Gần 5 triệu phương tiện “khát” điểm đỗ - Bài cuối:

Hơn 16 nghìn tỷ đồng xây 79 bãi đỗ xe gỡ bí

Điểm đỗ xe trên đường tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Trọng.
Điểm đỗ xe trên đường tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Thừa nhận các quy hoạch (QH), giải pháp phát triển bãi đỗ xe từ trước đến nay đều bị bóp méo, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, đang giao cho các sở ngành liên quan rà soát, làm rõ. Cũng theo đại diện UBND thành phố, các đơn vị liên quan vừa xây dựng xong kế hoạch xây dựng gần 80 bãi đỗ xe với tổng kinh phí trên 16 nghỉn tỷ đồng nhằm gỡ bế tắc.

Quy hoạch 165 chính thức phá sản

Khi được PV Tiền Phong đề cập thực trạng và triển khai các dự án bãi đỗ xe theo QH 165, ngày 31/3, ông Tạ Nam Chiến, Trưởng phòng Đô thị (UBND thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện quy hoạch này được lãnh đạo thành phố giao cho các sở ngành có liên quan rà soát. Tuy nhiên, ông Chiến cũng thông tin, để triển khai các bãi, điểm đỗ xe để giải quyết nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian tới, UBND thành phố đã giao cho Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội xây dựng xong QH hệ thống bến xe, bãi đỗ xe đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. QH đang được thành phố thẩm định để phê duyệt, đây sẽ là QH mới để thành phố phát triển hệ thống bãi đỗ, điểm đỗ xe trong thời gian tới.

Về vai trò của QH hệ thống bãi, điểm đỗ xe vừa được xây dựng, ông Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - HUPI (UBND thành phố Hà Nội) cho rằng, QH sẽ thay thế các quy hoạch, phương án phát triển hệ thống bãi, điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố từ trước đến nay. Nói về hiệu quả của QH 165 vừa qua, đại diện HUPI thông tin, qua khảo sát, đánh giá các sở ngành, quận huyện mới thực hiện được 14,7% mục tiêu QH đặt ra. Cụ thể, QH yêu cầu đến năm 2020 khu vực trung tâm Hà Nội phải có 796 ha diện tích đất dành cho bãi đỗ xe để đạt từ 2 đến 4% quỹ đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, con số này là 17,7 ha, đạt 0,1% quỹ đất xây dựng đô thị. “Đây là nguyên nhân làm khu vực trung tâm đang thiếu trầm trọng bãi, điểm đỗ xe; kéo theo đó là xuất hiện nhiều điểm đỗ xe tự phát, trái phép”, lãnh đạo HUPI thừa nhận. Đánh giá về những hạn chế của QH 165, đại diện HUPI cho rằng, ngoài những hạn chế chủ quan, QH 165 cũng có những hạn chế khách quan, như được lập khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính; thực hiện trong khu vực hạn chế phát triển kiến trúc từ đường vành đai 2 trở vào; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa cụ thể…

Từ những hạn chế của QH 165, lãnh đạo HUPI cho biết, đã khắc phục và điều chỉnh trong quy hoạch mới. Theo đó, từ 17,7 ha như hiện nay QH mới đặt ra từ nay đến năm 2030, diện tích dành cho đỗ xe trên địa bàn Hà Nội phải đạt 2.704 ha, đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh lên 3 - 4% quỹ đất xây dựng đô thị, cơ bản đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân Thủ đô.

Xây 79 bãi đỗ xe trước năm 2020

Để xóa “cơn khát” điểm đỗ xe, HUPI đặt ra trong QH mới phải xây thêm 1.572 bãi đỗ xe, trong đó có 63 bãi đỗ xe ngầm. Đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố xây 79 bãi đỗ xe, trong đó có 75 bãi đỗ xe đô thị, 4 bãi đỗ xe trung chuyển để giải quyết cấp bách tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện nay. Các bãi đỗ xe được xây dựng trên cơ sở ưu tiên xây các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng và sàn đỗ xe cơ giới để tiết kiệm quỹ đất; riêng 4 bãi đỗ xe trung chuyển, được xây dựng nhằm kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có vị trí gần nút giao đường Ngọc Hồi – vành đai 3 (quy mô 1 ha),  tại nút giao QL6 - vành đai 4 (quy mô 1 ha), nút giao QL32 – đường 70, khu vực ga Yên Viên. Vị trí các bãi đỗ xe được bố trí theo nguyên tắc khu vực có nhu cầu đỗ xe cao, gần các trung tâm thương mại, ga ĐSĐT, bến xe buýt và có bán kính đi bộ khoảng 500 mét. Tổng mức đầu tư cho 79 dự án bãi đỗ xe trong giai đoạn này trên 16.268 tỷ đồng.

Để huy động được nguồn vốn đầu tư, đại diện HUPI cho biết, thành phố ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia theo hình thức xã hội hóa điểm đỗ xe, bãi đỗ xe. Mở rộng với mọi tổ chức, cá nhân kể cả nước ngoài và sẵn sàng triển khai theo hình thức BT, BOT… Ngoài ra, thành phố xây dựng và đảm bảo một số điều kiện, như cơ chế phí, thuế rõ ràng, đặc biệt có chính sách giá, phí theo khu vực, theo thời điểm, theo loại phương tiện; đẩy mạnh cưỡng chế thi hành pháp luật giao thông về dừng đỗ xe, thanh kiểm tra thường xuyên các điểm trông giữ trái phép, coi đó là biện pháp hỗ trợ phát triển hệ thống điểm đỗ, bãi đỗ đúng QH.

Liên quan đến chỉ đạo xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm - nổi vừa được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đưa ra như một giải pháp cấp bách, chiều 31/3 thông tin với PV Tiền Phong, Văn phòng UBND thành phố cho biết, vừa thông báo kết luận về chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đến các sở ngành liên quan. Theo đó, đối với bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (Ba Đình), kết luận nêu rõ: Xem xét, nghiên cứu mở rộng phạm vi ranh giới đến sát công trình Nhà thi đấu Quần Ngựa và không làm ảnh hưởng tới công trình và nhà ga tàu điện ngầm tuyến đường sắt đô thị; Với bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), cần thay đổi phạm vi nghiên cứu từ bến xe buýt hiện trạng đến cuối đường Nguyễn Đình Chiểu; Với bãi xe ngầm trước Quảng trường Cách mạng 19/8 và vườn hoa Cổ Tân, giữ nguyên hiện trạng hệ thống đường hiện nay, tại đây lưu ý nghiên cứu biện pháp thi công không làm ảnh hưởng đến công trình bên cạnh, trong đó có Nhà hát lớn; Với gara đỗ xe ngầm tại Công viên Nhân Chính (Thanh Xuân), đồng ý các nội dung cơ bản của phương án đã trình. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì khẩn trương thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc các bãi xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa, Công viên Nhân Chính theo quy định hiện hành; phấn đấu khởi công trong tháng 6/2017.

Thu phí trông xe theo giờ và phí bến bãi theo mét vuông

Nhằm phát triển các bãi đỗ xe công cộng, hạn chế các điểm trông xe trên đường, cùng với áp dụng thu phí chủ phương tiện theo giờ, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở ngành phải triển khai thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè đối với các điểm trông xe trên đường theo mét vuông. Theo đó, thay vì thu phí theo doanh thu như hiện nay, từ năm 2018, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện thu phí theo m2 đối với Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội; các quận huyện cũng lần lượt áp dụng hình thức thu theo m2 này. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, hiện thu phí sử dụng lòng đường theo m2 đang được áp dụng thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và cho hiệu quả cao. 

MỚI - NÓNG