Hồ Chí Minh với “Nhân tài và kiến quốc”

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
TP - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với Tiền Phong về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài.

Ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, ngay kỳ họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời (3/9/1945), trong thành phần Chính phủ, Bác đã rất coi trọng nhiều nhân vật trí tuệ, nhiều người thuộc các tầng lớp trí thức đã tham gia. Trong cuộc họp ấy, lần đầu tiên Bác đã nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. 

Chúng ta phải giáo dục lại cả một dân tộc để xứng đáng là một dân tộc dũng cảm và văn minh. Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay từ giai đoạn đầu, Bác đã rất chú ý đi tìm nhân tài. Bác cũng viết một loạt bài trên Báo Cứu quốc như “Nhân tài và kiến quốc”, hay “Tìm người tài đức” - bài viết ngắn gọn nhưng thể hiện tư tưởng đó rất rõ.

Trong nhận thức là như thế, còn trên hành động, Bác rất coi trọng người có trí tuệ, học vấn. Điển hình những năm 1945 – 1946 đã có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham gia vào chính quyền, như cụ Huỳnh Thúc Kháng – một nhà yêu nước nổi tiếng, hay Luật sư Phan Anh, cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên…

 Trong chuyến thăm Pháp sau đó, Bác cũng mời được nhiều trí thức yêu nước về tham gia kháng chiến kiến quốc… Nhiều người không phải Cộng sản nhưng gánh vác chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, như cụ Nghiêm Xuân Yêm – nguyên Đảng Dân chủ, rồi cụ Nguyễn Xiển bên Đảng Xã hội… Điều đó cho thấy tư tưởng của Bác được thể hiện trên hành động thực tế chứ không chỉ ở lời nói.

“Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử của Đảng, tôi thấy đóng góp của đội ngũ trí thức cả ở trước và sau cách mạng rất lớn. Họ luôn đi đến cùng với cách mạng. Từ khi có nhà nước rồi, đội ngũ trí thức cũng tham gia tích cực, đóng góp lớn với 2 cuộc kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, họ cũng đóng góp rất lớn theo tấm gương và tinh thần Hồ Chí Minh”, ông Phúc nhìn nhận.

Gần đây nhất chúng ta đã có hẳn một Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức, được thực hiện công phu với một quan điểm rõ ràng để động viên cao nhất sức đóng góp của lực lượng trí thức. Đại hội Đảng tới đây chúng ta cũng phải chọn được người có trình độ, trí tuệ, được đào tạo cơ bản.

“Tôi nhìn số cán bộ được quy hoạch vào Trung ương, vào các cấp ủy thì thấy phần lớn tốt nghiệp đại học. Có được đội ngũ trí thức ấy tham gia, đóng góp tối đa cho sự nghiệp phát triển đất nước sẽ rất quý. Nhưng tôi cũng phải lưu ý, bản thân người trí thức phải tâm huyết, mang trí tuệ tài năng đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển đất nước sắp tới”, ông Phúc nói và lưu ý đến bốn điểm quan trọng nhất của người cán bộ là phải có bản lĩnh, lý tưởng; có trí tuệ, tầm học vấn cao; có năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực tiễn và thứ tư là phải có đạo đức. “Nếu một người lãnh đạo có được bốn tư chất đó thì chúng ta có thể yên tâm xây dựng và phát triển đất nước”, ông Phúc nhìn nhận.

MỚI - NÓNG