Myanmar:

Hòn ngọc thô còn sót lại

Myanmar đang thay đổi từng ngày và hứa hẹn điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ảnh: Phạm Thanh
Myanmar đang thay đổi từng ngày và hứa hẹn điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Myanmar còn kém Việt Nam về nhiều mặt, nhưng tương lai đất nước này đầy hứa hẹn với nhiều lợi thế cho phát triển. Bạn đừng ngạc nhiên nếu tới một khu du lịch nào đó gặp vài nhóm người nói tiếng Việt, vì đây đang là điểm đến yêu thích của không ít người Việt cả về du lịch và đầu tư.  

Sau một đêm đã khác

Thời còn là thuộc địa của Anh, Myanmar từng là nước giàu có nhất Đông Nam Á, xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Đa số gỗ tếch toàn thế giới do Myanmar cung cấp. Thậm chí, đá quý tại Myanmar rẻ tới mức đá giả còn đắt hơn đá thật, chưa kể các tài nguyên khác (như dầu mỏ, thiếc, kẽm…). Myanmar còn nằm trên con đường giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc (2 quốc gia đông dân nhất thế giới). Với nền giáo dục tương đối hoàn thiện và vẫn giữ lại những điểm ưu việt của nền giáo dục Anh quốc, học sinh Myanmar được dạy tiếng Anh khi tới trường… Đó là những cơ sở vững chắc hứa hẹn một Myanmar triển vọng.

Phải tới năm 2010-2011, chính quyền dân sự được lập nên để thay thế chính quyền quân sự, Myanmar bắt đầu thực hiện cải cách và mở cửa. Đặc biệt năm 2015, cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên được tiến hành với thắng lợi tuyệt đối của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu (dù lực lượng quân đội vẫn nắm 25% ghế trong Quốc hội). Nếu tới Myanmar thời gian này, dễ dàng nhận thấy những thay đổi từng ngày. Dù thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 1.300 USD/năm (năm 2015), hạ tầng còn kém phát triển, tỷ giá nhiều biến động…

Thay đổi dễ nhận thấy nhất như điện thoại di động. Anh Thaw Zin Naing - một nhà môi giới đầu tư vào Myanmar nhớ lại, chỉ mới đầu năm 2016, việc dùng điện thoại di động, internet, mạng xã hội tại nước này còn rất hạn chế với chi phí cao. Thậm chí, hơn 5 năm trước, giá 1 chiếc sim và phí hòa mạng di động nước này lên tới 2.000 USD. 

Nhưng từ giữa năm 2016, người dân quốc gia này và khách du lịch chỉ cần bỏ ra khoảng 0,5 USD (tương đường 500 kyat tiền Myanmar) đã có một chiếc sim hòa mạng, với giá cước rẻ, có cả mạng 3G, 4G, do 2 nhà mạng Oodedoo và Telenor cung cấp. 

“Trước đây chỉ cần thấy ai dùng di động là biết họ giàu có, nhưng nay người dân nào của nước tôi cũng có thể dùng di động. Những người trẻ tuổi đã làm quen với mạng xã hội, lướt internet”, anh Naing kể đầy hào hứng. Thậm chí, Việt Nam gần đây mới bắt đầu chạy thử nghiệm 4G, ở Myanmar người dân ở các thành phố lớn đã có thể lướt mạng 4G.

Hòn ngọc thô còn sót lại ảnh 1

Tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại cố đô Yangon (Myanmar). Ảnh: Nguyên Phong

Bản thân từng người dân Myanmar cũng thay đổi để thích ứng với thời kinh tế mở cửa. Anh bạn Thaw Zin Naing kể, rất nhiều bạn học cùng anh làm hướng dẫn viên du lịch kiêm tư vấn đầu tư. “Làm hướng dẫn viên có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều đoàn khách nước ngoài, trong đó có cả giới chủ doanh nghiệp các nước. 

Nên họ sẵn sàng đứng ra hỗ trợ tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc với chính quyền Myanmar để xin giấy phép”, anh Naing nói. Tuy vậy, chủ đề chính trị vẫn là “cấm kỵ” với người dân Myanmar, bạn sẽ chẳng thể nào thuyết phục một người dân đất nước này nói về chính trị tại nơi đông người.

Với lợi thế giàu tài nguyên, vị trí địa lý thuận lợi, lao động dồi dào, mới giai đoạn đầu mở cửa, Myanmar được xem là điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư. “Myanmar như một nàng tiên đẹp mới xuất hiện nên được rất nhiều quý ông quan tâm. Một mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. 

