Hôn mê vì say nắng

Thời tiết nắng nóng, trẻ em nhập viện khám và điều trị bệnh tăng đột biến. Ảnh: Thanh Trần.
Thời tiết nắng nóng, trẻ em nhập viện khám và điều trị bệnh tăng đột biến. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Nắng nóng kéo dài khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng cao. Đáng chú ý có những bệnh nhân bị hôn mê vì say nắng.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho bệnh nhân N.V.N (47 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) bị hôn mê do say nắng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân cùng đồng nghiệp đi gặt lúa thuê tại Ninh Bình, mỗi ngày nhóm gặt phơi người dưới cái nắng gắt khoảng 4 - 6 giờ.

Khoảng 15 giờ ngày 30/5 lúc nắng gắt nhất, khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, bệnh nhân đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu. Tại đây, bệnh nhân được xử trí cấp cứu: đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch. Sau đó bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không thấy tổn thương, chưa chọc dịch não tủy.

Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai). Bác sĩ, Ths Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu cho biết hiện tại, sau 10 giờ điều trị tại khoa Cấp cứu, ý thức bệnh nhân có cải thiện hơn.

Trước đó, khoảng 11 giờ trưa ngày 30/5, bệnh nhân Tạ Thị Vân H (nữ, 88 tuổi, ở Hà Nội) đang đi chợ thì đột ngột xuất hiện mất ý thức, được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô). Bệnh nhân bị hôn mê, co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh, huyết áp tăng cao. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp. Ngay lập tức bệnh nhân đã được y bác sĩ cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau vài giờ thì tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn, không co giật nữa, ý thức có cải thiện.

Bác sĩ Chính cho hay, trong những ngày nắng nóng này, có tới 80% người phơi nắng ngoài đường đều bị say nắng nhưng không nhận ra. Các bệnh nhân có nguy cơ bị say nắng bao gồm người già, trẻ nhỏ, và những người có bệnh lý mạn tính. Đặc biệt say nắng không chỉ gây biến chứng não nguy hiểm mà có nhiều biến chứng khác cũng nặng nề khác như phù phổi, thủng cơ tim, suy thận cấp, rối loạn đông máu...

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nghi ngờ ai đó bị say nắng cần gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.

Hôn mê vì say nắng ảnh 1

Bệnh nhân N.V.N đang được điều trị tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) vì hôn mê do say nắng. Ảnh bác sĩ cung cấp.

Người già, trẻ em ồ ạt nhập viện vì nắng nóng

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong gần 1 tuần qua mỗi ngày khoa Khám bệnh khám từ 2.500-2.700 bệnh nhi. Khoảng 80% bệnh nhi bị sốt cao co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm não... Chung tình trạng này, tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) ngày nào cũng có trẻ nhập viện với triệu chứng viêm não, viêm màng não, sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn ói nhiều. Lúc cao điểm, có ngày khoảng 150 trẻ đến khám và nhập viện, tăng gần 30% so với thời gian chưa nắng nóng gay gắt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Khám bệnh (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cho biết, những ngày nắng vừa qua, khoa tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân mỗi ngày, tăng gấp đôi ngày thường. Bệnh nhân đến khám liên quan đến huyết áp, tim mạch, tai biến mạch máu não...

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo cha mẹ sử dụng điều hòa không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị sốt cao, viêm họng. Để tránh trẻ bị ốm, người lớn lưu ý không để quạt xối thẳng vào trẻ mà bật gió thoảng, để điều hòa ổn định ở 27-28 độ C. Đặc biệt không bật, tắt điều hòa nhiều lần trong đêm vì gây nên sự tăng giảm nhiệt độ đột ngột đối với trẻ.

Với người cao tuổi thường bị bệnh vì sự thay đổi đột ngột nhiệt độ và độ ẩm. Do đó nên để nhiệt độ từ 26 độ trở lên, tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng ít nhất 15 phút. Không di chuyển đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra môi trường bên ngoài để tránh tai biến vì thay đổi môi trường đột ngột.

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, trong những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhi nhập viện bệnh tay- chân-miệng tăng cao. Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 5, có tới 40 ca nhập viện, các tuần trước đó chỉ từ 20 đến 30 ca. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có gần 800 ca tay-chân-miệng, tăng gấp đôi so với thời điểm năm ngoái (gần 400 ca). Bệnh thủy đậu ở mức dưới 30 ca/tuần.

Tại bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 600 ca bệnh nhi đến khám và điều trị viêm phế quản, viêm họng, tay-chân-miệng… tăng khoảng 40% so với các tháng trước. Trong đó bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm tới 90%. Việc trẻ em nhập viện tăng dẫn đến tình trạng quá tải, bệnh viện phải bố trí thêm giường bệnh, phòng khám thường trực.

MỚI - NÓNG