Lần ấy, Quốc khách Việt... - Kỳ 3:

Hai đoản cảnh trong chuyến thăm của tổng thống

Ảnh Tổng thống B.Clinton bắt tay suốt lượt 30 người dân Tiền Châu.
Ảnh Tổng thống B.Clinton bắt tay suốt lượt 30 người dân Tiền Châu.
TP - Là phóng viên đi “làm” sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam 2000, tôi chứng kiến những chuyện không dễ quên trong đời làm báo.

Những đứa con trai tìm cha

Đám ruộng rau muống ngay sát đường tàu của thôn Tiền Châu, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc suốt ba tháng liền được quây và rà kỹ từng mẩu đất mẩu bùn đào lên. Một bộ phận của MIA được bà con nông dân trong xã giúp sức đang cố công tìm hài cốt của viên đại úy Evert lái chiếc thần sấm sét F.105D bị đạn pháo của đơn vị bảo vệ cầu Phúc Yên vít cổ không kịp bung dù cùng với chiếc máy bay đâm sầm xuống nơi này. Bà con trong thôn còn kể khi đó khu ruộng rau muống kia hẵng còn là khu ao chuôm nên chiếc F.105D lẫn viên phi công chui xuống có lẽ sâu lắm. Phần đuôi chồi lên thì dân đã biến thành nồi, xoong, thìa, lược rồi. Còn phần đầu còn tít mít dưới âm ty kia. Ngày đó người ta còn tìm thấy một cánh tay của viên phi công văng tít tận đường tàu (?).

Công nghệ của lái súng Mỹ kể cũng đã tinh vi! Trong chiếc “Thần sấm sét”  họ có “ghim” một quả bom 300 bảng Anh không phải dùng để cắt ra ném xuống. Nếu máy bay rơi, quả bom ấy sẽ nổ tung phá huỷ tan tành máy bay. Vậy nên bây giờ mới khổ cho cánh MIA kia. Họ không biết quả bom “tuẫn tiết” ấy có còn nằm trong phần còn lại của chiếc F.105D  hay không? Sẽ nguy hiểm biết chừng nào khi làm cái việc đào bới nếu đụng phải? Nên họ cứ đào cứ xới cứ bòn từng mẩu đất, mẩu bùn.

Khi Tổng thống Clinton có mặt ở đây thì việc đào bới đã diễn ra được 3 tháng. Báo hại cho bên công binh khốn khổ vì việc dò mìn suốt cả tuần nay để tìm quả bom nọ để đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ; cũng báo hại cho đám nhân viên MIA họ chỉ thu được một mớ mảnh đuya ra và vài mẩu cốt nhưng không biết đó có phải là của Evert không nên còn phải gửi về Trung tâm Hawaii để xác định ADN.

Tôi mò vào góc lều nháy mấy kiểu ảnh mớ đuya-ra nọ. Một nhân viên an ninh nữ thấy vậy liền ra xua tay nhìn tôi không có vẻ gì là thiện cảm rồi vội lấy một tấm vải phủ lên.Trên khúc đường sắt chạy qua khu khai quật, ngoài tốp an ninh Mỹ sắc phục xám đen người ngồi người đứng tản mát, có 6 cảnh sát ta đứng quay lưng lại nơi khai quật đăm đăm cái nhìn hướng ra phía đồng lúa như kiểu cảnh sát giữ trật tự cho các “fan” ở sân bóng bỏ mặc đằng sau những diễn biến hấp dẫn. Bất cứ điểm bảo vệ nào tôi cũng thấy họ có mặt cùng đồng nghiệp Mỹ.

