Hành trình giữa biển san hô và hồ núi lửa

TP - Đành rằng Philippines có những thứ “hàng độc” so với Việt Nam như núi lửa cả chuỗi, rạn san hô bạt ngàn… nhưng điều đó chưa hẳn đã có sức cạnh tranh ghê gớm. Cái mà bạn đang hơn chúng ta là ý thức giữ gìn môi trường và chăm sóc du khách. Thêm những điểm cộng khiến Philippines trở nên thu hút đặc biệt đối với khách Việt là sự gần gũi về mặt địa lý và chi phí tiêu dùng thậm chí còn rẻ hơn ta.

Uống lưu huỳnh

Taxi vừa mở cửa, một không khí khác lạ tràn vào.  Giống như đâu đây có trang trại gia súc, thực ra là mùi lưu huỳnh. Chào mừng du khách đến với hồ và núi lửa Taal!

Xe dừng lại ngay bên miệng núi lửa cổ xưa - nay là một vùng hồ mênh mông như biển. Lênh đênh trên hồ, tự nhiên nổi hứng rủ nhau múc nước hồ uống. Thì cũng từa tựa nước khoáng mặn. Lên bờ mới thấy tấm biển cho hay nước hồ có nồng độ acid sulfuric và muối kim loại các kiểu.

Đi thuyền băng qua hồ mất khoảng nửa tiếng, ta tới một hòn đảo - chính là một núi lửa nằm trong miệng núi lửa. Cưỡi ngựa trèo lên đỉnh núi, thăm hồ Crater nước loang lổ sắc xanh lục. Giữa hồ lại mọc lên một mầm đá nhỏ xíu. Ven hồ, các làn khói lưu huỳnh bốc hơi nghi ngút. 

Thậm chí ngay trên những triền đất dọc đường lên đỉnh núi, khói từ lòng đất vẫn phì phào đưa lên qua những khe hở. Có cảm tưởng mặt đất có thể bục ra bất cứ lúc nào… Hơn 5.000 người đã bỏ mạng sau ba chục đợt phun trào của Taal tính từ thế kỷ 16. Chính phủ cấm định cư trên đảo núi lửa nhưng vẫn có những người trụ lại, làm du lịch để mưu sinh.

Hành trình giữa biển san hô và hồ núi lửa ảnh 1

Tên đảo Pass nghĩa là “lướt qua” mà ai cũng muốn dừng lại.

Đang dạo quanh miệng ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới vẫn còn hoạt động, bỗng bị chặn lại bởi một hàng rào gỗ sơ sài. Đằng sau đó là khu vực có dung nham (dĩ nhiên đã nguội) màu đỏ và điểm quan sát ngọn núi bên cạnh. 

Một trung niên bụng phệ và một nàng chuyển giới cao kều ngồi canh hàng rào và chìa vé ra, đòi 50 piso (tương đương 25.000Đ)/người. Trên vé không có bất cứ thông tin gì về cơ quan quản lý du lịch thắng cảnh nào. Và tất nhiên bạn cứ việc bước tiếp, khỏi cần vé. Họ không có đủ lực lượng và tư cách gì để đuổi bắt bạn. Đơn giản họ là kẻ gian trục lợi.

Khi trở lại bến thuyền, một nữ trung niên xăng xái ra kê bục gỗ để du khách bước lên. Khách cảm ơn và yên vị xong xuôi, vẫn thấy chị bám vào thuyền nhìn trân trối. Và nếu ai đó trên thuyền không ai gửi chị vài chục piso, thuyền chắc sẽ cứ neo ở đó.

Ngoài núi lửa Taal, Pagsanjan cũng là một điểm có thể đi về trong ngày bằng xe buyt từ Manila. Dòng Pagsanjan màu lục bảo chảy giữa các vách núi cao dựng đứng cũng là một địa hình đặc thù tạo thành từ phun trào núi lửa. 

Nhiều chỗ cả đống trứng đá tròn trùng trục không hiểu từ đâu vãi xuống lấp gần kín đường thủy, hai tay chèo phải xuống đạp đá đẩy thuyền. Có nơi người ta bắc sẵn các ống sắt qua suối để thuyền trườn lên, chứ không thể tiếp nước. Vất vả là thế nên các hãng lữ hành khuyến nghị du khách thưởng thêm cho mỗi lái thuyền 200 piso.

