HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc
TPO - Tôi đã bỏ được ma túy sau 7 năm nghiện, sáng tác gần 1.000 bức tranh, chủ yếu về HIV. Tôi đã nỗ lực, đã đấu tranh. Vậy tại sao tôi không dám công khai mình có HIV để mọi người hiểu hơn về tôi và những người như tôi? - Nguyễn Trọng Kiên nói.
HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 1
Các vị khách mời  tham gia bàn tròn trực tuyến tại trụ sở báo Tiền Phong.

Vào lúc 10h30 sáng nay, 6 vị khách mời đã có mặt tại báo Tiền Phong để tham gia buổi giao lưu trực tuyến về HIV/AIDS.

Chị PhạmThị Huệ - Anh hùng Châu Á năm 2004 do tạp chí Time bình chọn là người mở màn cuộc trò chuyện cởi mở của chúng tôi.

Xin chị Huệ cho biết những đóng góp gần đây nhất của mình cho công cuộc phòng chống  HIV/AIDS Việt Nam?

Trong thời gian vừa quan, tôi có tham gia các hoạt động truyền thông về HIV trong trường học, cụm dân cư, tham gia trực tuyến, khâm liệm HIV cho những người chết trên đường, vô gia cư.

Tôi cũng trực tiếp tư vấn HIV qua điện thoại, hoặc tại gia đình, chia sẻ kinh nghiệm sống chung với HIV/AIDS.

Tôi cũng đã tham gia huy động nguồn tài trợ bị cho những người bị  ảnh hưởng bệnh tại địa phương, quần áo, lương thực cho các cháu nhỏ mồ côi vị HIV/AIDS.

Đặc biệt, để xóa bỏ mặc cảm, tăng sự tự tin cho các cháu nhỏ, tôi phối hợp với Hội LHPN phường tổ chức Lễ Tết, Trung thu cho trẻ em.

Nâng cao kiến thức cho thân nhân các bệnh nhân, tôi hướng dẫn họ cách chăm sóc người bệnh tại gia đình nhằm giảm áp lực tại các bệnh viện.

Tôi trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân khi họ chuyển sang giai đoạn AIDS.

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 2
Chị PhạmThị Huệ

Gần đây nhất, tôi có tham gia dự án GIPA, dự án khuyến khích sự tham gia người nhiễm AIDS tại cộng đồng. Dự án này do tình nguyện viên LHQ hỗ trợ cùng với TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hiện tại, công việc và cuộc sống của chị có gặp khó khăn gì không?

Bên cạnh nhiều thuận lợi chúng tôi còn rất nhiều khó khăn. Kinh phí cho các hoạt động ngặt nghèo. Chúng tôi cũng  rất thiếu các biện pháp, phương tiện phòng hộ để chăm sóc. Bản thân chúng tôi thiếu các kỹ năng chăm sóc.

Chúng tôi chưa có tư cách pháp nhân để có thể tổ chức tốt hơn các cuộc vui chơi, chăm sóc về tinh thần cho các cháu.

Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng  tự khắc phục dần dần. Các tổ chức chính trị xã hội ở phường cũng đã giúp đỡ chúng tôi nhiều.

Vợ chồng Họa sĩ Nguyễn Trọng Kiên (Hà Nội) :

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 3
Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Kiên

Chào anh Kiên, sức khoẻ của anh thế nào?

Hiện nay, sức khỏe của tôi tốt, công việc vẫn bình thường. Tôi vẫn đang làm việc chuẩn bị một cuộc triển lãm tranh, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/12 nhằm gây quỹ xây lớp học cho trẻ em có HIV tại Trung tâm số 2, Ba Vì, Hà Tây.

Chị Nguyễn Thanh Ngân (vợ anh Kiên), chị có thể kể cho mọi người nghe một chút về câu chuyện tình cảm của anh chị không?

Câu chuyện tình của tôi với anh Kiên khá thi vị. Sau 2 năm gặp nhiểu trắc trở, tôi và anh Kiên quyết định tiến đến hôn nhân. Quyết định của chúng tôi được hai gia đình rất ủng hộ.

Khách mời

- Chị Phạm Thị Huệ (Hải Phòng) - tạp chí Time (Mỹ) bình chọn danh hiệu “Anh hùng châu Á 2004” vì những nỗ lực giúp đỡ cộng đồng mắc HIV/AIDS tại Việt Nam.

-  Vợ chồng Họa sĩ Nguyễn Trọng Kiên (Hà Nội)

- Ông Mitchell Wolfe, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam.

- Ông Nhân Tuấn – GĐ TT Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội.

- Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, BV Đống Đa, Hà Nội.

Tôi cũng được đào tạo về Mỹ thuật, nhưng về đồ họa ứng dụng nên thỉnh thoảng có trao đổi với anh Kiên về Mỹ thuật.

Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cùng anh Kiên lên thăm các "con" - những trẻ em có HIV tại Ba Vì, Hà Tây. Tôi cũng tích cực tham gia những hoạt động của chồng.

Có một câu hỏi cho anh Kiên và chị Huệ, từ ngày anh chị công khai mình là người có HIV, điều gì làm anh chị buồn phiền nhất? Có khi nào anh chị cảm thất bất lực khi phải đối mặt với xã hội không? Để vượt qua, anh chị đã phải làm gì?(Hải, 32 tuổi, Hà Nội)

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Tôi bị nhiễm HIV từ năm 18 tuổi, đây là bệnh hiện tại chưa có thuốc chữa và như vậy, tôi đã đánh mất đi thời gian đẹp nhất của cuộc đời một con người. Đó là điều tôi buồn nhất.