… Tổng thống Clinton sơ mi màu đen, kế sau là phu nhân Hillary và con gái Chelsea cũng sắc phục màu đen lần lượt bắt tay suốt dọc hơn ba mươi người của xã Tiền Châu đội nón lá khoác áo tơi đang phối hợp đào bới với đoàn MIA. Một bà đứng tuổi dáng hơi khòng cũng mặc áo đen một bàn tay thận trọng trong lòng tay của phu nhân Hillary. Sau mới biết đó là bà nhạc của Tổng thống. Hồn phách đại úy Evert có thiêng xin về đây chứng giám lòng thành của gia đình Tổng thống trong sắc phục ảm đạm này.

Theo sau các thành viên gia đình Clinton là hai người đàn ông đã đứng tuổi trán hói nhưng râu quai nón cùng mặc áo phông chung một khuôn mặt rầu rĩ. Sau mới biết đó là hai anh em ruột  tên là Dan và David Evert, con trai đại úy không quân Lawrence Evert, người lái chiếc máy bay bị bắn rơi năm 1967 tại khu vực khai quật Tiền Châu này. Hai anh em là khách mời đặc biệt của Tổng thống Clinton. Ông mời họ cùng bay sang Việt Nam dự cuộc tìm hài cốt của cha mình.

Cũng biết thêm, cái năm đại úy Lawrence Evert tử trận ở Mê Linh này thì anh em nhà Dan và David còn là hai cậu bé một lên 7 và một hơn 5 tuổi. Tin dữ báo về quê nhà Mỹ ngay sau đó mấy tháng. Hai cậu bé rồi sau này là hai người đàn ông chững chạc đã tận mắt chứng kiến nỗi đau của người vợ, người mẹ mất chồng và chính họ nếm trải cảm giác của những đứa con mất cha. Dằng dặc bao năm như thế người mẹ của họ đã quá già yếu, quá mòn mỏi từng phập phòng hy vọng những người có trách nhiệm trong đó cón tổ chức MIA tìm thấy tung tích và hài cốt của cha lũ trẻ tận chiến trường Việt Nam xa xôi. May cho hệ thống hậu cần của quân đội Mỹ luôn cẩn trọng, chu đáo nên các nhà chức việc đã sớm tìm và xác định được tung tích hồ sơ trường hợp tử trận của đại úy Lawrence Evert. Trước khi về Tiền Châu tìm cha, họ đã có cuộc gặp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và được biết, hơn ba trăm ngàn liệt sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện vẫn chưa tìm được hài cốt trong cuộc chiến. Rằng so với bao gia đình đang mòn mỏi chờ đợi người thân của mình, người cha của họ dẫu sao còn có chút may mắn…

Bữa nay trong bộ  áo phông sơ sài, hai anh em nhà Evert thập thững lê chân nối gót ngài Tổng thống Mỹ trên mảnh đất xa lạ nhưng chứa chất bao nỗi ám ảnh sát sạt vì đang ẩn chứa phần xương thịt cốt nhục của người cha. Trang phục đơn sơ quần bò áo phông trong cái khô lạnh hơi hanh hao của mùa đông Bắc Việt cứ như một thứ xô gai của người Việt trong tang lễ người cha mà sau hơn 30 năm mới có cơ tái dựng?

Chiều đất Mê Linh không nắng nhưng sậm đỏ một góc trời tây. Thảng thốt đôi hồi chạnh nhớ chuyến ngược Điện Biên năm 1994 trong nhóm báo chí tháp tùng ông Tổng thống Pháp Francois Mitterrand chuyến thăm kỷ niệm chẵn 40 năm chiến thắng Điện Biên. Chuyến ấy đương có nhiều việc còn ghim  chưa dám động bút? Chiều Điện Biên vào hè tím sậm, tại sân nhà tòa soạn báo Điện Biên Phủ cùng ngồi rượu với mấy anh em đồng nghiệp. Có hai người, nói là khách mời cũng được mà anh bạn làm báo kiêm viết văn xứ đồng rừng này mới tăm được mấy hôm trước.

