Hiến kế cho Sơn Trà

Sơn Trà là báu vật cần được gìn giữ.
Sơn Trà là báu vật cần được gìn giữ.
TP - Hôm qua (15/7), hội thảo về bảo tồn và phát triển ở bán đảo Sơn Trà diễn ra tại “sân nhà” thành phố Đà Nẵng với gần 200 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của Đà Nẵng và Trung ương, các tổ chức bảo tồn trong nước đã tham gia.

Hệ sinh thái Sơn Trà đang suy giảm

TS Lưu Hồng Trường (Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam) cho biết: ông đi khắp cả nước nhưng không ở đâu có hệ sinh thái tự nhiên độc đáo như bán đảo Sơn Trà. Ở đây có số lượng loài động thực vật quý hiếm rất cao. Trong đó có 15 loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và 5 loài động vật trong sách Đỏ thế giới. Về thực vật, có nhiều loại thực vật quý, trong đó có nhiều loài mới, chưa được biết đến chỉ có ở Sơn Trà.  Ông Trường chia sẻ: Sơn Trà có con đường đi lên rất đẹp nhưng các nhà khoa học rất đau xót và tiếc nuối vì bên dưới con đường đó cả rạn san hô, thảm thực vật bị hủy hoại vì việc mở đường. “Đây là một bài học đắt giá cho Sơn Trà. Sơn Trà phải giảm thiểu tác động này để cứu lấy thảm thực vật đa dạng sinh học nơi đây”, ông Trường nói.

Ông Vũ Ngọc Thành, Giám đốc Chương trình bảo tồn nhóm Chà vá Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu rất quan trọng, đó là 80% voọc Chà vá chân nâu kiếm ăn dưới bình độ 200m trở xuống. Do đó cần hết sức thận trọng khi phát triển du lịch, kinh tế dưới vành đai 200m. Nhất thiết phải có đánh giá tác động môi trường ở khu vực này và đánh giá đó phải có lương tâm và trách nhiệm. Ông Thành cũng cho biết: Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất trên thế giới mà việc ra vào không hề bị kiểm soát và giới hạn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Hòa (Viện Hải dương học Nha Trang) cho hay, sự suy giảm các rạn san hô ở ven bờ Sơn Trà rất đáng báo động. Nếu năm 2006, diện tích rạn san hô tại đây khoảng 80,9ha thì đến năm 2016 đã giảm khoảng 34ha. Đặc biệt là độ phủ như khu vực bãi Bắc, diện tích năm 2005 là 31,9ha, nhưng đến năm 2016 còn có 0,6% - gần như chết hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Văn Tập (Viện Dược Liệu) và cộng sự dày công nghiên cứu tài nguyên cây dược liệu tại Sơn Trà, cho biết: Ở Sơn Trà có 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và 5 ngành thực vật bậc cao. Trong đó có nhiều loài cây là vị thuốc chỉ Sơn Trà mới có. Đây là nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng cần được gìn giữ. “Mỗi cành cây ngọn cỏ ở Sơn Trà đều quý. Gìn giữ Sơn Trà là gìn giữ cho con cháu. Đó là vấn đề đạo đức, sống có trách nhiệm cho con cháu mai sau” ông Tập xúc động nói.

“Bài toán” Sơn Trà phải giải cho ra!

Nói về câu chuyện phát triển du lịch, ông Trương Trọng Nghĩa đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: nhất thiết chúng ta không thể nào phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách như hiện nay được. Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và nhất thiết phải thay đổi cách phát triển du lịch với bán đảo Sơn Trà.

Việc giải quyết bài toán Sơn Trà hiện nay liên quan đến các dự án tại đây, ông Nghĩa cho rằng: Thu hồi là bài toán khó nhưng không có nghĩa là không giải. Ngược lại phải giải cho được bài toán đó. “Luật pháp Việt Nam hiện nay, tiềm lực hiện nay, sự quan tâm của cả nước, sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, sự quan tâm của công luận với Sơn Trà hiện này thì bài toán này khó mấy cũng giải được” ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, tại Sơn Trà cái gì trái phép thì phải dẹp, và phải xử lý, thậm chí là phải trừng trị nếu sự vi phạm đó nghiêm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp, nhưng đến nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi nữa, thì chúng ta phải cùng tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên, tất nhiên có những giải pháp hợp lý nhưng có thiệt hại, thì thiệt hại này chúng ta phải bàn cách chia sẻ.

“Phải vận động ngay chính các doanh nghiệp, vì thương hiệu, tinh thần yêu nước, tinh thần xã hội nếu có chịu thiệt hại, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà, thì đó chính là vinh dự cho họ. Nó sẽ tăng lòng yêu mến của người dân với doanh nghiệp đó. Các nhà doanh nghiệp nếu có bị thiệt hại, chính quyền phải làm việc với họ và nếu có phải đền bù, chúng ta phải đền bù. Nhưng quá sức chịu đựng của ngân sách thì chúng ta vận động họ. Và tôi nghĩ nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ hoan ngênh họ”, ông Nghĩa nói.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) cho biết: sẽ ghi nhận toàn bộ các  ý kiến tại hội thảo để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ. Những nghiên cứu, ý kiến sẽ là cơ sở khoa học để Bộ căn cứ khi có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, vấn đề liên quan đến Sơn Trà. “Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà sẽ là mục tiêu ưu tiên số 1”, bà Nhàn khẳng định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.