Mỗi người bao giờ cũng có những giây phút bất ổn. Có những lúc, tôi đã tuyệt vọng, không còn tin vào cuộc sống. Đó là những khoảnh khắc sai lầm.

Sau 12 năm, tôi đã dần quen với những điều (cả tốt và xấu) mà xã hội dành cho mình. Nhưng tôi không muốn sống không ai biết, chết không ai hay. Sống như vậy là sống thừa.

Tiếp đó, tôi thấy khổ quá. Bố mẹ tôi cùng đã quá khổ với tôi. Chính vì vậy, tôi phải nỗ lực phấn đấu để vượt qua những nỗi đau.

Một trong những cách để vượt qua nỗi buồn là tôi luôn không ngừng sáng tác tranh trong suốt 12 năm biết mình có HIV. Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ tình cảmvới những  người trong cuộc, chẳng hạn như các cháu nhỏ có HIV ở Ba Vì, Hà Tây.

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 4

Chị Phạm Thị Huệ: Đối với Huệ, thời gian chưa công khai mình bị HIV, cuộc sống như địa ngục. Đến nay, khi công khai tình trạng nhiễm bệnh của mình, cuộc sống của Huệ đã thoải mái hơn rất nhiều.

Huệ tìm thấy niềm vui trong công việc, đó cũng là liều thuốc trị bệnh cho Huệ, để Huệ có cuộc sống khỏe mạnh, sôi nổi, có ích như hôm nay.

Mỗi khi gặp phải điều gì khó khăn, Huệ lại nghĩ đó là một thử thách để Huệ phải vượt qua, đồng thời đó cũng là điều khuyến khích Huệ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Ông Mitchell Wolfe - Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam:

Trước tiên tôi xin giới thiệu, tôi là giám đốc CDC. Việt Nam là một trong những nước nhận được tài trợ từ quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ. Một phần hoạt động của chúng tôi là nhằm vào việc chăm sóc và điều trị những người nhiễm HIV/AIDS

Tôi nghĩ rằng, sự phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV đã gây khó khăn cho việc ngăn chặn đại dịch này.

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 5
Ông Mitchell Wolfe
Ở Mỹ trong giai đoạn đầu, cũng có sự phân biệt kỳ thị. Nhưng một số người nhiễm HIV đã mạnh dạn đứng lên nói về tình trạng của mình và đã thu hút được báo chí. Từ đó đã giúp cộng đồng có được cái nhìn đúng đắn về HIV/AIDS và giúp cho việc thông qua luật chống phân biệt đối xử tại Mỹ .

- Chúng tôi đánh giá cao Quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Mỹ. Ông có thể giới thiệu chi tiết hơn nữa về những hoạt động của Quỹ hỗ trợ khẩn cấp trong năm tài chính 2006?

Việt Nam hiện là 1 trong số 15 quốc gia trọng điểm đang nhận được sự hỗ trợ từ quỹ “Kế hoạchcứu trợ khẩn cấp AIDS (PEPFAR)” của Tổng thống Mỹ. Được biết, năm 2006, Việt Nam sẽ nhận được 34 triệu USD từ chương trình này.
 Ông Mitchell Wolfe: PEPFAR  đã trực tiếp hỗ trợ cho các  chính phủ Việt Nam hoặc thông qua các tổ chức phi chính phủ  và quốc tế tại  Việt Nam.

Bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, chúng tôi đã cung cấp thuốc HIV cho 1300 bệnh nhân AIDS. Mục tiêu của chúng tôi là vào đầu năm 2009 hỗ trợ điều trị cho 22 000 bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS. 

Theo ông, điểm yếu nhất của VN trong việc phòng chống HIV/ AIDS là gì ?

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 6
Mục đích của chúng tôi tại VN là giúp đỡ và hỗ trợ chương trình phòng chống HIV/ AIDS của Việt Nam. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan , tổ chức tại Việt Nam.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các  tổ chức cùng hỗ trợ nhau làm hiệu quả một chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, thay vì nhiều  chương trình nhỏ lẻ.  Còn về sự phân biệt đối xử  với những người bị nhiễm HIV/AIDS, có thể anh Kiên và chị Huệ có thể nói tốt hơn tôi. 

Sự phân biệt đối xử đã ngăn cản những người nhiễm HIV/AIDS đi xét nghiệm, đến gặp bác sỹ để được điều trị cũng như được giáo dục nhằm ngăn chặn lây truyền HIV  sang người khác và cộng đồng.

Trong bài phỏng vấn mới đây với báo Tiền Phong ông có nói, Việt Nam có tiềm năng chấm dứt đại dịch AIDS. Theo ông, nhận xét đó có lạc quan quá không? 

Quả thực thật khó nói tiên đoán tương lai. Tuy nhiên, theo ý kiến tôi, chúng tôi hoàn toàn có thể khống chế được sự gia tăng HIV  tại Việt Nam.

Để làm được điều này chúng ta phải có những nỗ lực lớn như giáo dục cộng đồng, nhất là những cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm cao giúp họ có những kiến thức đầy đủ trong phòng chống AIDS cho bản thân và tránh lây lan ra cộng đồng. Ví dụ , việc sử dụng Methadone thay thế cho những người nghiện ma túy, việc thông qua luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV...

Tôi muốn  nhấn mạnh lại rằng, đây là một vấn đề rất khó và việc chúng ta có thể giảm số người nhiễm HIV/AIDS là điều có thể làm được.