Điểm chốt của hành trình là con thác khởi nguồn cho dòng chảy. Đến đây tạm xa thuyền độc mộc banca, bạn chuyển qua bè tre chèo ra gặp thác. Trông con thác nhỏ thôi nhưng khoảnh khắc tiếp cận nó thật khó quên.

Hành trình giữa biển san hô và hồ núi lửa ảnh 2 San hô ở Coron có thể nhìn thấy từ trên bờ.
San hô trả ơn

Người Philippines cư xử đẹp với san hô và với môi trường nói chung. Hiếm nước nào đưa hình ảnh thiên nhiên và muông thú lên tờ tiền dày đặc và có hệ thống như Philippines. Đơn cử tờ 1.000 piso quảng bá cho rạn san hô Tubataha với hình ảnh của ngọc trai, san hô đỏ, rùa biển… 

Cạnh đó hình bản đồ Philippines với dấu chấm chỉ vị trí của rạn san hô đã được UNESCO công nhận di sản thế giới. Thiên nhiên được giữ gìn nguyên vẹn chính là nét hấp dẫn đầu tiên của du lịch Philippines.

Ở những vùng biển nước nông dày đặc san hô tại Coron, du khách buộc phải mặc áo phao khi lặn nổi và được nhắc không đặt chân lên san hô. Những quy định này ngoài đảm bảo an toàn cho du khách cũng là để tránh làm tổn thương san hô. Tàu dừng, thấy anh lái lăm lăm cái vợt, tưởng anh bắt cá hóa ra vớt rác. Vì thế mà cảnh bến tàu lềnh bềnh váng dầu rác thải thường thấy ở đâu chứ Coron thì không.

Được nâng niu, san hô phát triển rất mạnh, tạo nên những công viên san hô muôn hồng nghìn tía mà du khách có thể chiêm ngưỡng bằng mắt thường khi còn đứng trên boong tàu. Bãi tắm ở hòn Pass đã tuyệt đẹp với cát trắng, nước trong thì chớ, chỉ cần đi vài bước xuống biển, bạn đã chạm vào những nhánh san hô mềm mại còn sống nguyên, đàn cá sặc sỡ bơi quanh.

Philippines tính phí tham quan từng đảo một dù nhỏ đến đâu. Tự nhiên ban cho Coron các hồ nước ngọt trong veo bao quanh bởi núi đá trên những hòn đảo giữa biển. Còn người Nhật trong thời Thế chiến II “tặng” Coron rất nhiều xác tàu đắm. Giờ đây chúng trở thành những giàn san hô.

Có ít nhất hai thứ bạn không thể mang khỏi Coron. Là xoài tươi cùng san hô và vỏ của các loài nhuyễn thể. Nói chung Philippines không cho phép mang xoài từ vùng này tới vùng khác để tránh lan truyền các loài sâu bệnh đặc thù. Còn vỏ ốc chắc được coi là một loại tài nguyên cần được gìn giữ. Sân bay Coron có một chiếc thùng xốp to đựng toàn vỏ ốc, sò, san hô… thu lại từ du khách.

Tôi đã tiêu khá nhiều tiền ở một cửa hàng nhỏ tại Coron chỉ để mua một bộ sưu tập lắc chân bằng đá. Đủ cả mắt hổ, ngọc lam, ngọc trai… Độc đáo hơn cả là san hô đỏ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy vài cây san hô đỏ khi lặn quanh Coron, toàn ở nơi nước sâu, rìa vực hiểm trở. Trong bóng tối âm u lòng biển, chúng có một vẻ lung linh huyền bí của thứ báu vật không thể chạm tới. Cũng có thể chẳng qua san hô đỏ mọc ở chỗ nông đã bị người ta vặt sạch.

Đồ lưu niệm có tác dụng gợi nhớ về một vùng đất, một chuyến đi, vì vậy càng độc đáo, càng riêng biệt… càng tốt. Vigan đúng không hổ danh là kinh đô của quà tặng. Du khách cứ gọi là ngơ ngẩn hàng giờ dọc những con phố còn nguyên kiến trúc thuộc địa Tây Ba Nha, hai bên bạt ngàn đồ làm quà.

Tất nhiên ngoài đồ lưu niệm, các con phố ở đây còn giữ chân khách bằng mặt đường lát đá chỉ dành cho người đi bộ và xe ngựa. Tiếng vó ngựa lóc cóc như đưa du khách lạc về quá khứ mấy thế kỷ trước. Thỉnh thoảng lại có một con ngựa sụm xuống vì quá tải. Lạ cái là chúng ngã xoải cả bốn vó trên đường mà không hề trật khớp, lại lật đật tự đứng lên đi tiếp.

