Hằn, lún đường do thi công kém: Chối trách nhiệm, mời Bộ về thi công hộ!

Mặt đường sụt lún ở Ninh Bình. Ảnh: Đ.H
Mặt đường sụt lún ở Ninh Bình. Ảnh: Đ.H
TP - Trong khi Bộ GTVT xác định nguyên nhân hằn lún trên ba đoạn đường trên Quốc lộ 1A thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình do lỗi thi công thì nhiều nhà thầu và chủ đầu tư lại chối bỏ trách nhiệm đổ lỗi do trời nắng nóng. Có nhà thầu lớn còn tuyên bố: Mời Bộ GTVT về làm hộ...

Nắng nóng hay chất liệu không hợp

Tại Thanh Hóa, nhiều đoạn hằn lún sâu chưa được khắc phục kịp. Ông Hoàng Đình Phúc, TGĐ Ban QLDA 1 (Thuộc Bộ GTVT, chủ đầu tư đoạn thành phố Thanh Hóa đến Nghi Sơn) cho hay: Toàn tuyến 53 km có 4 km bị lún (do Tổng Cty công trình giao thông 1 Thanh Hóa, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) và Cty Phương Thành thi công). Hiện Ban này đang tìm nguyên nhân hằn lún; bước đầu xác định một số nguyên nhân chủ quan của nhà thầu. Đơn cử, đoạn lún do Cty Phương Thành thi công, sau khi kiểm tra mẫu cho thấy, hỗn hợp mặt đường vẫn còn dầu (dùng để đốt nhựa đường khi trộn cấp phối nhưng chưa cháy hết) nên thiếu độ kết dính, dẫn đến hằn lún.

Khu vực qua thị trấn Quảng Xương nhiều đoạn trồi sụt nặng. Đây là đoạn do Tổng Cty công trình giao thông 1 Thanh Hóa thi công (Tiền Phong từng phản ánh việc Cty này thảm ngay sau khi trời mưa tại đây). Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Đâu, Chủ tịch Tổng Cty này cho biết: “Nguyên nhân do trời nắng nóng và như Bộ trưởng GTVT đã nói trên tivi”. (Trong khi, Bộ GTVT đã khẳng định, nguyên nhân chính do thi công kém, nắng nóng chỉ là yếu tố thúc đẩy). Ông Đấu cho biết, đang công tác xa, hẹn gặp trao đổi sau.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng GĐ Cienco 4 khẳng định: Quy trình thi công và máy móc đều đảm bảo. Việc lún tại Thanh Hóa và đường tránh thành phố Vinh do đá ở khu vực này không tốt. Theo ông Nghĩa, hiện Cienco 4 đang tập trung vào tìm loại vật liệu mới.

Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận thị xã Tam Điệp, Ninh Bình có hiện tượng sụt lún, tạo thành rãnh bánh xe chẳng khác gì ruộng bậc thang, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo Sở GT-VT Ninh Bình, điểm bị hằn lún thấp nhất từ 2,5 - 2,9 cm và nặng nhất từ 2,5 - 7,6 cm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khảo sát của Tiền Phong ngày 1/7 trên QL 1A từ huyện Quỳnh Lưu tới thành phố Vinh (đoạn dài khoảng 80 km, thuộc tỉnh Nghệ An) cho thấy, hầu hết đều xuất hiện hằn lún ở các mức độ khác nhau.

Tại Km407, km410 qua xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), các vệt lún xuất hiện dày đặc, kéo dài. Đoạn Km418 cho tới km431 (cũng thuộc huyện Quỳnh Lưu) có điểm lún hơn 4cm; nhà thầu tưới nước lõng bõng giữa vệt lún để giảm nhiệt, chống lún. Từ huyện Quỳnh Lưu vào huyện Diễn Châu, nhà thầu đặt các cọc giữa đường để ngăn xe chạy vào làm đường lún thêm; lái xe không để ý dễ va vào.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức An, GĐ Ban quản lý dự án Công trình giao thông Nghệ An, Sở GTVT Nghệ An (Chủ đầu tư đoạn Diễn Châu - Quán Hành) cho biết: Sở GTVT đã chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng khắc phục, sửa chữa; chi phí do nhà thầu tự bỏ ra, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 5/7.