Xin hỏi ông Lê Nhân Tuấn về việc lắp đặt các máy bán bao cao su tự động ở Hà Nội và các thành phố khác đã tiến hành đến đâu? Việc tiếp cận bao cao su cho các đối tượng cần sử dụng nên được tăng cường như thế nào? (Hải, 32 tuổi, Hà Nội)

Trong năm qua, Dự án DFIT và DKT cũng đã triển khai chương trình tiếp cận bao cao su đối với các nhân viên làm việc tại một số điểm vui chơi giải trí trên địa bàn một số quận như Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Đồng thời, Dự án DKT cũng đã lắp đặt máy bán bao cao su chạy bằng pin ở 1 số điểm dịch vụ ăn uống (trong nhà vệ sinh...).

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 7
Ông Lê Nhân Tuấn

Tuy nhiên, máy bán bao su tự động trên của dự án DKT cũng chưa phát huy được hiệu quả.  Nguyên nhân do khi chọn vị trí đặt máy bán tự động chưa xét tới thời điểm cần sử dụng của người có nhu cầu.

Tháng 4 vừa qua, trong buổi làm việc với đại diện của dự án DKT, chúng tôi cũng đã nêu vấn đề này và đề nghị xem xét 2 yếu tố để có thể phát huy hiệu quả của máy bán bao cao su tự động.

Yếu tố thứ nhất: Thay thế máy sử dụng bằng điện hoặc pin bằng máy cơ, để có thể đảm bảo máy thường xuyên hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Yếu tố thứ 2: Vị trí đặt máy, ưu tiên ở những điểm nhạy cảm. Trước hết là những khu có đông học sinh, sinh viên của các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp dạy nghề. Vị trí ưu tiên thứ hai: tại những khu dân di biến động (các khu chế xuất của các liên doanh nước ngoài có sử dụng nhiều công nhân ngoại tỉnh), những khu tập trung lao động tự do từ ngoại tỉnh vào Hà Nội.

Đại diện của dự án DKT rất hoan nghênh ý kiến trên và cũng đã hứa sẽ có nghiên cứu để phối hợp với Hà Nội triển khai chương trình bán bao cao su bằng máy tự động.

* Tỷ lệ gái mãi dâm bị nhiễm HIV năm 2005 của Hà Nội là 3%. Một trong những đường lây truyền HIV là quan hệ tình dục với gãi mãi dâm không sử dụng bao cao su. Vì vậy, việc tiếp cận, sử dụng bao cao su là một biện pháp can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV rất quan trọng. Thành công của Thái Lan trong việc giảm số  lượng người nhiễm mới HIV trong các năm qua là minh chứng cho thành công của chương trình  tiếp cận bao cao su.

Em năm nay 35 tuổi, đã có con, chồng em đi xét nghiệm kết quả HIV dương tính. Cách đây 3 tháng em chưa bị lây nhiễm. Nay anh ấy đã nằm liệt giường và không đi lại được. Không biết thời gian dành cho anh ấy trên cõi đời này được khoảng bao lâu? Con và em liệu có bị lây hay không? Cách chăm sóc chồng như thế nào để khỏi bị lây nhiễm, xin bàn tròn trực tuyến cho em 1 giải pháp, xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Mai Ánh Chi, 25 tuổi, Thành phố Cần Thơ)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 8
Anh Nguyễn Trọng Kiên

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Tôi xin được chia sẻ với chị. Theo tôi, chị nên đưa chồng và con tới cơ sở Y tế dự phòng của địa phương gấp để được các chuyên gia tư vấn một cách đầy đủ.

Chị đừng quá lo lắng vì khi đến các trung tâm tư vấn, chị sẽ được đảm bảo bí mật về thông tin của gia đình.

Chị Phạm Thị Huệ: Chị và con có nguy cơ nhiễm cao, muốn biết có bệnh hay không chị và cháu phải đi thử máu. Chị nên yên tâm và đừng quá lo lắng.

Nếu anh được điều trị thuốc ARV thì sức khỏe sẽ tốt hơn và kéo dài sự sống lâu hơn. Huệ không rõ ở Cần Thơ có chương trình điều trị miễn phí loại thuốc này hay không.

Chị có thể liên hệ với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố Cần Thơ để anh có thể được điều trị. Nếu tại TP không có chương trình này, chị có thể liên hệ với Huệ để biết thông tin về mua thuốc điều trị giá rẻ.

Phòng tránh lây nhiễm sang chị trong thời gian anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, khi chăm sóc chị cần có những biện pháp phòng hộ, ví dụ như tránh để dịch và máu của anh tiếp xúc trực tiếp với chị....

Chúc chị và gia đình mạnh khỏe, may mắn.

Cho tôi hỏi, triệu chứng để phát hiện những người mắc bệnh HIV? (Hai Ha, 25 tuổi, TPHCM)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 9

 Ông Lê Nhân Tuấn:

Ông Lê Nhân Tuấn: Trước hết cũng muốn nói rõ cho bạn rằng: không có khái niệm "người mắc bệnh HIV", vì HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Vì vậy, chỉ có khái niệm người nhiễm HIV.

Các giai đoạn từ khi nhiễm HIV đến AIDS gồm 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn cửa sổ: kéo dài từ khi bắt đầu nhiễm HIV đến khoảng 3 tháng sau đó. Người nhiễm HIV vẫn hòan tòan khỏe mạnh bình thường trong giai đoạn này. Hầu hết các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính (trừ xét nghiệm định lượng HIV). Đây là một giai đoạn hết sức nguy hiểm vì người nhiễm HIV có thể truyền virus sang cho người khác mà không biết.

2. Giai đoạn nhiễm HIV: xét nghiệm HIV trong giai đoạn này cho kết quả dương tính. Người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên trong suốt thời gian này (thường là nhiều năm), HIV dần dần phá hủy hệ thống miễn dịch. Đến cuối giai đoạn này, cơ thể yếu đi nhiều, và các triệu chứng bệnh của giai đoạn AIDS bắt đầu xuất hiện.

Ông Lê Nhân Tuấn: Tính tới thời điểm 26/4/06, 10269 người nhiễm HIV. Trong đó 2585 người sang AIDS. HN trong những năm qua có những kết quả, được triển khai rộng ở các quận huyện, Các đồng đẳng viên tích cực tham gia, kết hợp hoạt đọng của nhiều CLB (Hướng Dương, Hoa Sữa), trong việc tuyên truyền, chăm sóc, phổ biến kiến thức...

Những đóng góp của chị Huệ, anh Kiên, là vô cùng quý báu., đã vượt qua bản thân và tích cực hoạt động. Tiếp tục duy trì hoạt động và đóng góp của các đồng đẳng viên và các CLB.

3. Giai đoạn AIDS: Hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, không còn khả năng chống đỡ lại bệnh tật nữa. Xuất hiện các biểu hiện sau: sốt kéo dài, sút cân nhiều, lở loét ngoài da, đau rát miệng, ho kéo dài, viêm phổi, phụ nữ có thể mắc những bệnh như: lậu, nấm âm đạo...

 Xin hỏi anh Kiên và chị Huệ, nếu anh chị làm Bộ trưởng Bộ Y tế, các anh chị sẽ đưa ra những chính sách gì để những người có HIV sống tốt hơn, có thể giúp nhiều hơn cho cộng đồng và những người có HIV khác?(Minh, 27 tuổi, Hải Phòng)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 10
Phạm Thị Huệ

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Tôi sẽ tập trung vào vấn đề việc làm của người nhiễm và những người ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ quan tâm tới vấn đề chống kỳ thị và phân biệt đối xử với những đứa trẻ nhiễm HIV và con của người nhiễm tại trường học. Bởi, trẻ con vô tội và bị nhiễm HIV là điều không ai muốn.

Chị Phạm Thị Huệ: (cười) Đây quả là một câu hỏi khó. Nếu đặt mình vào địa vị đó, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cung cấp thêm nhiều trang thiết bị và nâng cao trình độ của các y tá, hộ lý, bác sĩ trong việc điều trị cho người nhiễm HIV.

Đồng thời, chú trọng hơn nữa việc phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống phân biệt kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV.

Gửi tới chị Huệ và anh Kiên! Tôi cũng là 1 người có H hiện tại đang sinh sống tại TP Thanh Hoá và đã gặp anh Kiên tại nhà của anh 42 yết kiêu. Có lẽ anh sẽ không nhớ tôi.

Tôi có câu hỏi là điều gì đã làm anh thành công ngày hôm nay? Trên mọi lĩnh vực như nghề nghiệp? Tình yêu? Động lực nào giúp anh điều đó.

Bản thân tôi cũng được một số người nói rằng sống có một chút bản lĩnh, nhưng tôi lại thấy mình chưa làm được như mọi người nói. Hiện tại theo anh những người có H như chúng ta liệu sẽ sống có còn mang mặc cảm tội lỗi nữa hay không? làm sao để thoát khỏi cảnh dằn vặt lương tâm? Phạm Đình Giáp, Thanh Hóa, Email: congtu_dangyeu259@yahoo.com

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 11
Nguyễn Trọng Kiên:

.Anh Nguyễn Trọng Kiên: Tôi đã nỗ lực lao động. Tôi nhận được sự cổ vũ to lớn về tinh thần của bố mẹ, của vợ và bạn bè tôi. Trong xã hội vẫn còn nhiều người tốt. Đó là động lực giúp tôi rất nhiều để tôi có được ngày hôm nay.

Hiện tại, nhiều người có HIV đang tự cô lập mình với cộng đồng. Hãy sống có niềm tin và nỗ lực lao động, thành công sẽ đến.

Nếu bạn muốn chia sẻ tâm tư, mời bạn đến nhà tôi bất cứ lúc nào tại địa chỉ: 42 Yết Kiêu, Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Số điện thoại di động : 0912641617. Điện thoại cố định: 04 822 0064.

Chị Phạm Thị Huệ: Theo Huệ, chúng ta cần có niềm tin trong cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi chúng ta có niềm tin, chúng ta sẽ có một lối thoát dễ dàng hơn, khi đó sẽ không còn có mặc cảm tội lỗi nữa. Chúc anh có một cuộc sống tốt, vui vẻ, khỏe mạnh. Rất mong anh sẽ tham gia vào cuông cuộc đẩy lùi đại dịch AIDS.

Nếu xét nghiệm thấy HIV dương tính, uống thuốc hơn một năm, thấy người khoẻ lại, ăn uống bình thường, xong bỏ thuốc, không uống nữa vì thấy người nóng, khó chịu, bỏ thuốc ra dễ chịu hơn, vậy có sao không chị? Bao lâu nữa thì sẽ phát bệnh chết? Đây là tình trạng của em, gia đình em lo lắm. Chị khuyên gia đình em điều gì đi chị? (Phuong, 34 tuổi, HCM)

Chị Phạm Thị Huệ: Với trường hợp của chị, không nên tự tiện bỏ thuốc, mà cần phải có sự hỗ trợ của bác sĩ. Theo Huệ, chị cần duy trì uống thuốc đúng giờ, đúng phác đồ.

Bởi điều trị HIV không giống như điều trị các căn bệnh khác, nếu chị duy trì uống thuốc tốt, sẽ kéo dài được cuộc sống của chị. Nếu chị bỏ thuốc giữa chừng, có thể sẽ gây ra kháng thuốc và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây khó khăn trong việc điều trị sau này.

Thông qua đây, Huệ cũng muốn những người thân của chị Phương nên hỗ trợ động viên về tinh thần, và đặc biệt nên cho chị ăn các đồ mát trong thời gian uống thuốc và trị bệnh.

Việc tư vấn uống thuốc là vô cùng quan trọng, không thể nói rõ ra ở đây vì quá dài, chị có thể liên lạc trực tiếp với Huệ qua số điện thoại: 0912969365, hay cố định (031) 746831, hoặc email: anhhungchaua@yahoo.com.

Ở Mỹ,  những năm gần đây có gia tăng số lượng người nhiễm HIV/AIDS không? Nguyên nhân, giải pháp?

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 12
Ông Mitchell Wolfe

Ông Mitchell Wolfe: Trong nhiều năm qua ở Mỹ, số người nhiễm HIV mới hàng năm giảm xuống, nhưng tổng số người nhiễm HIV tăng lên bởi vì càng ngày càng có nhiều người được tiếp cận các dịch vụ  chăm sóc và điều trị tốt hơn, nên những người nhiễm HIV sẽ sống lâu hơn. Việt Nam cũng có thể giống như vậy trong những năm tới. Vì thế , việc quan trọng là nghiên cứu và phát hiện được số người nhiễm HIV mới hàng năm.

 Tôi muốn hỏi ông Lê Nhân Tuấn, GĐ TTPC HIV/AIDS Hà Nôi.

1. Theo tôi biết các chương trình phòng chống HIV/AIDS chưa tiếp cận được nhiều đến đối tượng là người Đồng Tính Luyến Ái. Những phân biệt đối xử và bêu xấu đã làm họ xa lánh và trốn tránh xã hội?

2. Theo ông, Việt Nam có nên công nhận xu hướng tình dục đồng giới, thông qua luật chống phân biệt đối xử với người ĐTLA để họ có thể sống thật với mình và tham gia vào việc bảo vệ họ cũng như ngăn chặn HIV/AIDS?(Hải, 32 tuổi, Hà Nội)

Ông Lê Nhân Tuấn: 1. Công tác nghiên cứu và triển khai phòng chống HIV/AIDS đối với nhóm tình dục đồng giới đã được ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mãi dâm quan tâm, thể hiện qua dự án của FHI về phòng chống HIV/AIDS đối với tình dục đồng giới nam, và đã được thực hiện từ năm 2004 tới nay. Trong đó có sự tham gia của CLB Hải Đăng (có địa chỉ ở quận Ba Đình, sinh hoạt hàng tuần vào tối thứ bẩy. CLB có rất đông thành viên tham dự, là tình dục đồng giới nam. Hoạt động của CLB có sự hỗ trợ động viên của UBND quận Ba Đình, trung tâm y tế Ba Đình và TT Phòng chống AIDS Hà Nội).

Các hoạt động trên đã tạo điều kiện cho những người tình dục đồng giới nam có điều kiện để bộc lộ mình, được thông tin trao đổi về các biện pháp tình dục an toàn, dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân mình và bạn tình (là nam giới). Vì vậy, hiện nay, sự hiểu biết, thông cảm, tôn trọng đối với những người tình dục đồng giới đã được thể hiện rất tốt, và chưa phát hiện có trường hợp nào thể hiện sự kì thị của cộng đồng.

2. Theo ý kiến bản thân tôi, xu hướng tình dục đồng giới là một vấn đề xã hội và cần công nhận đây là một thực tế và cần có sự định hướng dư luận để có thể hiểu, tôn trọng và thông cảm, hỗ trợ đối với những người tình dục đồng giới. Đây là yếu tố rất quan trọng để những người tình dục đồng giới có điều kiện bộc lộ mình, hòa nhập với cộng đồng và góp phần quan trọng trong việc phòng chống HIV/AIDS cho bản thân mình, cho bạn tình của mình và cho cộng đồng.

Thưa ông Trần Quốc Tuấn, đề tài Thạc sĩ mà ông bảo vệ tới ngày hôm nay đã phát huy được tác dụng và ảnh hưởng như thế nào trong việc điều trị cho bệnh nhân có HUV/AIDS(Lan Hồng, 35 tuổi, Bắc Ninh)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 13
Ông Trần Quốc Tuấn

Đề tài tôi bảo vệ năm 2002, giai đoạn mà chúng tôi tiến hành điều trị bằng pháp đồ thuốc trong đề tài của tôi ở Việt Nam nói chúng và Hà Nội nói riêng còn rất hạn chế về các thuốc kháng virus.

Hơn nữa, các pháp đồ điều trị cũng thường xuyên, liên tục được chuẩn hóa thông qua các nghiên cứu của các tác giả trên thế giới. Đặc  biệt , cuối năm 2003, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra phác đồ điệu trị kháng virus cho những nước nghèo nguồn lực.

Đề tài của tôi cũng đã được ứng dụng thực tế trong điều trị người nhiễm HIV, nó cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đó là sử dụng ít nhất 3 thuốc để điều trị cho người bệnh AIDS.

Hiện trong xã hội người ta vẫn còn tâm lý e sợ những người nhiễm HIV. Ở Ngân có tâm lý đó không và bạn đã vượt qua như thế nào để vẫn quyết định lấy Kiên? Văn Thảo (Cần Thơ).