Nhiều kiến trúc thuộc địa ở Vigan và Manila không dùng cửa kính hay mica mà dùng vỏ trai. Từng miếng cỡ lòng bàn tay, đẹp lại nhẹ, thu ánh sáng vừa phải, khi vỡ không gây thương tích. Điều này rất ý nghĩa ở xứ lắm bão như Philippines. Vỏ trai cũng được dùng để làm đồ lưu niệm: chao đèn, hộp đựng trang sức, lót cốc… Đây là chủng loại đồ lưu niệm tiêu biểu của Philippine được bán với giá cao.

Hành trình giữa biển san hô và hồ núi lửa ảnh 3 Miệng núi lửa Taal.
Mến người

Ở Philippines, nếu bạn giơ máy định chụp cảnh vật, thể nào mấy người gần đó cũng tươi cười tạo dáng sẵn sàng vì tưởng sắp được chụp. Bạn xin chụp ảnh cùng một anh cảnh sát đẹp trai thì bỗng đâu một đoàn cảnh sát, cảnh vệ quanh đó đổ xô đến để... cùng vào ảnh. À, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần bị xin tiền nếu bạn chụp trẻ lang thang hoặc người cơ nhỡ - rất thường thấy trên đường phố Manila.

Cảnh sát hoặc những người làm công tác cảnh vệ ở Philippines cực kỳ nhiệt tình. Nếu bạn định bắt taxi, lập tức anh cảnh vệ bất kỳ ở gần đó sẽ ra giúp bạn vẫy xe, sau đó nhiệt tình chỉ đường cho lái xe, thậm chí còn ngã giá giúp bạn. 

Nhưng lái xe taxi thì gần như luôn tìm cách chạc thêm tiền du khách. Cùng một quãng đường sẽ có những giá khác nhau, có thể gấp 3-5 lần tùy vào độ “gà” của khách. Tắc đường là vấn nạn của Manila nên cánh lái taxi thường ỷ vào đó (kiểu: Đoạn đó hay tắc đường lắm nên tôi phải được thêm tiền) để tính giá không theo đồng hồ cước. May mà taxi ở Manila rất sẵn, tha hồ mặc cả.

Mặc dù đường Manila tắc suốt nhưng tuyệt nhiên không thấy tiếng còi xe. Dân tình chủ yếu đi ô tô. Phương tiện công cộng ở thủ đô lớn bậc nhất Đông Nam Á lại là jeepney. Được chế từ đầu xe jeep, lắp thêm nhiều ghế để có thể chứa được cỡ hai chục người nên dài thượt. 

Jeepney được quản lý như xe buýt tức là có tuyến đường, bến đỗ và đồng giá. Vì khá nhỏ gọn nên nó có thể đón khách ở bất cứ chỗ nào và không chiếm chỗ trên đường như buýt. Vì được trang trí vui mắt đủ kiểu nên loại xe này trở thành điểm nhấn độc đáo của Philippines.

Vừa đặt chân xuống đường phố Vigan, chúng tôi đã được nhận quà từ người lạ. Một phụ nữ trung tuổi đang ngồi bên đường cắt các tờ quảng cáo làm dây trang trí đường phố. Chúng tôi chỉ định hỏi đường, nhưng kết quả là bà kêu người nhà đi hái cho cả bọn một túi xoài bự. 

Nhiệt tình đến độ chúng tôi không dám nán lại lâu vì sẽ phải nhận thêm túi nữa - quá sức mang vác. Cảm giác từ “thân thiện” hợp với dân Philippines hơn là “hiếu khách”. Họ thường xuyên mỉm cười và gọi du khách bất kể già trẻ là sir/madame.

Nữ ca sĩ trẻ tại một quán bar ở Vigan tranh thủ lúc dạo nhạc để hỏi tên một khán giả. Chỉ để cảm ơn người khách đã hát theo mình. Dễ thương đến thế! Về cảnh vật, mỗi nước mang một nét đẹp riêng. Ngành du lịch nhiều khi hơn thua nhau lại là ở nét văn minh, lịch sự “bẩm sinh” chứ không phải diễn để lấy tiền.


MỚI - NÓNG