Một người Pháp tên Albert. Albert cỡ tuổi năm mươi, người xứ Toulouse, tóc xoăn thừa hưởng chút gen của ông bố Nègre. Trung úy Nègre tháng 3 năm 1954 trong tiểu đoàn Lê dương Bắc Phi cố thủ cứ điểm Gabriel mà Việt Minh gọi là đồi Độc Lập bị pháo Việt Minh banh tan xác. Albert nghe đồng đội của bố kể lại như vậy. Bố Albert sang Đông Dương khi Albert mới 5 tuổi. Năm 1994, dịp Điện Biên 40 năm, doanh nhân Albert du lịch sang Việt Nam trùng với thời điểm Tổng thống Mitterant sang Việt Nam dự 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Mitterand không biết Albert và doanh nhân Albert cũng không  may mắn là khách mời của Tổng thống như hai anh em  nhà Evert. Albert cũng không biết mộ bố mình đâu cả ở xứ Điện Biên mênh mông lạ lẫm này…

Góc bàn bên là cựu binh chống Mỹ Hoàng Sơn quê ở Đông Hưng, Thái Bình, con trai binh nhất Hoàng Thái hy sinh  trong trận đánh Khu Đông Mường Thanh của Đại đoàn 316. Sau trận ấy đồng đội cũng không tìm thấy thi hài binh nhất Hoàng Thái đâu. Khi đó ở quê nhà Đông Hưng, cậu bé Hoàng Sơn mới lên 6 tuổi. Bữa nay anh nông dân kiêm cựu binh Hoàng Sơn lên Điện Biên thắp hương cho bố dịp chẵn 40 năm vậy thôi.

Mất mát không nhỏ cho bên chiến thắng lẫn cả bên bại.

Gần nửa thế kỷ đã vèo qua. Điện Biên cùng các cuộc chiến đã thôi gầm thét. Nhưng chiều Điện Biên sậm đỏ tháng 5 năm 1994 này có hai người đàn ông một Việt một Pháp cùng mất bố ở trận Điên Biên Phủ. Hình như Điện Biên với hai người còn cái nghĩa là mộ gió- mộ phong thì phải? Tôi vội ghìm cảm giác rờn rợn, hối hả nâng thêm chén rượu trắng Điện Biên với Albert cùng cựu binh Hoàng Sơn như là để tiễn, để quên một buổi chiều bất trắc.  Những chiều của đời người mà nhà thơ Thi Hoàng đã từng thảng thốt có những buổi chiều chả biết cất vào đâu được…

Như buổi chiều Tiền Châu xứ Mê Linh hai anh em nhà Evert đang dật dờ đi tìm mộ, không, tìm hài cốt cha mình. Tôi có cảm giác tròng mắt xanh lơ của hai anh em nhà Evert ngấn ngấn nước khi Tổng thống chiếu cái nhìn đăm đăm vào đám đông Việt Mỹ có mặt trong khu khai quật. Chất giọng ông lúc như thầm thì lúc như dõng dạc rằng từ giờ phút này chúng ta khép lại một quá vãng đau thương buồn tủi. Với trường hợp cụ thể hôm nay với công việc tìm hài cốt đại úy Lawrence Evert, chúng ta xin  cảm ơn những nỗ lực của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hợp tác tìm kiếm những lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam và tôi tin tưởng rằng với đức tính cần cù và thông minh, người dân Việt Nam sẽ đạt được những thành công to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Cặp nón lá của bà Hillary và ái nữ Chelsea

... Vừa đi vừa hỏi thăm đường, tới được thôn Phú Tàng xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (chính là chỗ Núi Đôi nổi tiếng của thi sĩ Vũ Cao rẽ vào 5 cây số) thì đã lưng buổi trưa. Đường đi lối lại trong thôn đã bịt kín đã giăng đầy lực lượng an ninh của ta và an ninh phủ Tổng thống. An ninh cho đệ nhất phu nhân Hillary Clinton  và con gái Chelsea đến thăm dự án Quỹ tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Oxfam tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày 17/11 được bài trí cẩn trọng chu tất.

