Hệ thống quan sát qua vệ tinh: Kết nối hơn 3.000 tàu cá

Hệ thống quan sát qua vệ tinh: Kết nối hơn 3.000 tàu cá
TP - Hôm qua 28-11, Bộ NN&PTNT khánh thành Trung tâm Quan sát tàu cá qua vệ tinh tại Hà Nội. Công nghệ này có thể dự báo ngư trường và kết nối 3.000 tàu cá của ngư dân trên biển.

> Tháng 8 sẽ lắp thiết bị vệ tinh cho tàu cá
> Ngư dân sẽ được cứu nạn kịp thời
> Ngư dân sẽ được vay tiền sắm tàu hiện đại

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, với công nghệ hiện đại, có thể dự báo ngư trường và kết nối 3.000 tàu cá của ngư dân trên biển, giúp ngư dân giảm bớt được rủi ro... 

Ông Tám cho biết, Trung tâm này thuộc dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh-Movimar, từ nguồn ODA 13,9 triệu Euro do Pháp tài trợ.

Đây là dự án có ý nghĩa lớn, mở ra một hướng mới với ngành thủy sản và ngư dân. Dự án sẽ gắn thiết bị cho 3.000 tàu cá, loại có công suất 90 CV trở lên ở 28 tỉnh, thành ven biển. Hiện cả nước có hơn 26.000 tàu loại 90 CV trở lên, do vậy, bộ đã chỉ đạo việc lắp đặt thiết bị trên phải gắn với các tổ đội sản xuất trên biển.

Mỗi tổ đội khoảng 5-10 tàu, có thể chọn một tàu để lắp thiết bị. Đến hôm qua, đã lắp được 50 tàu, trong đó Phú Yên 18 tàu và 32 tàu của Khánh Hòa. Từ nay cho đến kết thúc dự án vào năm 2014, sẽ hoàn thành việc lắp đặt cho 3.000 tàu cá.

Với việc kích hoạt hệ thống quan sát tàu cá qua vệ tinh, ngư dân ra khơi sẽ yên tâm hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Với việc kích hoạt hệ thống quan sát tàu cá qua vệ tinh, ngư dân ra khơi sẽ yên tâm hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Việc lắp đặt các thiết bị vệ tinh trên tàu cá, giúp gì cho ngư dân đi biển, thưa ông?

Với các thiết bị, công nghệ hiện đại có thể chụp ảnh viễn thám về hải dương học, từ đó có thể đưa ra các bản tin dự báo ngư trường, sẽ giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, các chi phí khác để ra nơi cần đánh bắt, hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.

Trước đây “chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu” còn bây giờ, ngồi ở Hà Nội vẫn có thể biết được thuyền “đi đâu về đâu” trên hải đồ, biết cả tốc độ, hướng đi của tàu.

Từ đó, giám sát được tàu đến chỗ nào, chỗ nào cấm, thời tiết xấu, nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới, thậm chí biết độ cao của sóng, tốc độ gió, áp suất… để cảnh báo cho ngư dân.

Khi gặp sự cố, cần báo tin, ngư dân làm thế nào?

Khi có sự cố trên biển, ngư dân nhấn nút thiết bị lắp trên tàu để báo về Trung tâm. Từ đó, Trung tâm sẽ thông báo cho các cơ quan giám sát, cứu hộ, cứu nạn.

Thông qua ngư dân, có thể biết được nơi nào là ngư trường khai thác tốt, thậm chí phát hiện tàu lạ để cảnh báo. Đối với ngư dân đi vào vùng biển cấm, Trung tâm có thể quan sát, cảnh báo. Những tàu nào thường xuyên vi phạm có thể lập danh sách để giám sát kỹ, cảnh báo.

 Đại diện nhiều bộ ngành cùng theo dõi thông tin tàu cá tại trung tâm . Ảnh: Phạm Anh
Đại diện nhiều bộ ngành cùng theo dõi thông tin tàu cá tại trung tâm. Ảnh: Phạm Anh.

