Hiểm họa từ độ tàu cá thành tàu du lịch

Một tàu cải hoán “hô biến” mái thành tầng hai. Ảnh: Thanh Trần
Một tàu cải hoán “hô biến” mái thành tầng hai. Ảnh: Thanh Trần
TP - Hiện trên sông Hàn có 28 tàu du lịch hoạt động, thì có đến 2/3 trong số đó là tàu cải hoán từ tàu cá và tàu chuyên chở vật liệu. Các tàu này hoạt động bấy lâu nay, cho đến khi vụ lật tàu Thảo Vân 2... 

Buộc ghế đối phó, biến mái thành tầng

Nhiều nhân chứng trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 kể lại khi lên tầng hai hóng gió, họ ngồi trên những chiếc ghế không được cố định, tàu tròng trành thì toàn bộ ghế bị xô lệch về một bên khiến tàu nghiêng hẳn và nhanh chóng lật úp. 

Sáng 7/6, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Đà Nẵng, phóng viên ghi nhận tình trạng ghế không được cố định này xảy ra hầu hết ở các tàu cải hoán. Các tàu đối phó bằng cách nối nhiều ghế lại với nhau rồi buộc vào hai bên thành tàu, chân ghế vẫn rời ra khỏi sàn và dễ dàng nhấc lên. 

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tàu du lịch Công Danh - ĐNa 0528, nói: “Đúng quy định là phải bắt các ghế cố định xuống sàn, nhưng giờ khoan sàn bắt ghế thì sàn thủng, hơn nữa có khách đặt tiệc trên tàu làm sao di chuyển bàn ghế để bố trí chỗ ngồi. Cảng vụ cũng có nhắc nhở mấy lần, nhưng “khó” quá, để vậy tới giờ”. Ông Thành cho biết thêm, hầu như các tàu du lịch trên sông Hàn đều cố định ghế bằng cách này.

Trung tá Đặng Viết Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy cho hay, ở các địa phương khác, phần mái của tàu du lịch bao giờ cũng làm mái xuôi, lợp bằng chất liệu mềm và không đưa khách lên trên hóng gió. Thế nhưng không ít tàu du lịch ở đây đã “hô biến” mái thành tầng hai, thiết kế mái thành mặt sàn, bắc cả cầu thang để đưa khách lên. Một chủ tàu biện bạch: “Đăng kiểm chỉ cho phép chở 48 người, quy định ngồi ở tầng dưới. Nhưng tâm lý khách bao giờ cũng muốn lên trên để ngắm cảnh, chụp ảnh nên phải chiều ý. Tuy nhiên, tàu luôn nhắc khách chỉ được ở trên đó vài phút thôi”.

Ông Nguyễn Văn Thành, nói: “Với những tàu cải hoán từ tàu cá, đáy thường nhỏ nên thiết kế phần trên càng cao, cho khách đi lại trên tầng càng nhiều thì dao động càng lớn, khiến tàu dễ nghiêng và nhanh lật. Những chiếc cải hoán từ tàu chở vật liệu, hoặc đóng mới chuyên chở khách thì tiết diện đáy tàu bao giờ cũng rộng, giữ được thăng bằng tốt hơn”.

Từng được cảnh báo

Trong cuộc họp HĐND thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2015, đại biểu Nguyễn Quốc Bình - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố từng cảnh báo: “Đà Nẵng có 25 chiếc tàu du lịch trên sông Hàn, nhưng chủ yếu là tàu cá cải hoán sang. Nếu 25 chiếc tàu ấy chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm? Tàu Biên phòng chúng tôi đã 2 lần kéo tàu bị chìm trong đêm. Nó chìm xuống thì ai nổi lên, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Theo thống kê của Đội CSGT đường thủy, trên sông Hàn hiện có 28 tàu du lịch, trong đó có tới 22 tàu được cải hoán từ tàu cá và tàu chuyên chở vật liệu. Trung tá Đặng Viết Tài, lo lắng: “Các tàu cải hoán thành tàu du lịch mà không kỹ càng, bám sát từng chi tiết, kết cấu thì dễ có lỗ hổng lắm. Bởi ngay từ đầu đóng con tàu đã không nhằm vào mục đích chở khách thì có nâng cấp, cải tạo thế nào cũng không toàn diện được”.

Các chủ tàu thừa nhận hầu hết các chi tiết trên tàu đều có thể thay đổi, riêng phần đáy phải “chịu thua”, không tài nào độn cao lên hoặc mở rộng ra dù biết tàu đáy nhỏ khó giữ thăng bằng hơn tàu đáy lớn.

Ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Hàn Giang, người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề cho hay, việc tàu cải hoán có nguy hiểm cho du khách hay không một phần nằm ở cơ quan đăng kiểm. “Quan trọng nhất là cơ quan chức năng có kiểm tra, kiểm soát độ an toàn của tàu, nắm hết các thông số kỹ thuật,  số lượng khách lên tàu trước khi rời bến hay không?”. Ông Hòa cũng rất ủng hộ việc Đà Nẵng dừng hoạt động của tàu du lịch để kiểm tra.  

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.