Chị Nguyễn Thanh Ngân: Tôi nghĩ rằng, hành động của tôi đã trả lời cho câu hỏi của bạn. Một ánh mắt thân thiện, một trái tim yêu thương sẽ nói lên tất cả.

Chúng tôi đã đến với nhau và giờ đang rất hạnh phúc.

Tôi có thể liên hệ trực tiếp với Chị Phạm Thi Huệ - Anh Hùng châu Á 2004 bằng cách nào? Qua báo tôi được biết về Tổ chức CDC về phòng chống và hỗ trợ người HIV. Tôi quan tâm đến vấn đề này và muốn có thêm thông tin về tổ chức này để có thể liên lạc và hỏi thêm thông tin. Xin quý báo giúp đỡ. Trân trọng. Xin cám ơn.Tên: Lê Mỹ Phương, Email: lemyphuong@yahoo.com

Phạm Thị Huệ: Bạn có thể liên hệ với Huệ theo số điện thoại: 0912969365, (031) 746831 hoặc email: anhhungchaua2004@yahoo.com.

Ông Mitchell Wolfe: Bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ số 6 Ngọc Khánh, điện thoại: 831 45 80. Có thể tìm kiếm thêm thông tin về chúng tôi tại địa chỉ: www.cdc.gov hoặc vào http://vietnam.usembassy.gov , rồi vào mục PEPFAR

Tôi đã gặp chị trên ti vi! Tôi ấn tượng mãi về đoạn phim quay cảnh gia đình chị và tôi đã khóc...Gặp lại chị hôm nay, tôi cầu mong cho chị vượt qua được căn bệnh chị đang mang trong người. Chị đã là anh hùng trong suy nghĩ của tôi. Hãy vững tin đi chị nhé! Chúc chị và các thành viên trong nhóm Hoa Phượng Đỏ sẽ là niềm tin và chỗ dựa tinh thần cho những người đồng cảnh. Và chị hãy tin rằng, còn rất nhiều, rất nhiều những người như chúng tôi sẽ đồng cảm với chị, với những người như chị. Giờ này sức khoẻ của chị ra sao?(nguyễn thế khang, 30 tuổi, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 14
Chị Phạm Thị Huệ

Phạm Thi Huệ: Cảm ơn anh, sức khỏe hiện tại của em vẫn tốt. Khi tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giúp đỡ những người cùng cảnh, Huệ nhận được rất nhiều lời động viên, đây cũng chính là liều thuốc tốt nhất đối với một người như Huệ.

Huệ có được ngày hôm nay, vui tươi, khỏe mạnh và yêu đời là nhờ có những lời động viên đầy tình cảm như của anh và của những người đồng cảm. Một lần nữa, cảm ơn anh. Chúc anh cùng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Kiên và Ngân có dự định sinh con không? Nguyễn Hoà (gọi điện thoại từ Cao Bằng).

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Ai cũng khao khát một gia đình hạnh phúc với những đứa con xinh xắn. Với tôi, điều quan trọng là có đủ điều kiện nuôi dưỡng con cái trưởng thành hay không? Chúng tôi sẽ sinh con khi có cuộc sống ổn định.

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 15
Vợ chồng anh Kiên

Chị Nguyễn Thanh Ngân: Cuộc sống của những người có HIV rất khó khăn. Ngoài ra, ở nước ta chưa cho phép những người có HIV sinh con.

Anh Kiên là một người dũng cảm, và tôi cho là chị Ngân - vợ anh ấy cũng là một anh hùng. Hãy chia sẻ vơi chúng tôi cảm giác của chị khi trở thành một người "siêu vợ"!(Hai Lan, 30 tuổi, Ha Noi)

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Những việc làm của tôi rất bình thường và tôi không phải là anh hùng. Đám cưới của tôi và Ngân cũng diễn ra bình thường như bao đám cưới khác.

Chị Nguyễn Thanh Ngân: Trong suy nghĩ của tôi, anh Kiên là người bình thường như bao người khác. Việc tôi lấy anh Kiên, theo tôi, cũng rất tự nhiên. Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng.

Câu hỏi dành cho Thạc sĩ Lê Nhân Tuấn, Thạc sĩ Trần Quốc Tuấn: Hô hào nhiều rồi, xin hai ông cho biết cách phòng chống và ngăn chặn đại dịch AIDS một cách hữu hiệu nhất?(Đào Hoa, 30 tuổi, Hương Khê, Hà Tĩnh)

Th.S Lê Nhân Tuấn: Theo tôi, có 4 vấn đề:

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 16
Th.S Lê Nhân Tuấn:

Có thông tin , giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi. Biện pháp này đặc biệt quan trọng vì chỉ khi mỗi người có thông tin đầy đủ, có hiểu biết về HIV/AIDS, các biện pháp dự phòng lây nhiễm (là vấn đề sử dụng bơm kim tiêm sạch, dùng bao cao su...) thì sẽ làm chủ được hành vi của mình. và đó là biện pháp phòng chống HIV/AIDS cho bản thân 1 cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt là đối với tuổi vị thành niên, thành niên, đối với đối tượng sinh viên, các dân di biến động.

2. Biện pháp can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt là vấn đề sử dụng bao cao su và sử dụng các dụng cụ xuyên chích qua da an toàn (tiêm chích ma túy và các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội khác).

3. Chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người có liên quan với người nhiễm.

4. Chăm sóc, hỗ trợ, điều trị đối với người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Chú ý vấn đề tuân thủ điều trị y tế đối với người nhiễm.

