Hậu giải cứu

Hậu giải cứu
TP - Trong hai ngày liên tiếp (10 và 11/8) chuyên cơ của Vietnam Airlines đã đưa 287 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước an toàn. Bình luận về đợt giải cứu thứ hai này (năm 2011 Việt Nam cũng phải đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước vì nội chiến) 

Nhiều chuyên gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho rằng, dấu ấn của Bộ Ngoại giao khá đậm trong khi Bộ LĐ-TB&XH lại mờ nhạt.

Khi chiến sự leo thang tại hai thành phố Tripoli và Benghazi, thay vì cử Thứ trưởng, Cục trưởng phụ trách mảng XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH lại cử ông Nguyễn Đức Nam, Phó tổng giám đốc Cty Sona (một đơn vị thuộc Bộ) sang Libya để phối hợp với Đại sứ quán thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và đưa lao động về nước(!). 


Bình luận về việc này, một chuyên gia XKLĐ lâu năm nói: “Thực tế, đây là quyết định thể hiện sự thiếu nhạy bén tình hình của lãnh đạo Bộ Lao động. Ông Nam có giỏi mấy cũng khó để đứng ra lo toan cho tất cả NLĐ. Trong khi ông ta lo đưa lao động của Cty mình về nước đã toát mồ hôi”. 

Còn nhớ, năm 2011, có một lãnh đạo Bộ Lao động cũng theo chuyên cơ của Vietnam Airlines đi giải cứu lao động tại Libya. Nhưng vừa sang đến nơi, vị lãnh đạo này đã vội quay về Việt Nam (trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà báo). Thời điểm đó, nhiều người bình luận, hay vị lãnh đạo này sợ “bom rơi, đạn lạc” (?).

Trong đợt giải cứu lần hai này, giữa lúc nước sôi lửa bỏng chưa biết phải làm gì để đưa lao động về nước, may mắn thay khi các chủ sử dụng tại Libya đã lên kế hoạch thuê chuyên cơ của Vietnam Airlines. 

Nước mắt người thân đã rơi khi thấy con em đặt chân an toàn đến sân bay Nội Bài chiều ngày 10/8. Đáng tiếc là, giữa niềm vui tột cùng đó, người chia sẻ lại là những nhà báo thay vì lãnh đạo Bộ Lao động vì lo ngại bị lây nhiễm virus Ebola.   

Điều dư luận quan tâm là, giữa thời buổi chiến sự xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, cái NLĐ Việt Nam cần là sự lo toan và những giải pháp dài hơi của bộ chủ quản. Ai dám đảm bảo những cuộc giải cứu lao động như tại Libya sẽ không còn tiếp diễn trong tương lai? 

Lãnh đạo Bộ Lao động đã nghĩ đến việc xây dựng các chính sách dài hơi cho NLĐ đang làm việc ở những khu vực có nguy cơ xảy ra chiến sự như Libya? Bảo hiểm nào cho NLĐ để họ yên tâm, vững tin trước, trong và sau các biến cố?... Xem ra, tất cả những câu hỏi đó, hiện vẫn phải chờ.

MỚI - NÓNG