạ lang thang mà lòng đầy ái ngại. Nay trở lại đây tôi cố tìm xem thằng bé ấy đang sống ở đâu?

Đến trước cổng trường THPT Hương Sơn ở thị trấn Phố Châu, nhìn chếch về phía Tây Bắc một chút chúng tôi gặp túp lều ổ chuột nằm ven làng. Nhà tranh tre dột nát vào loại dưới đáy. Tường phía trước được che bằng mấy tấm vỏ bao xi măng, phía trong, cột nhà bằng bạch đàn đã gần ải mục, khó trụ cho ngôi nhà đứng vững.

Giữa cái sập gỗ được đặt tấm di ảnh liệt sỹ Phạm Đình Liên sinh 12/9/1937. Hy sinh ngày 2/2/1968. Phía trên tường là bằng “Tổ quốc ghi công”. Bên trái là tấm bằng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký năm 2001 truy tặng bà Thái Thị Tùng có một con duy nhất là liệt sỹ Phạm Đình Liên. Bên phải là tấm Huy chương Kháng chiến của người chủ nhà tội nghiệp Lê Thị Lai - vợ liệt sỹ Phạm Đình Liên...

Không thể tin được một gia đình nhiều người có công với nước mà phải nương náu trong một túp lều ổ chuột tồi tàn đến thế.

Nghe chúng tôi lần hỏi về quá khứ, bà Lai đã khóc nức nở nói: “Tại đây  còn là nơi thờ phụng một đảng viên 1930 - 1931, lão thành cách mạng Phạm Cúc Tùng là thân phụ liệt sỹ Phạm Đình Liên”. Nhìn gia cảnh ấy và nghe những lời khóc ấm ức  không ai có thể cầm được nước mắt.

Những lá đơn dân trình lên... “quan” ấn xuống

Tôi hỏi chủ nhà: “Tại sao bà không có đơn “kêu” lên các nhà chức trách ?”.

Hà Tĩnh: Chuyện khó tin về một gia đình liệt sĩ ảnh 1
Di ảnh liệt sĩ và bằng Tổ quốc ghi công

Bà Lai ngậm ngùi kể: “Đơn viết mỏi tay, gửi lên rồi bị trả về có ai quan tâm chi mô mà trình nựa (nữa) chú”. Được biết, bà Lai đã ngoài 60 tuổi. Năm 1965 chồng nhập ngũ, một mình bà hồi ấy nuôi hai con bé bỏng và phụng dưỡng mẹ chồng đã già.

Khi vợ chưa tròn 30 tuổi thì chồng đã hy sinh. Bà ở vậy nuôi con không đi bước nữa. Con gái đầu là Phạm Thị Hoa (sinh năm 1961), lấy chồng ở thị trấn Phố Châu sinh được hai con. Nhà rất nghèo, không có vốn làm ăn, cả hai vợ chồng lên biên giới hành nghề cửu vạn.

Đứa con thứ hai tên là Phạm Thị Hiền (sinh năm 1964), lấy chồng ở Nghệ An cũng chỉ  buôn thúng bán mẹt. Năm 1994 bà bỏ quê Sơn Bằng lên ở với con, tưởng rằng mẹ con được nương tựa vào nhau, ngờ đâu sự đời lắm điều bất trắc.

Nhiều lần bà phải khăn gói đi ăn nhờ ở đợ, khi thì nhà em trai khi thì nhà chị dâu. Tháng 3/1998 gia đình vào miền Nam tìm  đưa mộ liệt sỹ Phạm Đình Liên đưa về nghĩa trang quê nhà. Khổ nhất là những ngày giỗ ba người thân: Một lão thành cách mạng, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, một liệt sỹ, không có tiền mua sắm lễ vật và cũng không có nơi để soạn bày mâm cỗ, bà đành mua thẻ hương ra mộ khấn vái xin người đã khuất xá tội.

Sau nhiều lần bà làm đơn kêu chính quyền mới được bán cho miếng đất để tự cắm lên túp lều ổ chuột này.

Bà lục trong tập giấy tờ còn lưu lại trao cho chúng tôi 3 lá đơn viết gần đây. Đó là “Đơn xin xây nhà tình nghĩa”, gửi UBND thị trấn Phố Châu. Đơn viết ngày 18/9/2003. Ngày 19/9, ông Lương Giao cán bộ khối phố ghi xác nhận và đề nghị cấp trên giải quyết.

Văn tự được chủ nhà mang lên chính quyền thị trấn. Ông Dương Bá Trịnh - Chủ tịch thị trấn phê: “Xác nhận đơn xin làm nhà tình nghĩa của bà Lê Thị Lai là đúng, do địa phương đông đối tượng chính sách, quỹ tình nghĩa chỉ đủ đáp ứng hỗ trợ bằng sổ tiết kiệm.