ThS. Trần Quốc Tuấn: Bên cạnh những biện pháp như ông Lê Nhân Tuấn đã nêu, theo suy nghĩ của cá nhân tôi,  biện pháp để ngăn chặn AIDS có hiệu quả là bản thân mỗi người trong cộng đồng nhận thức được về đường lây nhiễm của HIV, biện pháp bảo vệ chính mình và bảo vệ cho cộng đồng không bị lây nhiễm HIV.Đó  là: sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục; sử dụng bơm kim tiêm sạch (với người đang nghiện, tiêm chích ma túy).

Còn với những người đã bị  nhiễm HIV, cần phải được tiếp cận với điều trị bằng các thuốc nhiễm trùng cơ hội, thuốc chống virus HIV.

Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của đa ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS, và có sự huy động tham gia của toan xã hội để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống

Điều gì Huệ thấy khó nhất khi làm việc cho dự án GIPA?(Vân, 26 tuổi, Hải Phòng)

Phạm Thị Huệ: (cười tươi) Chào Vân, bạn đồng nghiệp trong chương trình GIPA. Kinh nghiệm làm văn phòng, hạn chế về tiếng Anh là một chút trở ngại trong công việc hiện nay của mình. Vì trước đây, Huệ làm việc tự do mà.

Ở Việt Nam có khá nhiều nhóm đồng đẳng của những người nhiễm HIV/ AIDS. Họ hoạt động giúp đỡ lẫn nhau và tuyên truyền phòng chống nhiễm bệnh. Trung tâm của ông Mitchell Wolfe có kế hoạch cụ thể gì để hỗ trợ các nhóm này (Vân Doanh- Hải Phòng)?

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 17
Ông Mitchell Wolfe

Ông Mitchell Wolfe: PEPFAR trong đó có  đại sứ Mỹ tại Việt Nam  ủng hộ các nhóm này. Chúng tôi đã giúp đỡ và sẽ tiếp tục giúp đỡ.

Trả lời PV, tôi thấy ông nói rất chung chung, Mitchell Wolfe có thể cho chúng tôi biết một trường hợp cụ thể về người mắc AIDS hiện giờ tại Mỹ với người bệnh của cách đây 10 năm? Cám ơn ông nhiều.(Bạch Yến, 22 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa)

Ông Mitchell Wolfe: Magic Johnson là một cầu thủ bóng rổ rất nổi tiếng của Mỹ. Ông đã được chẩn đoán là có HIV dương tính hơn 10 năm trước và ông đã công khai tình trạng bệnh tật của mình. Sau khi công khai tình trạng bệnh tình của mình, ông ấy vẫn tiếp tục chơi bóng. Hiện ông  đã giải nghệ, vẫn sống khỏe và ... vẫn nổi tiếng.

Thưa thạc sĩ Lê Nhân Tuấn, trước đây tôi đã từng được một ân nhân cứu mạng cho máu, khiến tôi sống lại nhưng tôi lại mắc AIDS. Tôi nên căm thù, tha thứ hay phải xử sự thế nào trong trường hợp này. (Phú Thịnh, 40 tuổi, Hà Nội)

Ông Lê Nhân Tuấn: Tôi muốn ông cho biết rõ, máu của người cho đã được bệnh viện kiểm tra sàng lọc trước khi truyền không? (xét nghiệm HIV). Và được triển khai ở bệnh viện nào?

Theo kinh nghiệm của chị Huệ, người có H và AIDS hiện nay đa số là người nghèo, người có sử dụng ma tuý. Bởi mặc cảm, làm sao giúp họ chịu tham gia hoạt động phòng chống AIDS... Chị có kinh nghiệm gì trong việc thu hút người nhiễm HIV tham gia vào hoạt động?(Nguyen Thi Dung, 30t tuổi, 10/12 Vo Tuong Toan. Binh Thanh.TP.HCM)

Phạm Thị Huệ: Một lần nữa Huệ lại nhắc tới dự án GIPA, đây là một dự án khuyến khích, thúc đẩy những người nhiễm HIV cùng tham gia.

Muốn phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, bạn cần tham gia vào các nhóm hoạt động, thúc đẩy, tuyên truyền các kiến thức cũng như kinh nghiệm để xóa đi mặc cảm của chính bản thân mình.

Xin ông Mitchell Wolfe cho biết, hiện tại chương trình của ông đang gặp khó khăn gì hoặc có thiếu thốn gì, và theo ông, những người Việt Nam hải ngoại có thể giúp gì để phòng chống bệnh dịch HIV/AIDS tại Việt Nam? (Giang Thanh, 34 tuổi, Mỹ)

Ông Mitchell Wolfe: Những người Việt Nam ở hải ngoại có thể hỗ trợ tài chính, những hoạt động tình nguyện. Chẳng hạn, các hoạt động tình nguyện tại phòng khám, bệnh viện hoặc giúp những nhóm tự lực của những  người HIV , trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS...

Bố tôi chẳng may bị nhiễm HIV vì một tai nạn nghề nghiệp sau chuyến đi công tác. Đã 4 năm rồi, có lúc bố rất yếu, đi khám cũng được chỉ định mua thuốc điều trị, hiện nay sức khoẻ bình thường.

