Hơn hai năm đi xin, vẫn không được cổ phần hóa

Việc cổ phần hóa của Cty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An chưa biết bao giờ được thực hiện.
Việc cổ phần hóa của Cty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An chưa biết bao giờ được thực hiện.
TP - Hơn hai năm qua, ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An (gọi tắt Cty Công đoàn Nghệ An) đã phải nhiều lần từ Nghệ An ra Hà Nội để xin chủ trương cổ phần hóa (CPH) nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Lãnh đạo doanh nghiệp phải viết đơn kêu cứu Thủ tướng.

Ông Viện cho biết, ngày 21/5/2014, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Nghệ An có công văn gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc xin liên doanh đầu tư. Ngày 25/6/2015, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam có công văn gửi LĐLĐ Nghệ An chỉ đạo công ty thực hiện CPH để khai thác nguồn vốn đầu tư.

Khi có chỉ đạo của Tổng liên đoàn, LĐLĐ Nghệ An và đơn vị xin CPH đã thực hiện đánh giá tài sản doanh nghiệp, lên các phương án sắp xếp lại công ty, bán cổ phần,… Đến ngày 3/11/2015, LĐLĐ Nghệ An có công văn gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu ý kiến thống nhất hình thức CPH tại Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An là bán toàn bộ vốn nhà nước có tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn một tháng sau, ngày 25/12/2015, Tổng LĐLĐ Việt Nam có công văn yêu cầu tạm dừng thực hiện CPH.

Với mong muốn tái cơ cấu doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngày 23/3/2016, LĐLĐ Nghệ An tiếp tục có tờ trình gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra ba phương án sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An: Chuyển giao công ty về cho chủ sở hữu là Tổng LĐLĐ quản lý; Bán toàn bộ công ty để thu hồi vốn và giữ nguyên công ty như mô hình hiện tại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An vẫn chưa nhận được chủ trương chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về các phương án nêu trên.

“Mỗi tháng hai lần tôi lại đi từ Nghệ An ra Hà Nội để xin các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho ý kiến với phương án CPH. Thế nhưng không hiểu vì sao cơ quan chủ quản lại tạm dừng CPH. Hoạt động của công ty hiện gặp nhiều khó khăn, thu nhập người lao động bấp bênh, nguồn vốn vay để thanh toán nợ ngân hàng và các đối tác không có để trả. Tôi buộc phải đã viết đơn kêu cứu Thủ tướng can thiệp việc dừng CPH của doanh nghiệp”, ông Viện nói với PV Tiền Phong. Cũng theo ông Viện, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong thực hiện chủ trương CPH có thể do cơ quan chủ quản chưa muốn “buông” doanh nghiệp. “Nếu tiến hành CPH, các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, chịu trách nhiệm về đồng vốn của cổ đông và như thế quyền hạn cũng như lợi ích của cơ quan chủ quản sẽ mất đi”- ông Viện cho biết thêm.

Ông Phan Văn Anh, Trưởng ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam xác nhận việc Tổng LĐLĐ đang tạm dừng CPH đối với Cty Công đoàn Nghệ An và đang tính có thể sẽ đưa công ty về Tổng LĐLĐ quản lý. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ sẽ có phương án tiếp theo. “Thời gian qua, đơn vị này làm ăn không hiệu quả nên chúng tôi tạm dừng việc CPH, chưa sắp xếp lại doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang thuê một công ty kiểm toán xác định lại giá trị doanh nghiệp ở công ty này, không loại trừ khả năng sau khi thu về sẽ bán vốn hoặc sắp xếp lại bộ máy”, ông Anh nói và không cho biết bao giờ việc CPH doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện.  

MỚI - NÓNG