Việc xây nhà tình nghĩa đề nghị phòng LĐ  - TB - XH - huyện giải quyết”. UBND thị trấn gửi lên phòng. Ngày 12/11/2003, phòng LĐ - TB -XH huyện lại “ấn” về với lời phê: “Kính chuyển UBND thị trấn. Qua đơn trình bày của bà Lê Thị Lai, phòng TC-LĐ- TB-XH huyện, kính đề nghị UBND thị trấn kiểm tra sự việc, giải quyết hỗ trợ. Trường hợp đặc biệt, UB thị trấn có kế hoạch báo cáo và làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện”. (Phó trưởng phòng Trần Ngọc Kham).

Phòng “ấn” về UB thị trấn, UB thị trấn lại “ấn” về cho bà Lai. (Các văn bản đều có dấu đỏ).

Chờ đợi 8 tháng, không ai dòm ngó tới túp lều ổ chuột này, bà Lai viết đơn thứ hai ghi ngày 26/7/2004 lời lẽ thống thiết hơn và đề đạt là mình đã góp được 6,5 triệu đồng, xin thêm 18 triệu để xây nhà, cũng chẳng được ai quan tâm.

Chờ tiếp 7 tháng nữa, ngày 20/2/2005, bà Lai viết tiếp đơn thứ 3 trình bày rõ hoàn cảnh: “Hiện nay tôi đang sống trong một gian nhà xiêu vẹo mối mọt, hàng ngày lo sợ nhà có thể đổ sập gây ra tai họa bất cứ lúc nào. Tôi tuổi già sức yếu ốm đau bệnh tật thường xuyên không làm được gì...Đề nghị cấp trên giải quyết”.

Đơn bà Lai gửi đi. Điều đáng buồn là từ nhà thân nhân liệt sỹ này chỉ cần “ới” lên một tiếng thật to là UB thị trấn và phòng LĐ- TB -XH có thể nghe rõ...Vậy mà đến nay đã hơn một tháng cũng chẳng có hồi âm  gì.

Đâu phải thiếu tiền

Qua bút  phê của UBND thị trấn Phố Châu và phòng TC - LĐ - TB - XH Hương Sơn, đều “kêu” là không có kinh phí ?! Theo số liệu mà Phóng viên báo Tiền Phong thu thập được đủ chứng minh là kinh phí không đến nỗi thiếu.

Tại Quyết định số 184 ngày 10/10/2002 của UBND huyện Hương Sơn “Về việc chi ngân sách để khắc phục hậu quả lũ lụt” do Chủ tịch Nguyễn Khắc Thứ ký chuyển cho ngành LĐ - TB - XH số tiền là 5 tỷ 367 triệu đồng, mục đích được ghi rõ: Thực hiện chính sách xã hội, cứu trợ lũ lụt.

Vậy mà ngành này chỉ thực chi cho chính sách - xã hội 1 tỷ 566 triệu đồng, còn 3 tỷ 801 triệu chuyển sang làm những việc khác trái mục đích và nguyên tắc nhà nước. Hiện nay cấp huyện vẫn còn  tiền tỷ chưa sử dụng.

Tại thời điểm đó, UBND thị trấn Phố Châu được cấp cho việc thực hiện CS - XH là 161 triệu đồng. UB thị trấn chỉ dùng đúng mục đích là 35 triệu đồng, cố ý chi sai mục đích là 62.488.000đ, thừa 72.012.000đ, hiện còn trong quỹ...

Vậy mà, một người vợ liệt sỹ sống độc thân, từng tham gia chống Mỹ cứu nước có huân huy chương, đang thờ phụng 3 người có công với cách mạng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng chẳng có. Bà Lai đã viết đơn nhiều lần xin có 18 triệu đồng để làm nhà tình nghĩa không ai giải quyết, cũng không báo cáo lên cấp trên.

Theo báo cáo thì hàng năm huyện Hương Sơn vẫn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và đã xoá xong hàng nghìn ngôi nhà tranh tre dột nát. Vậy mà một gia đình có công với nước như thế này ở sát các cơ quan đầu não huyện, diện tranh tre dột nát bà Lai cũng không được hưởng, nhà tình nghĩa cũng chẳng được làm, vì lẽ gì vậy? 

Huyện Hương Sơn vẫn thu tiền đền ơn đáp nghĩa từ cán bộ và nhân dân góp... vẫn nhận nguồn cung cấp từ ngân sách về... Nhưng rồi đền đáp ở đâu, xoá ở đâu ?

Câu hỏi này xin gửi về các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Tĩnh. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.