Câu hỏi của tôi là: Việc sinh hoạt hàng ngày (cùng ăn uống, sử dụng chung công trình vệ sinh, chơi với cháu nhỏ...) của bố với gia đình có ảnh hưởng gì trong việc lây nhiễm không? Cần chú ý biện pháp phòng ngừa gì? và Cách thức chăm sóc khi cụ ốm nặng, phát bệnh khác? Xin chân thành cảm ơn. (Trường Long, 31 tuổi, Hoài Đức- Hà Tây)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 18
Ông Trần Quốc Tuấn

Ông Trần Quốc Tuấn: Việc sinh hoạt hàng ngày (cùng ăn uống, sử dụng chung công trình vệ sinh, chơi với cháu nhỏ...) hoàn toàn không nguy hại và không có khả năng lây nhiễm.

Vấn đề cần chú ý là không được tiếp xúc với máu và những dịch tiết của bố (ví dụ: không dùng chung bàn chải răng, dao cạo râu...).

Khi tiến hành chăm sóc cho bố tại nhà, phải tuân thủ nguyên tắc: không được để máu và dịch của cơ thể tiếp xúc với da của người chăm sóc; phải xử lý các chất thải, dụng cụ chăm sóc theo đúng nguyên tắc phòng chống nhiễm khuẩn.

Hiện tôi muốn có thuốc điều trị miễn phí thì phải làm gì? (nguoi co H, 30 tuổi, Hanoi)

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Hiện tại, dự án toàn cầu về HIV/AIDS tại Việt Nam đã có thuốc ARV triển khai tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Tôi là thành viên trong ban thư ký của CCM - một chương trình về HIV/AIDS tại Việt Nam. Bạn có thể tìm đến những cơ sở y tế của địa phương để liên hệ.

Anh Kiên thân mến, lần đầu tiên tôi biết đến anh là khi có bài báo giới thiệu về anh. Tôi thật sự khâm phục ý chí và bản lĩnh của Anh. Tôi luôn kể với các cháu về sự vươn lên khó khăn của Anh. Anh cho tôi hỏi một câu: Trong anh đã có cuộc đấu tranh như thế nào khi tuyên bố trước ánh sáng: Tôi bị HIV. Và lời cuối tôi muốn anh và tất cả những người nhiễm HIV ở VN và thế giới biết rằng chúng tôi luôn ở bên anh. (Lê Minh, 27 tuổi, Kim Đồng , Hà Nội)

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 19

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Cũng giống như nhiều bệnh nhân khác, lúc đầu tôi không muốn công khai tình trạng bệnh tật của mình. 12 năm nhiễm HIV, tôi đã quá hiểu thế nào là sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho tôi. Ngay cả bố mẹ tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì tôi bị nhiễm HIV. Trong tâm thức của nhiều người, tôi không tồn tại. Tôi muốn thay đổi cuộc sống, hình ảnh của mình trong con mắt của mọi người.

Tôi đã bỏ được ma túy sau 7 năm dính đến nó. Tôi đã sáng tác được gần 1.000 bức tranh, chủ yếu về HIV. Tôi đã nỗ lực. Tôi đã đấu tranh. Vậy tại sao tôi không dám công khai mình có H để mọi người hiểu hơn về tôi và những người như tôi. Và tôi đã lên tiếng vào ngày 27/11/2004 tại triển lãm tranh đầu tiên của tôi ở 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Rất cảm ơn bạn về câu hỏi và những lời động viên. Chúc bạn và gia đình sức khỏe.

Chị Nguyễn Thanh Ngân: Lúc anh Kiên công khai mình có HIV, tôi cũng có mặt và chứng kiến tất cả. Tôi không được anh Kiên thông báo trước về quyết định đó nhưng tôi cảm thấy rất khâm phục anh. Anh đã vượt qua mặc cảm của bản thân - điều mà không phải ai cũng làm được - để tiếp tục sống có ý nghĩa. Tôi đã tặng anh bó hoa loa kèn (loài hoa nở vào tháng tư - tháng có ngày sinh nhật của anh).

Anh Nguyễn Trọng Kiên: Đây là một bí mật mà đến bây giờ tôi mới được biết (cười).

 Anh Kiên, chị Ngân ơi bọn em rất khâm phục anh chị. Mối tình của anh chị thế nào ? Vì sao biết anh kiên bị HIV mà chị vẫn yêu và lấy. Quả là 1 tình yêu vĩ đại trong cuộc đời này (Ngân Hà, 22 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Trọng Kiên và Nguyễn Thanh Ngân: Trong tình yêu, mọi thứ đều vĩ đại.

Trong tình yêu, mọi thứ đều vĩ đại - Xin được lấy câu nói này của cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Trọng Kiên và Nguyễn Thanh Ngân để kết thúc cuộc trực tuyến của chúng tôi.

(Số lượng câu hỏi mà bạn đọc gửi đến chưa được trả lời còn rất nhiều. Các khách mời của TPO sẽ tiếp tục trả lời trong thời gian tới).

Quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng chống AIDS

>> Thăm những người “sống chung” với HIV/AIDS

HIV/AIDS: Đối thoại với người trong cuộc ảnh 20
Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam thăm hỏi và trao quà cho chị Trương Thị Hồng Ngọc tại BV Đống Đa, Hà Nội (chị Ngọc đồng ý cho đưa tên và hình ảnh của mình).
Ra đời từ năm 1996, thoạt tiên là một quỹ của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau được giao cho báo Tiền phong. Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ  các tập thể, cá nhân đã và đang tích cực hoạt động phòng chống AIDS; những người nhiễm HIV/AIDS đang vượt lên khó khăn, hòa nhập cộng đồng, tích cực chữa bệnh, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nguồn kinh phí của Quỹ là của báo Tiền phong và sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và những người hảo tâm.

Do những kết quả tích cực trong hoạt động, năm 2000, Quỹ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

MỚI - NÓNG