Hiểm nguy nghề hái “lộc rừng”

Nhiều người tìm mua "lộc rừng" - Ảnh: K' Liệp
Nhiều người tìm mua "lộc rừng" - Ảnh: K' Liệp
Để mưu sinh, nhiều người phải băng rừng, lội suối để tìm hái "lộc rừng". Nhưng hiểm nguy từ thiên nhiên vẫn luôn âm thầm rình rập họ.

Đến khu vực chợ Di Linh (Thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), người ta dễ dàng bắt gặp nhiều người dân cả Kinh, lẫn người Thượng ngồi rao bán “lộc rừng”: rau nhíp, đọt mây, hoa lan, góc cảnh... được hái từ rừng về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Hầu hết những người hành nghề hái “lộc rừng” tại đây điều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhà nuôi con bệnh tật, cũng có cảnh phải lo tiền mua sách vở cho con ăn học.

Bà Ka Thảo, người dân tộc K’ Ho, đã hai năm mưu sinh bằng nghề hái “lộc rừng” chia sẻ: “Do hoàn khó khăn, mùa cà phê thì đi làm thuê, làm mướn cho người ta, còn những ngày này, ngoài việc lên rừng hái rau nhíp, đọt mây, lan rừng, đào gốc cây cảnh... đem ra chợ bán thì tôi chẳng biết làm gì để kiếm được tiền”.

Cứ 4, 5 giờ sáng, người dân khu vực thị trấn Di Linh lại tụ tập, cùng nhau lên rừng hái “lộc”, họ vượt hơn bốn tiếng đồng hồ bằng xe máy từ thị trấn Di Linh lên các khu rừng thuộc các huyện giáp ranh với tỉnh Đắk Nông để tìm lá nhíp, đọt mây rừng, lan rừng, gốc cây cảnh....

Một người bán “lộc rừng” tại chợ Di Linh chia sẻ: “ Chúng tôi dành một ngày để lên rừng kiếm “lộc” rồi đem ra chợ bán, trung bình mỗi lần chúng tôi kiếm được khoảng từ 100.000 – 150.000 đồng, trừ tiền xăng dầu, cũng dư được chút ít”.

Tại huyện Di Linh, hiện còn rất ít những cánh rừng nguyên sinh, chủ yêu là đồi cà phê bạt ngàn, để kiếm “lộc rừng”, người dân phải băng qua rừng sâu, nước độc... thậm chí có nhiều trường hợp nguy hiểm.

Bà Ka Thảo kể lại: “Tôi vẫn nhớ như in lúc trèo lên cây để hái lan rừng và nhiều loại hoa rất đẹp, trời thì đang đổ mưa, cây rất trơn, con trai tôi đã bị té xuống đất, lúc đó tôi cứ tưởng nó không qua khỏi, cũng may trời vẫn còn thương”.

Dẫu biết rằng, nghề hái “lộc rừng” rất nguy hiểm, nhưng nhiều người dân khu vực thị trấn Di Linh vẫn từng ngày băng rừng, lội suối để đem “lộc rừng” về bán mưu sinh. Bởi, từ lâu nay cái nghèo vẫn hằng đeo bám họ.

Theo Theo Công an TPHCM
MỚI - NÓNG