Hệ thống hóa tài liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Hệ thống hóa tài liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
TP - “Bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam nên dùng sức mạnh mềm - thiện cảm của thế giới dành cho mình và sớm hệ thống hóa tài liệu về chủ quyền biển đảo, sẵn sàng cho đấu tranh về pháp lý, luật pháp quốc tế”- ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York, người vừa trao tặng hơn 90 bản đồ, tư liệu cổ Hoàng Sa, Trường Sa cho Đà Nẵng, trao đổi với Tiền Phong.

> Người Trung Quốc, Nhật Bản phản đối hộ chiếu có 'đường lưỡi bò'
> Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Ông Thắng cho biết, đến nay ông đã thu thập được 150 bản đồ và 3 sách toàn đồ (Atlas). Những tư liệu cổ này không chỉ khẳng định cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, mà còn là bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu đời. Hơn 90 bản đồ vừa được chuyển về cho Viện Nghiên cứu KT-XH, UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).

Điều gì thúc đẩy ông tìm đến những tư liệu này?

Cuối tháng 7 vừa qua, việc TS Mai Hồng tặng bản đồ nhà Thanh 1904 cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chỉ ra cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam khiến dư luận chú ý.

Lúc đó, tôi đang ngồi trên máy tính tìm mua mấy món đồ cổ Việt Nam và tình cờ thấy vài tấm bản đồ cổ Trung Quốc tương tự như bản đồ nhà Thanh do của Tây phương phát hành. Trong đầu tôi dấy lên suy nghĩ: “Bên Việt Nam có bản đồ Trung Quốc thì bên Mỹ mình tìm kiếm các bản đồ do các nước Tây phương phát hành để chứng minh miền nam của Trung Quốc chỉ dừng tại đảo Hải Nam”. Thế là tôi bắt tay tìm bản đồ Trung Quốc trên mạng Ebay.

Scherer’s Atlas Novus, năm 1710 (xuất xứ tại Hà Lan) chứng minh lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở Hải Nam Ảnh: Trần Thắng
Scherer’s Atlas Novus, năm 1710 (xuất xứ tại Hà Lan) chứng minh lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở Hải Nam.
Ảnh: Trần Thắng.

Việc tiếp cận bản đồ, tư liệu cổ này có dễ dàng không?

Không phải là dân trong ngành bản đồ, nên lần đầu nhìn vào những bản đồ cổ, tôi chưa hình dung ra gì. Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của TS Trần Đức Anh Sơn (Viện phó Viện Nghiên cứu KT-XH Đà Nẵng), TS. Nguyễn Nhã (TPHCM), tôi đã có những thông tin tích cực. Tôi gửi 5-6 bản đồ đầu tiên cho TS Sơn và TS Nhã, đều được họ phản hồi tốt, thế là tôi tiếp tục công việc.

Tháng 8-2012, sau giờ làm việc trên công ty, tôi ngồi gần như trắng đêm bên vi tính, từ 7 giờ tối cho đến 3 giờ sáng để xem và mua bản đồ. Mỗi bản đồ Trung Quốc tôi xem có đảo Hải Nam không, ai vẽ, vẽ năm nào, ai xuất bản, xuất bản tại nước nào? Nhiều đêm ngồi mua bản đồ rất hăng say, mua một lúc lên đến 500USD.

Tôi ước lượng có khoảng 100 bản đồ Trung Quốc với miền nam là đảo Hải Nam do các nước Tây phương phát hành trong gần 400 năm từ 1626 đến 2006, trong đó tôi mua khoảng 80 bản đồ, trung bình mỗi bản đồ giá khoảng 20-30USD, kích thước từ 20x25cm cho đến 60x75cm.

Vậy ông làm gì để huy động kinh phí tìm mua những bản đồ này?

Trong quá trình thu thập bản đồ Trung Quốc, tôi phát hiện 3 Atlas: Sách năm 1908 do Phái bộ truyền giáo tại London phát hành; sách năm 1919 & 1933 do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân quốc (Republic of China) phát hành, và sách năm 1919 là ấn bản đầu tiên của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, kích thước bản đồ trong sách là 61x71cm.

Cả 3 sách này đều ghi nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Khi phát hiện ra 2 sách quý của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, tôi liên hệ với cơ quan chức năng để có thể mua 2 sách quý này.

Sách năm 1933 nằm tại New York (giá 3.000 USD) và sách năm 1919 nằm tại Ba Lan (giá 5.000 USD).

Hằng ngày, tôi mong về nhà sớm và xem sách còn không, rất lo lắng ai đó mua mất! Tôi đợi 10 ngày phản hồi từ Việt Nam nhưng không có, nên quyết định tự kiếm tiền để mua 2 sách quý này.

Tôi liệt kê bạn bè tại Mỹ và Việt Nam có khả năng đóng góp tiền để mua sách bản đồ; và gọi về Việt Nam cho đạo diễn Nguyễn Quang Bình (phim Cánh đồng bất tận).

Bình sẵn sàng đóng góp 3.000 USD. Tổng chi phí cho bộ sưu tập 150 bản đồ với khung và 3 sách Atlas là 13.000 USD. Tôi huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, bạn bè và gần nửa còn lại tự tôi bỏ.

Theo ông, liệu còn nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài?

Sau khi thu thập được 80 bản đồ, tôi đưa lên mạng để cho các bạn Việt kiều trẻ và người nước ngoài biết đến, và nhiều người thú vị với những thông tin tôi đưa ra.

Một sinh viên Việt Nam đang học thạc sĩ báo chí tại Boston đã viết bài về việc thu thập bản đồ của tôi đăng trên báo The Christian Science Monitor - một tờ báo chính trị lớn tại Mỹ, có tên tuổi trên thế giới.

Hy vọng bài viết này sẽ gây sự chú ý cho nhiều người Mỹ về lãnh thổ của Trung Quốc và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tôi tin rằng, tại các thư viện của đại học danh tiếng Mỹ, Pháp, Đức, Anh có nhiều sách ghi chép các cuộc du hành của các nhà thám hiểm châu Âu, hoặc lãnh thổ và bờ biển Đông Dương do người Pháp quản lý. Trong đó có đề cập đến chủ quyền biển đảo của nước ta.

Cộng đồng Việt kiều có quan tâm nhiều đến chủ quyền biển đảo của nước ta không?

Thế hệ người Việt biết tiếng Việt và quan tâm đến Việt Nam thì họ quan tâm Hoàng Sa và Trường Sa, xem phản ứng và giải pháp của Chính phủ Việt Nam cho vấn đề chủ quyền biển đảo như thế nào. Những người Việt trẻ ở nước ngoài cũng bắt đầu chú ý và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chủ quyền biển đảo.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên dùng sức mạnh mềm và luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và biển đảo của mình. Sức mạnh mềm ở đây là thiện cảm của thế giới dành cho Việt Nam. Việt Nam cần sớm hệ thống hóa tài liệu về chủ quyền biển đảo để sẵn sàng cho một cuộc chiến về pháp lý.

Cảm ơn ông.

Toàn bộ số bản đồ cổ đã được Viện Nghiên cứu KT-XH Đà Nẵng và UBND huyện đảo Hoàng Sa tiếp nhận, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Chúng tôi dự kiến scan lại bản gốc, sau đó tổ chức các buổi trưng bày, giới thiệu rộng rãi cho người dân Đà Nẵng và cả nước; nâng cao nhận thức chủ quyền biển đảo của nước ta.

Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng)

 

Nguyễn Huy
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.