Hoàn thành cơ sở dữ liệu cho hơn 7,5 triệu dân

Công an Hà Nội lấy dấu vân tay người đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân Ảnh: TTXVN
Công an Hà Nội lấy dấu vân tay người đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân Ảnh: TTXVN
TP - Trong hơn 1 năm, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân và hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng.

Mới đây, tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, một trong những kết quả nổi bật Hà Nội đạt được sau 1 năm là tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Theo ông Chung, những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên mạng internet như đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. “Thành phố tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công tận nơi, không mất công đi lại”, ông Chung chia sẻ.

Lãnh đạo UBND Thành phố cũng nhấn mạnh, trên cơ sở rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, sau 1 năm, Hà Nội đã cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40-60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...

Theo báo cáo về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của thành phố được triển khai đồng bộ, hiện đại theo hướng thuê dịch vụ CNTT.

Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Đến nay 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành.

Hiện nay, thành phố cũng đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, 584 xã, phường. Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính.

Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công đạt kết quả cao là lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện (trên 90%), đăng ký kinh doanh trên 70%, thuế 97%, hải quan 100%, bảo hiểm xã hội trên 80%, hộ chiếu phổ thông trên 80%, thông tin và truyền thông 90%.

Trong năm 2017, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai các ứng dụng hình thành nền tảng cơ bản cho thành phố thông minh như thí điểm triển khai ứng dụng giao thông thông minh; hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên cổng giao tiếp điện tử thành phố.

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2017,  Hà Nội sẽ hoàn thành ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực khác.

MỚI - NÓNG