Ông An cho biết để làm rõ nguyên nhân lún, Sở GTVT đang gửi các mẫu cấp phối mặt đường đi các phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để kiểm tra chất lượng nhựa. Về trách nhiệm, ông An nói: “Đường đang trong thời gian bảo hành của nhà thi công cho nên trách nhiệm thuộc về họ” - ông An nói.

Tại Ninh Bình, phóng viên Tiền Phong liên lạc với ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GTVT (chủ đầu tư của dự án), được ông này giới thiệu làm việc với ông Đỗ Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở. Thế nhưng, khi chúng tôi liên lạc thì ông Phúc cho rằng không phải trách nhiệm của mình (?).

Mời Bộ về thi công

Đoạn  qua Ninh Bình đang  hằn lún  sâu dù qua nhiều lần cào bóc, sửa chữa. Ông Đỗ Thành Chung, Phó GĐ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (nhà thầu xây dựng toàn tuyến QL1A qua Ninh Bình) cho hay: Đoạn đường do doanh nghiệp chịu trách nhiệm đang bị tái lún 2.000 m2.

Trả lời câu hỏi, thi công có bị hở khâu nào? ông Chung nói: Về thiết kế mời Đại học Giao thông và Viện Khoa học Công nghệ GTVT thiết kế mặt đường; về giám sát, ngoài Sở GTVT Ninh Bình (chủ đầu tư) còn mời Viện Khoa học Công nghệ GTVT. “Chúng tôi làm hết sức theo quy trình của Bộ GTVT nhưng đến nay tự nhận mình bất lực, bó tay. Bây giờ làm xong phải sửa rất tốn kém, nếu không có nguồn thu khác các nhà thầu sẽ phá sản” - ông Chung nói.

Ông Chung cho rằng, ngay cả các hướng dẫn khắc phục hằn lún của Bộ GTVT mới đây đưa ra cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo, không có một quy trình chắc chắn nên nhà thầu không dám làm. “Chúng tôi làm hết mình nhưng vẫn bị hỏng và mang tiếng dốt, làm bậy, mất uy tín. Đề nghị Bộ GTVT mời đơn vị nào đó vào làm giúp chúng tôi một km với điều kiện không lún, không tăng định mức, đúng tiến độ. Chúng tôi sẽ bỏ tiền. Muốn đào hết cả móng lên làm lại, chúng tôi cũng sẵn sàng” - ông Chung nói.

Được biết, Bộ trưởng GTVT vừa có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, chủ đầu tư, Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị để xảy ra hằn lún vệt bánh xe. Trước đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT thanh tra toàn bộ QL 1A và đường HCM, trước hết tập trung ở các dự án BOT và dự án mới hoàn thành.

Khiếu nại về phí nếu đường hỏng

Trả lời câu hỏi, với đường hằn lún, Cienco 4 có giảm phí đường? ông Nghĩa nói: Cienco 4 sẽ thực hiện nghiêm túc việc thảm lại nếu lún quá 2,5 cm; lập hẳn đội “tác chiến” chống hằn lún tại hiện trường. Đường không được sửa, người dân có thể phản ánh đến Cty và khiếu nại đến cơ quan nhà nước. “Chúng tôi chịu trách nhiệm trọn đời dự án; hỏng lại phải bỏ tiền ra sửa nên không ai muốn, mong người dân thông cảm” – ông Nghĩa nói. Ông Hoàng Đình Phúc, TGĐ Ban QLDA 1 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án BOT Nghi Sơn – Cầu Giát; BOT Bình Thuận, BOT Phan Thiết – Đồng Nai) cho rằng: Nếu nhà thầu không sửa, phải dừng thu phí, giảm doanh thu, coi như giảm phí.               

Bảo An

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.