Hoàn thành nhiệm vụ lớn

Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân đến xe cứu thương (ảnh lớn). Cửa hầm được niêm phong sau khi hoàn thành việc giải cứu (ảnh nhỏ).
Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân đến xe cứu thương (ảnh lớn). Cửa hầm được niêm phong sau khi hoàn thành việc giải cứu (ảnh nhỏ).
TP - Chiều 19/12, lực lượng cứu hộ cứu được 12 nạn nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) sau 4 ngày nỗ lực không mệt mỏi.

Thấy ánh sáng rồi!

Lúc 16h chiều 19/12, trong khi lực lượng cứu hộ đang bơm cháo vào bên trong cho những nạn nhân mắc kẹt trong hầm thì bỗng nghe tiếng reo to của anh Nam, một trong số 12 nạn nhân: “Thấy ánh sáng rồi!”. “Hầm ngách cứu hộ do lực lượng công binh đào (nằm bên phía bên trái) đã xuyên thủng qua đống sạt lở, sớm hơn khá nhiều so với dự kiên ban đầu” - đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tham mưu trưởng lực lượng Công binh người tổng chỉ huy lực lượng đào hầm cứu hộ kể với Tiền Phong. Theo vị tổng chỉ huy, ngay sau đó, lực lượng công binh đào tiếp phần đất đá còn lại để đưa các nạn nhân ra ngoài. Đặng Thị Hồng Ngọc, nạn nhân nữ duy nhất trong số 12 nạn nhân. Khi vừa ra khỏi cửa hầm ngách, Hồng Ngọc vùng chạy vì sung sướng nhưng ngay sau đó cô đã bị ngã quỵ và lực lượng ứng cứu nhanh chóng đưa nạn nhân này lên băng ca.

Theo quan sát của Tiền Phong, nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm trong tình trạng người đầy bùn đất. Khi nạn nhân này vừa đưa ra khỏi hầm, không khí căng thẳng của mấy ngày qua chợt vỡ òa vì sung sướng. Nạn nhân này được đưa vào lều cấp cứu và các bác sĩ đã nhanh chóng cho nạn nhân thở ô xy, ủ ấm và thực hiện các biện pháp tiếp theo.

“Nhiệm vụ lớn nhất của các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhạn nhân giờ đã hoàn thành” đại tá Nguyễn Hữu Hùng thốt lên

Ngay sau đó, các nạn nhân khác cũng lần lượt được đưa ra khỏi hầm trong không khí hết sức khẩn trương. Theo đại tá Nguyễn Hữu Hùng, vì để tránh tình trạng các nạn nhân vì phấn khích, chạy và ngã, lực lượng cứu hộ đã dìu từng người đặt lên cáng và đưa ra khỏi hầm. Chỉ trong khoảng thời gian 10 phút, lực lượng cứu hộ đã đưa được toàn bộ 12 nạn nhân ra khỏi hầm và đưa đến khu vực hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ đã nhanh chóng phân luồng tình trạng sức khỏe của các nạn nhân để có những biện pháp cấp cứu thích hợp.

Một số bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn và la hét lớn. Hầu hết các nạn nhân đều phải nằm để bác sĩ cấp cứu.

Sau một thời gian sơ cứu, tình trạng sức khỏe các nạn nhân dần ổn định được chuyển đến bệnh viện đa khoa Lâm Đồng để tiếp tục theo dõi, chữa trị. Đến 17 giờ 25 phút, nạn nhân cuối cùng cũng đã rời khỏi khu vực cấp cứu tại hiện trường và được đưa đến bệnh viện. 

Hoàn thành nhiệm vụ lớn ảnh 1

Một chiến sĩ bảo vệ chăm sóc công nhân trên xe cấp cứu đưa nạn nhân từ hiện trường đến bệnh viện. Ảnh: Đại Dương.

Không gì hạnh phúc hơn!

“Không có gì hạnh phúc hơn khi tất cả 12 nạn nhân đã được cứu sống!”- Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến như muốn gào lên vì sung sướng. Trong sự xúc động mạnh, ông Tiến cũng đã ôm chầm lấy lãnh đạo một số lực lượng chức năng tham gia ứng cứu từ lúc xảy ra sự cố sập hầm. Không riêng một ai, tất cả những người có mặt tại hiện trường đều bày tỏ niềm vui sướng. Nước mắt cứ trào ra từ khóe mắt. Riêng người thân của những nạn nhân thì khóc nức nở vì hạnh phúc vô bờ. 