Hai đoản cảnh trong chuyến thăm của tổng thống ảnh 1

Bà Hilary và con gái trong chuyến thăm Việt Nam.

Rất lắm nhân viên an ninh đàn ông lẫn đàn bà cao lênh khênh, người của phủ tổng thống chốt chặt các lối rẽ trong thôn dưới cái nắng trưa khá gắt để ngày mai trời chuyển gió mùa đông bắc, anh nào chị nấy nhễ nhại mồ hôi nhưng cứ im lìm như tượng. Dưới nắng trưa rờ rỡ, ngay  bên cạnh tôi là nhịp bước khoan thai của bà Hillary trong bộ đồ màu sáng sánh đôi cùng cô con gái Chelsea. Bà tân thượng nghị sĩ đang sốt sắng hỏi chuyện chị Lê Thị Lương, một nông dân của thôn, ngay dưới nắng trưa giữa sân nhà cách thức chị dùng đồng vốn vay để nuôi lợn gà ra sao, một vốn của quỹ tình thương của Hội Phụ nữ để thành được bốn lời như thế nào. Bà Hillary thích thú xem chị Lương thao tác cách chế biến đậu phụ.

Cuối vườn chuối cách xa chuồng lợn, tôi nhác thấy tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội. Chắc ông có mặt để lo an ninh cho cuộc thăm. Ông đang thầm thì gì đó với một công an trẻ. Lại rút ra cái gì hình như tiền? Mải hướng ống kính máy ảnh về chỗ chị Lương và bà Hyllary nên tôi không để ý đến viên phụ tá của ông Phạm Chuyên đã trở lại với hai cái nón lá trên tay, xăm xắn lách qua hàng rào người đến bên cạnh hai mẹ con bà Hyllary đưa hai cái nón ra và nói điều gì đó. Có một thoáng ngạc nhiên và ngay sau là nụ cười rạng rỡ của bà đệ nhất phu nhân cùng cô con gái. Ngay sau đó cả hai vẻ thận trọng ướm cái nón lá Việt Nam lên đầu. Thôi rồi là hàng tràng âm thanh của máy ảnh cùng các thiết bị ghi hình dậy lên ghi lại hình ảnh lạ mắt nhưng duyên dáng của đệ nhất phu nhân cùng con gái dưới vầng nón lá Việt.

Sau này ngồi chuyện với ông Phạm Chuyên được ông bộc bạch thế này. Mùa đông xứ mình thường có buổi tự dưng gắt lên cái nắng hanh hao khó chịu báo hiệu có đợt không khí lạnh bổ sung. Cậu có thấy hai mẹ con phải đối phó với cái nắng nhiệt đới bằng cách lấy cái ví tay che hờ… Tớ hối chúng nó chạy đi mượn nón hoặc vù ra cửa hiệu chỗ đầu làng mà quơ lấy vài cái. Ban sáng đi kiểm tra tớ đã thấy cái cửa hiệu ấy rồi…

Bây giờ coi lại các bức ảnh đã ghi lại khoảng khắc độc đáo ấy, để ý thấy hai cái nón mà phu nhân Tổng thống cùng con gái đội quả là nón mới.

Sau nữa tôi cũng được biết trong một chuyến công cán đến Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có món quà độc tặng bà ngoại trưởng Hillary. Đó là bức tranh bằng đá quý do chính tay đại gia đá quý Phạm Văn Cường chế tác hình ảnh phu nhân Hillary và con gái đội nón trưa ấy ở một thôn hẻo lánh ở Sóc Sơn.

Nhờ có cặp nón mà hình như phu nhân và con gái bám trụ ở thôn Yên Tàng hơi lâu?