Lâu nay, các bản tin dự báo ngư trường của ta kém hiệu quả, vậy qua dự án này, tình hình cải thiện thế nào?

Đây là một ước mơ lâu nay của ngành thủy sản, mà bây giờ chúng ta mới làm được. Trước đây, chúng ta chỉ dự báo được một năm 2 vụ, hoặc mỗi quý một lần.

Việc dự báo cũng chỉ trên cơ sở thống kê nghề cá, chứ chưa dựa vào khoa học về hải dương học, ảnh viễn thám, nên mức độ chính xác không cao.

Có dự án này, qua công nghệ xử lý ảnh viễn thám về hải dương học, hy vọng dự báo ngư trường sẽ tốt hơn. Năm 2013, sẽ thành lập Trung tâm dự báo ngư trường, thuộc Viện nghiên cứu hải sản.

Ngư dân có phải trả tiền khi dùng dịch vụ trên?

Hoạt động trên là chúng ta đang sử dụng dịch vụ, nên phải trả tiền, giống như dùng điện thoại di dộng phải trả tiền thuê bao. Dự án này sẽ kéo dài đến năm 2014, nên ngư dân sẽ miễn phí.

Tuy nhiên sau đó nếu để ngư dân phải trả tiền thì rất khó khăn, nên sắp tới, chúng ta sẽ đề nghị với Chính phủ Pháp hỗ trợ một phần, phần còn lại đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Thưa ông, việc sử dụng thiết bị vệ tinh, giúp Việt Nam giám sát chủ quyền an ninh biển đảo thế nào?

Đây là mục tiêu của dự án. Qua thông tin từ ngư dân báo về qua thiết bị, sẽ biết được tàu lạ, tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, từ sự phát hiện đó, thông qua các tổ sản xuất trên biển, tổ dân quân của ngư dân, phối hợp với các cơ quan khác, chúng ta sẽ ngăn chặn, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy nhiên, ngư dân hoàn toàn yên tâm ra khơi khai thác trên biển, vì có sự hỗ trợ rất đắc lực từ các cơ quan của nhà nước. Sự hiện diện của ngư dân trên biển, chính là bảo vệ chủ quyền của ta.

Thế còn tính bảo mật, an toàn của hệ thống thông tin?

Vấn đề này chúng tôi cũng đặt ra, khi phê duyệt dự án, và đã có giải đáp về mặt kỹ thuật cao nhất mà chúng ta có thể có. Toàn bộ hạng mục, thiết bị của dự án được chủ đầu tư và đơn vị hưởng lợi kiểm tra thử nghiệm tại nhà máy (Pháp), đảm bảo đúng thiết kế, tiêu thuẩn kỹ thuật, sau đó chuyển về Việt Nam lắp đặt.

Việc lắp đặt thiết bị tại Trung tâm có sự giám sát của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin trong quá trình vận hành hệ thống.

Về phía nhà thầu, họ cũng cam kết đảm bảo với ta về bảo mật, và các vấn đề khác theo thông lệ quốc tế.

Cảm ơn ông!

Quan tâm an toàn ngư dân Việt Nam trên biển

Bà Marie Cecile Tardieu Smith, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Movimar là một dự án quan trọng trong sự hợp tác của hai Chính phủ Việt Nam và Pháp. Hiện dự án đã đi đúng thời gian như kế hoạch.

Với dự án này, Chính phủ Pháp mong muốn ngư dân Việt Nam trên biển được đảm bảo an toàn cao nhất, tăng cường an ninh trên biển của Việt Nam.

Dự án này cũng góp phần thúc đẩy Việt Nam trong phát triển kinh tế biển, trong đó, thủy sản là một ngành kinh tế trọng điểm. Qua các thiết bị công nghệ hiện đại của dự án, giúp Việt Nam quản lý tốt nhất các nguồn lợi hải sản.

 

Phạm Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG