‘Hiệp hội Dược run, không dám dự cuộc làm việc với Bộ Y tế’

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Trường Phong
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Trường Phong
TPO - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, lãnh đạo Hiệp hội Dược dù được mời nhưng không dám dự cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 20/9. “Phải nói là tôi rất trách Hiệp hội Dược dù được mời nhưng run không dám dự”, ông Dũng nói.  

Phát biểu kết luận buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Y tế sáng 20/9, ông Dũng cho biết, về thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng giao 9 nhiệm vụ, Bộ Y tế đã thực hiện 7 nhiệm vụ. Còn 2 nhiệm vụ liên quan việc bổ sung sửa đổi nghị định 38 và thông tư 46 cần tích cực triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa hoàn thành một số nhiệm vụ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, đề nghị tiếp tục triển khai, làm tốt. Ông Dũng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia, vì đến nay, mới có 5/55 bộ thủ tục của Bộ được thực hiện.

Liên quan công tác kiểm tra chuyên ngành, ông Dũng cho biết, quan điểm của Thủ tướng là trên tinh thần quản lý tốt nhưng phải tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở cho doanh nghiệp phát triển trên nguyên tắc minh bạch, công khai, không có lợi ích nhóm, không co cụm. Các thủ tục có thể bỏ được thì phải quyết tâm bỏ.

“Thực tế cái được cũng nhiều, nhưng cái bất cập lớn hơn cái được rất nhiều. Vấn đề kiểm tra chéo, vấn đề chồng lấn. Vấn đề bộ thủ tục, trình tự thủ tục kiểm tra bằng cảm quan, nhãn quan không có quy chuẩn, không công bố quy chuẩn. Ngay cả vấn đề công bố xác nhận sự phù hợp của thực phẩm tôi cho là không cần thiết và không có tác dụng gì trong quản lý nhà nước. Vì thực chất đây chính là giấy phép con”, ông Dũng nói.

Ông Dũng phân tích, trong chỉ đạo xuống các Cục, không có chỉ đạo về mẫu phẩm, không đánh giá xét nghiệm. Trong một Vụ cũng có 2 – 3 đơn vị kiểm tra một sản phẩm.

“Tôi có mời đại diện các hiệp hội và phải nói là tôi rất trách hiệp hội Dược. Vừa gọi điện, vừa gửi giấy mời mà run không dám dự. Thôi thế thì đừng đại diện cho hội doanh nghiệp Dược nữa. Đến đây phản ánh cái trung thực nhất, minh bạch cho doanh nghiệp của mình đại diện, trao đổi đàng hoàng, minh bạch với nhau, việc gì phải né tránh mà không dám dự”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, trong kiểm tra vẫn ngại va chạm, khi nói cũng ngại va chạm. Kiểm tra gây tốn kém nhiều, riêng 3 Bộ làm doanh nghiệp tốn xấp xỉ 30 triệu ngày công và hơn 14 nghìn tỷ đồng. “Kiểm tra rất khó khăn cho doanh nghiệp về việc kéo dài thời gian, về quay vòng đồng tiền, sản phẩm đều có bất cập”, ông Dũng nói thêm.

Vì vậy, ông Dũng đề nghị Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, giảm bớt các văn bản điều chỉnh một sản phẩm, theo hướng một mặt hàng chỉ phải chịu sự điều chỉnh của một văn bản và chỉ chịu sự kiểm soát, kiểm tra của một đơn vị trong Bộ, và sự kiểm tra, kiểm soát của một Bộ. Cùng với đó, chủ động rút gọn danh mục hàng phải kiểm tra, minh bạch hóa trong kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức, đơn giản thủ tục kiểm tra, loại hình nào tiền kiểm, hậu kiểm. “Với những thông tin đã công bố hôm nay trước báo chí, đề nghị Bộ phải thực hiện nghiêm”, ông Dũng lưu ý. 

MỚI - NÓNG