Hòa hợp để tạo sức mạnh đại đoàn kết

Kiều bào tham quan Hoành thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Vĩnh
Kiều bào tham quan Hoành thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Chúng tôi chỉ mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về. Tổ quốc, đất mẹ luôn luôn sẵn sàng mời tất cả những người con về nhìn lại làng, xã của mình để thấy sự phát triển như thế nào”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với báo chí nhân 40 năm ngày thống nhất đất nước.

Ông Nhân nói: Ngày 30/4/1975 là ngày hết sức đặc biệt, đối với tôi nó như một giấc mơ. Tôi sinh ở miền Nam, năm 1954 tập kết ra Bắc và đến năm 1964, cha mẹ trở lại miền Nam chống Mỹ. Từ đó, tôi không biết cha mẹ mình còn sống không. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến đấu này còn kéo dài. Năm 1970 tôi đi bộ đội và không nghĩ rằng đời mình sẽ đánh giặc xong, có khi đến đời con mình phải đánh giặc tiếp. Đến 30/4/1975, khi nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã òa khóc. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là thế hệ của mình không phải đánh nhau nữa rồi dù tôi đang là một người lính. 

Thứ hai là, tôi mong sớm được biết tin cha mẹ mình còn sống hay không. Bởi trong chiến tranh thì không có thư từ gì. Tôi cũng rất muốn về miền Nam để biết ông bà. Tôi không biết mặt ông bà vì đi tập kết từ lúc 1 tuổi. Quê ở miền Nam nhưng không có khái niệm về quê của mình. Ở miền Bắc thì được đồng bào nuôi, lớn lên trưởng thành. Ngày thống nhất với tôi giống như trong bài hát “vui sao, nước mắt lại trào”.

Không được để lạc hậu về trí tuệ

 Với tư cách là người đứng đầu MTTQ, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 trong bối cảnh hiện nay?

Chiến thắng năm 1975 là cuộc chiến thắng của ai với ai? Đây chính là bài học lịch sử.  Đây là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đánh lại một đế quốc hiện đại bậc nhất thế giới giữa thế kỷ XX. Chính sự vượt trội về trí tuệ của Đảng, của Bác Hồ cộng với truyền thống của mình, dân tộc Việt Nam mới có được sức mạnh để giải phóng đất nước. Do đó, bài học đầu tiên là một nước có thể yếu kém về vật chất nhưng không được để lạc hậu về trí tuệ.

Bài học thứ hai là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 1960 trong khi cuộc kháng chiến hết sức gay cấn, Bác Hồ đã dạy: “Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà nhân dân Việt Nam trong bao thế kỷ đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm nên Cách mạng Tháng 8 thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết mà Việt Nam chúng ta nhất định thống nhất”. Điều đó nói lên rằng, tuy là nghèo khó nhưng khi đại đoàn kết thì sức mạnh lớn lên nhiều.

Bài học thứ ba là bài học về sức mạnh thời đại. Bởi nếu chúng ta chỉ bằng sức lực của riêng mình thì không đánh đuổi được thực dân, đế quốc. Chúng ta đã sử dụng sức mạnh của thời đại, đó là sự giúp đỡ của các nước Đông Âu, của Liên Xô (trước đây)… Không có họ làm sao chúng ta có xe tải, có xe tăng, có máy bay mà đánh Mỹ.

Bây giờ, trong thời kỳ kinh tế thị trường, sức mạnh thời đại đó là khả năng, là các cơ hội toàn cầu hóa. Nếu chúng ta ký xong các hiệp định thương mại với các nước EU, Liên minh thuế quan… thì có thể tiếp cận với thị trường thế giới rộng lớn. Đây là một thời cơ rất đặc biệt mở ra cho một đất nước dù có xuất phát điểm thấp vẫn có thể vươn nhanh lên được.

Hòa hợp là sức mạnh

40 năm đã trôi qua nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài giữ thái độ hận thù Bắc - Nam. Với tư cách là Chủ tịch MTTQ Việt Nam, theo ông cả hai bên cần làm gì để xóa bỏ khoảng cách này tạo nên khối đại đoàn kết?

Hòa hợp để tạo sức mạnh đại đoàn kết ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Việc một nước có chiến tranh, chia hai phe trong một đất nước là điều không mong muốn và cũng gây khổ đau rất nhiều. Nhưng đó là thực tế lịch sử. Chúng tôi nhớ lại một câu nói rất hay của Bác Hồ năm 1946 lúc vừa giành lại đất nước sau Cách mạng tháng 8: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp ở đôi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn  kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Tôi nghĩ rằng, cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác luôn thấm đậm trong lòng người dân Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam, nhân dân cả nước cho dù có những lúc đứng đối diện với nhau, có khi chĩa súng vào nhau, cho dù mỗi bên đều mất mát người thân của mình, nhưng nhớ lời Bác dạy, đều là một gốc cả và đều có lòng yêu nước. Chúng ta không ai được gặp trực tiếp vua Hùng, nhưng 4.000 năm sau đều về giỗ tổ thì những người Việt Nam xa đất nước 40 năm tôi tin rằng tình yêu quê hương còn cháy bỏng lắm. Quê hương đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã thấm vào máu thịt rồi.

Chúng tôi chỉ mong tất cả các đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về. Tổ quốc, đất Mẹ luôn luôn sẵn sàng mời tất cả những người con đó về nhìn lại làng, xã của mình để thấy sự phát triển như thế nào. Gặp lại họ hàng thân thích của mình thấy nó không còn như xưa, họ cũng có đời sống phát triển hết rồi. Có những di tích lịch sử đồng bào miền Nam không biết thì bây giờ hãy về với đất Mẹ, đất Tổ. Chúng tôi thấy có nhiều trường hợp trở về hiểu được nhau, hiểu được thực tiễn rồi có khi không cần nói tự nhiên mỗi người đều mong muốn hãy làm gì đó, hãy bỏ viên gạch xây nhà cho quê hương, hãy trồng một cái cây cho quê hương mình thêm xanh, hãy góp một sáng kiến cho đất nước này mạnh thêm. Chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ để chúng ta tạo sự đồng thuận cao nhất với đồng bào ta ở nước ngoài xây dựng đất nước.

MỚI - NÓNG