Hóa giải hận thù ở vùng thảm sát

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, người bước ra từ cuộc thảm sát bên đài tưởng niệm thôn Thủy Bồ (Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) Ảnh: Thanh Trần
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, người bước ra từ cuộc thảm sát bên đài tưởng niệm thôn Thủy Bồ (Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) Ảnh: Thanh Trần
TP - Không chỉ với Mỹ Lai (Quảng Ngãi), mà dải đất miền Trung còn có hàng chục địa danh gắn liền với những vụ thảm sát kinh hoàng của quân đội viễn chinh xâm lược. Bốn mươi năm kể từ ngày đất nước liền một dải, những mảnh đất ấy dần hồi sinh với nụ cười tươi tắn bao dung…

Hai mẹ con trên tượng đài 

Giữa cánh đồng lúa ở thôn Thủy Bồ (nay là thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có một đài tưởng niệm vụ lính Mỹ thảm sát 145 người dân vô tội vào buổi trưa 21 tháng Chạp âm lịch năm 1967. Trên đỉnh đài là cảnh một đứa trẻ đang nằm bú trên xác mẹ. Đứa trẻ ấy chính là Nguyễn Quốc Tuấn, nay đã là người đàn ông 48 tuổi. Đứng nhìn lên tượng đài, ông Tuấn trầm ngâm: “Ngày ấy tôi mới 9 tháng tuổi. Tôi còn đứa em sinh đôi, lúc giặc tràn vào vẫn còn nằm trong vòng tay của mẹ, sau đó bị thất lạc”.

“Nhắc đến lịch sử đau thương không phải để gieo rắc những hận thù, mà dạy cho con cháu trưởng thành, sống mạnh mẽ, biết yêu thương, đoàn kết và sẵn sàng khi Tổ quốc cần”.

 ông Lân nói

Trưa hôm ấy, lính Sư đoàn E54 thủy quân lục chiến đánh bộ Mỹ kéo vào thôn Thủy Bồ, thẳng tay bắn giết bà con trong thôn, đa số là phụ nữ và trẻ em cùng hàng chục người dân hai xã Điện Văn, Điện Phước. Những mái tranh lúp xúp cũng bị chúng đốt sạch, chỉ một số người trốn dưới hầm may mắn sống sót. Đêm ấy, Thủy Bồ phải mượn người thôn khác sang khiêng xác ra đồng chôn cất. Ông Lê Công Chính - nguyên Bí thư Đảng bộ thôn Thủy Bồ, nói: “Chỉ trong chớp nhoáng chúng đã lấy đi mạng sống của 145 người. Có nhà chết ba bốn người, có nhà chết hết”. 

Cuốn lịch sử Đảng bộ thôn Châu Thủy, viết: “Khi bà mẹ Nguyễn Thị Tới bị bắn chết, em bé sống sót vẫn còn ôm vú mẹ... Em bé ấy là Nguyễn Quốc Tuấn, chưa tròn một tuổi”.

Bà Trương Thị Kha (72 tuổi), nhân viên y tế thôn Thủy Bồ lúc bấy giờ, người trực tiếp cấp cứu cho những nạn nhân may mắn sống sót, nhớ lại: “Giữa ngổn ngang xác người, tôi thấy phía góc nhà có một đứa bé nằm im trong vòng tay người mẹ đã chết, sau đó bò lên bụng tìm vú bú ngon lành. Có lẽ nó thoát khỏi lưỡi lê họng súng là nhờ không khóc, địch tưởng đã chết rồi nên bỏ đi”.

Năm 1979, đài tưởng niệm 145 nạn nhân trong vụ thảm sát được dựng lên trên cánh đồng lúa của thôn. Với anh Tuấn, đó là tượng đài về người mẹ trong lòng anh, dù không thể hình dung ra nét mặt, nụ cười của mẹ nhưng được ngắm nhìn hình ảnh đi vào lịch sử ấy là niềm an ủi.

Hóa giải hận thù ở vùng thảm sát ảnh 1

Anh Tuấn và mẹ nuôi Huỳnh Thị Cẩm. Ảnh: Thanh Trần

Sau vụ thảm sát, cậu bé Tuấn được cô Huỳnh Thị Cẩm, lúc ấy 30 tuổi, người cùng xã đưa về Hội An nuôi. Suốt mấy chục năm nuôi Tuấn, bà Cẩm chưa hề nghĩ tới chuyện lấy chồng. Anh Tuấn bây giờ có một gia đình ấm êm với mẹ già, vợ hiền, con ngoan, và hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Cẩm. Anh Tuấn đặt tên 3 đứa con là Công, Đức, Hạnh, để nhắc nhở mình sống cho vẹn toàn.

“Đau thì còn đau, nhưng cứ hận thù mãi cũng chẳng được gì. Tôi cố gắng sống thật tốt, để sự hy sinh của mẹ tôi và những người dân khác không vô nghĩa và để đền đáp tấm lòng của những người cưu mang mình”, anh nói.