“Nhiệm vụ lớn nhất của các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nạn nhân giờ đã hoàn thành”- đại tá Nguyễn Hữu Hùng  thốt lên. Theo đại tá, lúc đầu có nhiều phương án cứu hộ nhưng giải pháp đào thêm hầm ngách bên trái là tối ưu nhất nên đã được lựa chọn và thực tế đã chứng minh điều đó. Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp thị sát và đồng ý cho chọn phương án này. Do điều kiện đất đá thiếu sự kết dính nên lực lượng công binh đã dùng phương pháp “đào hầm trong cát” để thực hiện việc đào hầm ngách. Lực lượng công binh xác định nhiệm vụ thông hầm sớm là hết sức khẩn thiết, chính vì vậy trong ngày 19/12 đã điều thêm 50 chiến sĩ tinh nhuệ nhất trong lĩnh vực này từ nơi khác đến để tham gia đào hầm, đẩy nhanh tiến độ. Ông cũng cho hay, ngay sau khi có tin vui, lúc 17 giờ 10 phút, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tuy đang bận công tác xa nhưng cũng đã kịp thời gọi điện cho ông và gửi lời chúc mừng thăm hỏi động viên đến lực lượng công binh và toàn thể các lực lượng tham gia. Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đem lại của lực lượng công binh. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có thư khen ngợi các cán bộ y tế tham gia cứu nạn...

Buổi sáng ngày 19/12, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã đến hiện trường, vào tận trong hầm để thăm hỏi lực lượng cứu hộ. Trao đổi riêng với PV Tiền Phong, bà Mai nói: “Tôi rất khâm phục tinh thần của các nạn nhân, cũng như những nỗ lực của các lực lượng cứu hộ không quản ngày đêm đào hầm và đạt được tiến độ nhanh chóng”. Bà Mai cũng cho biết, cử tri cả nước đang từng phút ngóng trông tình hình cứu nạn và sức khỏe nạn nhân.

Ngày của những dấu ấn

Ngày 19/12, được xem là ngày của nhiều dấu ấn quan trọng tại hiện trường cứu hộ, cứu nạn ở Đạ Dâng.  Theo vị tổng chỉ huy đào hầm Nguyễn Hữu Hùng, tổng thời gian từ khi lực lượng công binh tham gia đào hầm ngách đến khi thông hầm và đưa được các nạn nhân ra khỏi hầm là 24 tiếng 10 phút, tức từ 16 giờ ngày hôm trước đến 16 giờ ngày hôm sau. “Bình quân 1 tiếng đào được 1 mét hầm, một con số kỷ lục”- đại tá Hùng nói.

Ngay từ sáng sớm 19/12, lực lượng thi công đào hầm từ hướng hạ lưu đã chọc thủng 30 m đất để hút nước ra ngoài. Anh Phan Văn Hạnh, một công nhân của Công ty  Sông Đà 10, người trực tiếp tham gia khoan thủng lớp đất dày, cho biết việc khoan thủng lớp đất dày 30 m là hết sức khó khăn vì bùn và nước cứ trào lên nên phải dừng để bơm nước liên tục. Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực tối đa để hoàn thành công việc này. Theo anh Hạnh, nhờ được chọc thủng nên nước trong đoạn hầm nơi có các nạn  nhân mắc kẹt được giảm nhanh chóng, từ khoảng 1,3 m vào buổi sáng đã nhanh chóng hạ xuống còn khoảng 50 cm vào cuối ngày. Cũng chính nhờ vậy, việc đào hầm ngách có phần dễ dàng hơn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng có mặt tại hiện trường. Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc xử lý công trường xây dựng thủy điện Đạ Dâng, thứ trưởng Hùng cho biết, trước mắt sẽ đình chỉ thi công đối với dự án này. Tiếp theo đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo như điều tra nguyên nhân gây sự cố sập hầm, giám định chất lượng công trình… sau đó mới tính đến các bước tiếp theo. Ngay sau khi hoàn thành việc cứu nạn, cửa hầm đã được niêm phong.

MỚI - NÓNG