Chị Lương áo trắng, nhỏ thó lọt thỏm trong đám phóng viên ngoại quốc cao lớn. Thì có sự kiện gì to tát đâu. Thôn Phú Tàng cũng như xã Bắc Phú, Sóc Sơn quê chị có tên “phú” nhưng nghèo lắm, chiêm khê mùa thối là cái rốn nước của huyện. Mới đầu chị vay của Quỹ 300.000 đồng khởi sự xóa đói bằng làm đậu phụ, rồi nuôi gà. Kha khá một tí trả xong nợ cũ chị vay tiếp gây thêm đàn gà nữa rồi nuôi lợn. Ba năm nay nhà chị với hai đứa con nhỏ mới thoát đói và đang giảm một chút nghèo thôi chứ đã tấn tới khấm khá gì. Thế mà mấy ông báo Tây này cứ quây lấy chăm chú hỏi chăm chú ghi ghi chép chép. Chị cứ tính thực thế mà trình bày. Tôi để ý đám ký giả đang vây lấy chị Lương cứ chiểu theo tấm thẻ tòn ten trên ngực thì những là Chandler của CNN; Marl Lander của New York Times; Richard của Daily News; Al Turner của ABC. Bốn vị nữa tôi không thấy có thẻ. Chị Lương đâu biết đây là những tay tổ trong làng báo Mỹ này tìm tới cái xóm nghèo này của chị.

Chị Nguyễn Thị Thu mà bà phu nhân tổng thống đến thăm tận nhà đã cười khi tôi hỏi là trước đấy cán bộ thôn có dặn chi điều gì không. Hình như có nhưng khi các ông quây lấy tôi chụp ảnh hỏi han và nhất là khi hai mẹ con bà phu nhân Tổng thống bước vào nhà là tôi quên sạch cả. Này anh, nghe đâu bà ấy năm mươi mà người còn nõn thế không biết? Mà lại hỏi những câu hệt như cán bộ huyện hội, cán bộ phụ nữ xã, tinh những việc mà tôi đã thuộc đã làm như dùng vốn tổ chức nuôi gà nuôi lợn nên tôi cứ tình thực tế mà trình bày, chả run tẹo nào cả. Chỉ có thế mà bà ấy còn khen tôi nữa chứ...

Có lúc thấy ái nữ Chelsea đứng riêng, tôi chợt nghĩ ra phận sự của mình.  Ngay từ đầu, chúng tôi nghĩ bằng cách nào đó cố gắng có một bài dạng phỏng vấn với ái nữ của ông bà tổng thống. Nhưng trong những cuộc thăm như thế này có mà mồng thất mới có cái cơ may ấy. Gặp còn khó. PV Quốc Dũng cùng tôi hì hục thảo một cái email gửi cho Chelsea. Quốc Dũng phiên ngay ra tiếng Anh. Cứ ngắm vẻ mặt hân hoan xen chút hài lòng của anh bạn đồng nghiệp đủ biết Quốc Dũng đó thực thi cái công việc ấy cẩn trọng say mê như thế nào! Đại để mấy câu gọi là nội dung phỏng vấn bạn lần đầu tới một đất nước từng là cựu thù của nước Mỹ, cảm giác của bạn? Trước chuyến thăm bạn đó biết gỡ về Việt Nam? Những cuộc gặp gì tiếp xúc mà bạn được tham gia chứng kiến trong cuộc thăm đó để lại cho bạn ấn tượng gì?vv…

Bức thư điện tử đã được hoàn tất nhưng gửi đi bằng cách nào? Tất tật không ai có địa chỉ email của công chúa Chelsea. Tôi đã có cách. Nhờ tướng Phạm Chuyên nhiệt tình giúp cho nên may mắn tôi xuyên qua hàng rào an ninh cả Mỹ lẫn Việt dày đặc lọt được vòng trong nơi diễn ra sự kiện. Nhưng không có cuộc mặt đối mặt mà tôi  được tận mắt chứng kiến cuộc chuyển thư như thời cổ là một phiên dịch Bộ Ngoại giao vốn là chỗ quen biết đã cầm phong thư đưa tận tay ái nữ Tổng thống.