Ngót nửa thế kỷ qua, anh sống trong tâm thế của một chứng nhân lịch sử, chia sẻ câu chuyện sống sót kì diệu của mình trong những dịp nói chuyện, gặp gỡ cựu binh, học sinh, các đoàn khách trong và ngoài nước.

Con đường nhựa ngăn đôi cánh đồng lúa thôn Châu Thủy bây giờ, một bên là nghĩa trang, một bên là đài tưởng niệm. Giữa nhấp nhô bia mộ đen vàng, lúa đã mướt xanh. Bà Phạm Thị Thu Sương, Phó chủ tịch UBND xã Điện Thọ, cho biết: “Tuy đau thương, nhưng từ ngày giải phóng đến nay thôn Châu Thủy vẫn vực dậy và phát triển không ngừng. Xã hiện có hai trường tiểu học đạt chuẩn cấp độ 2; điện, đường, trường, trạm đầy đủ, và chỉ còn 3%  hộ nghèo”. Thủy Bồ, giờ nỗi đau đã dịu dần trong từng làn khói ấm áp chui ra từ mái bếp…

Bỏ lại hận thù

Giáp Tết Bính Ngọ 1966, tại xã Bình An (nay là xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định), lính đánh thuê Nam Hàn bất ngờ ập đến tàn sát người dân vô tội. Sách Truyền thống Cách mạng xã Tây Vinh 1930 - 2000, ghi lại: Ngày 12/2/1966, lính Nam Hàn dùng máy bay và xe tăng đổ quân vào Bình An giết chết một lúc 64 đồng bào, bắn bị thương 42 người. Liên tiếp các ngày 25, 26, 27/3/1966, chúng lại đánh vào Bình An, đốt gần 1.000 nóc nhà, giết hại 300 người dân vô tội. Ngày 7/4/ 1966 chúng gây ra vụ thảm sát Bình An lần thứ 3 giết chết một lúc 124 người…

Hóa giải hận thù ở vùng thảm sát ảnh 2

Những đứa trẻ lớn lên với ngôi trường do Mike xây dựng. Ảnh: Nguyễn Trang

Ông Nguyễn Tấn Lân vẫn không quên rạng sáng ngày 12/2/1966, ông cùng mẹ và em gái vội chạy xuống hầm trú ẩn khi nghe súng nổ ran trời. Khắp nơi vang tiếng kêu khóc của của đàn bà, trẻ nhỏ. Đến chiều, tiếng nổ gần về phía cuối thôn, lính địch  lục soát khắp các căn hầm và nhà có người còn sống. Cả nhà ông Lân bị lôi ra khỏi hầm. Khoảng 20 gia đình, phần lớn là người già, đàn bà và trẻ em bị ép ngồi dồn lại trên khoảnh ruộng cạn trước xóm An Khánh (thôn An Vinh, xã Bình An). Đám lính đánh thuê ngồi xung quanh, chĩa mũi súng vào đoàn người.

Đến khoảng 17 giờ, sau tiếng hô lớn của tên cầm đầu, hàng trăm mũi súng lớn nhỏ tập trung bắn vào đoàn người. “Tôi nằm bẹp xuống giữa đám người. Thấy có vật gì lấn cấn dưới chân, ngoảnh lại nhìn, đó là quả lựu đạn chuẩn bị phát nổ, nên tôi luýnh quýnh chạy. Được vài bước thì nằm lịm đi. Một lát sau mở mắt chỉ thấy máu lênh láng, xác người nằm chồng lên nhau”, ông Lân nhớ lại.

Được người làng dìu về nhà ông chú ruột, thấy mẹ và em gái nằm đó. Mẹ thì bị gãy nát hai chân, nằm im. Em gái bị thương ở đầu, liên tục kêu la rên khóc. Đến 12 giờ đêm thì đứa em gái đuối dần và tắt thở. Người làng dùng chiếc chiếu quấn quanh rồi khiêng đi. Bên cạnh, người mẹ cũng đã tắt thở tự lúc nào. Ông được hàng xóm cưu mang, đùm bọc, chỉ có vết thương trong lòng mãi không nguôi khi sau đó nhận tiếp tin dữ là ba và anh trai hy sinh trong kháng chiến.

Năm 1971, ông Lân xin vào bộ đội huyện, đến ngày giải phóng thì phục viên về địa phương lấy vợ, sinh con. Suốt 24 năm ông làm phó chủ tịch, chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã với mong muốn xây dựng lại quê hương sau những tháng ngày đau thương. Ông đặt tên con lần lượt Lịch, Sử, Hoàn (ý định là Lịch – Sử - Hoàn – Thành) bởi khát khao không còn nghe tiếng súng đạn tang tóc. Ba người con giờ đã trưởng thành, ổn định công việc. Hai trong số đó đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Nhắc đến lịch sử đau thương không phải để gieo rắc những hận thù, mà dạy cho con cháu trưởng thành, sống mạnh mẽ, biết yêu thương, đoàn kết và sẵn sàng khi Tổ quốc cần”, - ông Lân nói.

