Hôm nay, nhiều máy bay Việt Nam ra biển tìm Boeing mất tích

Trực thăng của Không quân VN đậu tại sân bay Cà Mau chuẩn bị xuất phát sáng nay. Ảnh: Tiến Hưng
Trực thăng của Không quân VN đậu tại sân bay Cà Mau chuẩn bị xuất phát sáng nay. Ảnh: Tiến Hưng
TP - Khoảng 3 giờ chiều 8/3, Lữ đoàn không quân 918 vận tải cử hai tổ bay trên hai chiếc máy bay phản lực AN 26 xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất tới nơi nghi xảy ra tai nạn thảm khốc cho chiếc máy bay chở khách của Malaysia.

Chiều 8/3, tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn không quân 918 vận tải cho biết, được lệnh của Quân chủng Phòng không Không quân, khoảng 3 giờ chiều 8/3, đơn vị cử hai tổ bay trên hai chiếc máy bay phản lực AN 26 xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất tới nơi nghi xảy ra tai nạn thảm khốc cho chiếc máy bay chở khách của Malaysia.

Thời gian bay từ Tân Sơn Nhất ra khu vực nghi máy bay rơi khoảng 30 phút. Chiếc AN 26 số hiệu 261 do thượng tá phi công Vũ Đức Long làm cơ trưởng, tổ bay AN 26 số hiệu 286 do thượng tá phi công Hoàng Văn Phong làm cơ trưởng. Hai tổ bay đã bay tìm kiếm khu vực cách bờ biển Cà Mau khoảng 200km, tìm kiếm trên 4 tọa độ, mỗi tọa độ cách nhau khoảng trên 100km, như vậy phạm vi tìm kiếm của hai tổ bay khoảng 400km2 biển.

Khoảng 16 giờ, các tổ bay phát hiện hai vệt màu vàng, nghi là vết dầu loang,trải dài khoảng 15-20km trên mặt biển. Thông thường, trong các chuyến đi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, tổ bay AN 26 có thể hạ thấp độ cao xuống khoảng 500m so với mặt biển thì có thể xác định chính xác vệt màu vàng có phải là dầu loang hay không. Tuy nhiên, đợt tìm kiếm cứu hộ lần này hai tổ bay AN 26 không thể hạ thấp độ cao dưới 2.100m được vì ở độ cao 1.500m có tới 3 chiếc máy bay C130 của Malaysia cũng đang nỗ lực tìm kiếm. Lúc 18 giờ 20 phút cùng ngày hai chiếc máy bay AN 26 của Lữ đoàn không quân 918 hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất.

Hôm nay, dự kiến khoảng 6 giờ 30, Lữ đoàn không quân 918 tiếp tục cử hai tổ bay, trang bị ống nhòm, camera quân báo để chụp ảnh, quay phim làm rõ chi tiết vệt màu vàng có phải vết dầu loang phát tán từ máy bay hay không.

Ông Dương Văn Khê, Trưởng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Tổng Cty quản lý bay VN) cho biết, tại Cà Mau có đặt đài radar, chỉ cần có máy bay phát tín hiệu radar đi vào khu vực, đài này sẽ phát hiện. Đài này có bán kính phát hiện sóng radar là 180km. Tuy nhiên, tại thời điểm máy bay Malaysia mất tín hiệu Đài radar Cà Mau không nhận thấy tín hiệu radar nào từ máy bay này.

* Chiều 8/3, trao đổi với báo Tiền Phong qua điện thoại từ Cần Thơ, thượng tá Nguyễn Quốc Long, Chính ủy Trung đoàn không quân 917 trực thăng thuộc Sư đoàn không quân 370 cho biết, nhận được lệnh từ Quân chủng Phòng không Không quân, Sư đoàn Không quân 370, vào 15 giờ 15 ngày 8/3, hai chiếc máy bay trực thăng Mi 171 số hiệu 02 và 04 của trung đoàn đã bay về Sân bay Cà Mau, chờ nhiệm vụ tiếp theo. Từ Cà Mau trực thăng rất thuận tiện để bay ra khu vực máy bay bị nạn triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, khả năng ngày mai trực thăng quân đội sẽ bay ra biển làm công tác cứu hộ, cứu nạn.

* Các quan chức Malaysia cho biết họ không loại trừ khả năng khủng bố hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác sau khi có báo cáo rằng hai hành khách từ Áo và Ý không có mặt trên chuyến bay.

Ngay sau khi danh sách hành khách được công bố, hãng thông tấn ANSA của Ý cho biết hành khách có tên Luigi Maraldi, 37 tuổi (Ý) không hề có mặt trên chuyến bay Boeing 777 mất tích mà đang sống khỏe mạnh tại Thái Lan. Theo báo cáo, có thể ai đó đã sử dụng hộ chiếu của Maraldi để lên máy bay, anh này xác nhận mất hộ chiếu từ tháng 8/2013.

Tương tự, anh Christian Kozel, 30 tuổi (Áo), người có tên trong danh sách cũng không hề có mặt trên chuyến bay. Anh này cho biết đã bị mất hộ chiếu tại Thái Lan cách đây 2 năm, theo hãng thông tấn APA, Áo.

Tăng cường an ninh hàng không

Trong chiều 8/3, Bộ GTVT có công điện chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hàng không. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường Cấp độ 1 và chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn hàng không tại các khu vực thuộc địa bàn quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý hoạt động bay và các hãng hàng không nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý kịp thời.

Các hãng hàng không tăng cường thực hiện công việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình khai thác, bảo dưỡng tàu bay đối với tất cả các chuyến bay quốc tế và quốc nội.

Tổng Cty quản lý hoạt động bay thực hiện nghiêm quy trình chỉ đạo các Trung tâm quản lý bay khu vực phía Bắc, Trung và Nam tăng cường công tác kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống cung cấp dịch vụ không lưu, hệ thống quản lý hoạt động bay. L.H.V

MỚI - NÓNG