Nhưng suốt cả cuộc thăm, đợi mãi mà tịnh chẳng thấy hồi âm? Cho đến khi chuyến thăm kết thúc chúng tôi vẫn dài cổ đợi? Rồi tuyệt vô âm tín. Sao thế nhỉ? Khuôn mặt ái nữ Chelsea như bừng sáng khi người phiên dịch trực tiếp trao bức thư đó cơ mà?

Chao ôi Chelsea khả ái ngơ ngác của 16 năm trước lạ lẫm giữa thôn Yên Tàng? Nay đã làm mẹ.

Trở lại chuyện ở Yên Tàng hôm đó. Phu nhân Tổng thống và cô Chelsea, nón lá cuốc bộ trên đường làng đoạn thì lấm bụi, đoạn thì rợp bóng tre để ra đình dự buổi sinh hoạt của các hội viên Quỹ tình thương xoá đói giảm nghèo.

Hai mẹ con ngồi chung với các hội viên trong thôn cùng vỗ tay theo nhịp bài hát “Bốn phương trời ta về đây chung vui”. Phu nhân tổng thống cầm micro bình dị giữa chị em thôn Yên Tàng “Tôi và con gái tôi rất vui có mặt ở đây với chị em hôm nay. Tôi biết thế nào là vai trò của các bạn trong đời sống gia đình trong quá khứ bảo vệ đất nước cũng như bây giờ trong việc xây dựng cuộc sống mới. Bằng số vốn ít ỏi, bằng sự tần tảo chịu thương chịu khó, các bạn đã làm nên điều kì diệu, niềm hạnh phúc khi cho con đi học, nuôi thêm gia súc, mở rộng hoặc xây mới nhà cửa...”

Để ý chả thấy bà ghi chép gì, và cũng chẳng thấy ai nhắc nhưng khi kết thúc bài nói bà cảm ơn vanh vách (bằng âm sắc Việt hẳn hoi) tên của chị Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện, xã, của chị phụ trách cụm, thôn làm chị em rất ngạc nhiên và cảm động. Tràng pháo tay cuối như được dậy hết cỡ khi đại diện Hội phụ nữ trung ương tuyên bố kết nạp hai mẹ con là hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam.

Trên đường về có nán lại một chút với chị Kiều Hà Liên, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Có lẽ chị là người phụ nữ Việt Nam duy nhất tham dự một số hoạt động của bà Hillary và cô con gái Chelsea từ lễ đón đến lễ tiễn... Chị Liên bộc bạch thế này. Người ta nói nhiều tới sự khả ái của phu nhân Tổng thống và cô Chelsea, tôi nghĩ nhận xét này nên dành cho cánh đàn ông các anh thì chính xác hơn. Vâng, tôi đã tham dự nhiều hoạt động như lễ đón, cuộc chiêu đãi, các cuộc mua sắm ở phố cổ, cuộc thăm ở xã Bắc Phú Sóc Sơn, địa điểm khai quật tìm kiếm hài cốt phi công Elvert... nhưng không phải chỗ nào bà Hillary cũng “thường trực” một nụ cười khả ái như các anh vẫn thấy... Tôi nhớ mãi vẻ mặt đăm chiêu của bà tân thượng nghị sĩ lúc đứng trước những hiện vật trận Bạch Đằng giang, Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Khu di tích Hùng Vương... khi đi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bà Hillary trầm ngâm đại ý:  thời gian có quá ít, tôi chỉ có ít phút trước hàng ngàn năm lịch sử, thế nào tôi cũng có dịp quay trở lại nơi này. Tôi có cảm giác khi tới khu khai quật tìm hài cốt của viên phi công Elvert và lúc đến xem triển lãm rà phá bom mìn, bà Hillary hầu như vắng hẳn cái cười khả ái như mọi người vẫn thường thấy...

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.