Trong chiến tranh, sau một trận càn của địch trên núi ở Mỹ Tài (Phù Mỹ), ông bắt gặp trong một ngôi nhà có cậu bé 3 tuổi Võ Hân miệng còn ngậm vú xác người mẹ đã tắt thở từ lâu. Ông  cõng đưa cậu bé về tận nhà, chăm sóc khoảng nửa tháng rồi tìm về làng giao lại cho người thân. Cậu bé Hân khi trưởng thành cất công tìm người mà mình đã mang ơn từ tấm bé nhưng bất thành. 35 năm sau, khi ông Lân tìm về ngôi nhà cũ – nơi trả cậu về thì hai người hội ngộ. Hai người chỉ biết ôm nhau khóc. Cậu bé Hân ngày ấy giờ đã 52 tuổi gia thất đàng hoàng, nhưng vẫn gọi ông Lân là bố nuôi.

Những mầm non ở “vùng đất chết”

Vào một ngày năm 1992, cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm quay lại làng Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cùng với tiếng đàn vĩ cầm. Cả thế giới không quên nơi này, ngày 16/3/1968 lính Mỹ đã gây ra vụ thảm sát tàn bạo giết hại 504 người dân vô tội. 

Hóa giải hận thù ở vùng thảm sát ảnh 3

Anh Tuấn chỉ tên mẹ mình trong tấm bia ghi danh những người dân trong vụ thảm sát thủy Bồ năm 1967. Ảnh: Thanh Trần

Ông Võ Văn Đại - Phó chủ tịch xã Tịnh Khê, cho biết: “Ông Mike quay lại và cùng chung tay vì những trẻ em vùng đất này. Ông cùng tổ chức Madison Quakers đã xây dựng nhiều công trình tại xã”. Trong đó có trường tiểu học số 1 Tịnh Khê được ông đầu tư xây dựng, tên tiếng Anh ban đầu ông đặt là “My Lai Grammar School”.

Thầy Phan Văn Đỗ, người luôn theo sát và phiên dịch cho ông Mike, nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi gặp ông Mike là năm 1994, ông Mike trải lòng rằng ông muốn về Việt Nam gắn kết những thế hệ mầm non tương lai sau chiến tranh”. Đến năm 2001, Mike cùng tổ chức Madison Quakers tài trợ toàn bộ kinh phí xây trường. Trường xây gần 3 đợt mới xong trên diện tích hơn 9.000m2. Mãi đến 2009 thì hoàn chỉnh 3 khu trường, 2 dãy học và 1 khu hiệu bộ. “Ông Mike bảo sau chiến tranh nhiều người Mỹ khác đã không làm như ông, nhưng bản thân ông muốn có một cái gì đó cụ thể bằng công trình,…đến với người dân nơi đây”- thầy Đỗ nói.

Cô Nguyễn Thị Phượng - Phó hiệu trưởng trường, cho biết “Trường có 762 học sinh, hầu hết cha mẹ các em đều làm nông, trường có đến 50 em khó khăn. Các em học tại ngôi trường này không chỉ hiểu biết chữ nghĩa mà còn hiểu sâu sắc hơn về quá khứ và hiểu được ý nghĩa là ông Mike mang đến. Từ năm học 2012-2013, ông Mike cùng tổ chức của mình đã tài trợ mỗi năm 25 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho trẻ em nghèo vượt khó. Riêng năm học 2014-2015, ông dành tặng 54 suất quà cho trẻ em xã trong đó trường là 33 suất”.

Phó chủ tịch xã Võ Văn Đại cho biết: “Ông Mike xây dựng Công viên hòa bình cho trẻ em Tịnh Khê, xây dựng phòng khám đa khoa khu vực Mỹ Lai với 20 phòng khám, chữa bệnh cho những đồng bào vùng đất Sơn Mỹ này. Ngoài ra, những học sinh Mỹ vẫn về với xã để xây dựng những công trình. Năm 2009, một nhóm sinh viên Mỹ đã về chỉnh trang lại trường mầm non ở thôn Cổ Lũy và xây dựng thêm 1 phòng học”.

Tiếng đàn vĩ cầm ở Roy Mike Boehm còn vang mãi ở vùng đất Tịnh Khê, và người dân nơi đây quyết tâm hồi sinh quê hương mình. 47 năm đã qua, Tịnh Khê nay trực thuộc thành phố Quảng Ngãi với 14.000 dân, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,09%, bình quân thu nhập đạt 23 triệu đồng/người. Xã phấn đấu hết năm 2015 về đích Nông thôn mới.

MỚI - NÓNG