Đó là ví von của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), tại hội thảo hợp tác đầu tư Myanmar và Việt Nam năm 2013. Tới nay, một số doanh nghiệp Việt đã có sự hiện diện tại Myanmar, như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)…

Thừa hưởng nền giáo dục tân tiến

Khi Myanmar giành được độc lập từ thực dân Anh, hầu hết các lĩnh vực đều được thay đổi, riêng hệ thống giáo dục gần như được giữ nguyên vẹn mô hình của giáo dục Vương quốc Anh từ đó tới nay. Hệ thống giáo dục nước này có cấp phổ thông (từ mẫu giáo tới lớp 10) và cấp đại học, trong đó học sinh được miễn tiền học phí tới hết lớp 5. 

Trong suốt quá trình học phổ thông, học sinh không phải trải qua bất kể kỳ thi tốt nghiệp nào, chỉ đánh giá điểm trung bình hằng năm. Khi kết thúc lớp 10, học sinh sẽ thi tốt nghiệp. 

Hội đồng tuyển sinh quốc gia sẽ đánh giá và xếp loại học sinh theo điểm đạt được ở tất cả các bậc học, đây cũng là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng lựa chọn tuyển sinh đầu vào. Với cách tính điểm như vậy, học sinh Myanmar phải nỗ lực ở tất cả các bậc học nếu muốn đủ điều kiện vào đại học, cao đẳng và chọn được các trường tốt.

Hòn ngọc thô còn sót lại ảnh 2

Giao thông Myanmar vẫn kém phát triển.

Khi còn là thuộc địa của Anh, môn tiếng Anh là bắt buộc, tới nay vẫn được duy trì nên trình độ tiếng Anh của người Myanmar cũng là lợi thế lớn khi hội nhập. Ngày nay, với chính phủ dân sự, những điểm ưu việt của hệ thống giáo dục Anh quốc vẫn tiếp tục được duy trì.

Trường Phật trước trường đời

Myanmar là đất nước của Phật giáo. Vì vậy không ngạc nhiên khi đặt chân xuống đất nước này đâu đâu cũng thấy chùa chiền, chùa to nhất, dát vàng nhiều nhất thế giới đều tọa lạc nơi đây. Gần như tất cả trẻ em Myanmar khi tới 5-6 tuổi đều được gia đình cho xuất gia vào chùa hoặc các tu viện, trước khi tự quyết định có đi tu cả đời hay sẽ hoàn tục để tới trường. 

Thời gian tổ chức Lễ xuất gia (Lễ Shin Pyu hoặc Noviciation Ceremony) được tổ chức từng thời điểm khác nhau tùy từng vùng miền. Như một số bang miền Nam Myanmar thường tổ chức lễ này vào tháng 11 hằng năm. Đây được xem là lễ quan trọng nhất trong cuộc đời một người Myanmar. Đối với người dân nơi đây (đặc biệt nam giới), một đời người nếu chưa một lần xuất gia sẽ chưa phải Phật tử tốt. 

Vì vậy, Lễ xuất gia được tổ chức rất linh đình, mỗi làng đều có đoàn rước, các dàn loa cỡ lớn, ca sĩ, vũ công tham gia. “Những nghi thức đưa rước trong Lễ xuất gia nhằm tái hiện con đường tu hành của Đức Phật. Thời gian xuất gia có thể vài ngày, vài tuần hoặc vài năm và một người cũng có thể xuất gia nhiều lần”, anh Lê Anh Thái, một người có nhiều năm sống và làm việc tại cố đô Yangon (Myanmar) chia sẻ. 

Anh nói thêm, thu nhập của người dân Myanmar chỉ khoảng 1 USD/ngày, nhưng nếu có ai đó cho tiền, họ sẵn sàng xin nghỉ việc vài ngày để đi chùa. Với người Myanmar, chùa là nơi linh thiêng nhất, nên vào chùa phải đi chân đất, giày dép phải bỏ lại cổng chùa. Cùng với đó, mọi công trình xây dựng, nhà cửa gần khu vực chùa không được cao hơn chùa.

Ngày nay, dù đã mở cửa đất nước với bên ngoài, nhưng trang phục truyền thống và phổ biến nhất của Myanmar là váy longyi, đi dép tông (để tiện bỏ dép khi vào chùa). Không chỉ thường dân, các quan chức, nguyên thủ Myanmar khi đi công du thế giới, tiếp lãnh đạo cấp cao các nước họ đều mặc váy longyi và đi dép tông. 

Ngày nay, chỉ số ít người trẻ Myanmar sử dụng quần âu, quần bò do du nhập văn hóa từ nước ngoài, và phần nào đó ảnh hưởng từ phong cách của bà Aung San Suu Kyi (Chủ tịch Đảng NLD - vị lãnh tụ dân chủ của đất nước Myanmar), do bà Aung San Suu Kyi từng học tại Anh.   

Hòn ngọc thô còn sót lại ảnh 3

Bà Võ Thị Ngọc Diệp (ảnh), Tham tán Thương mại (Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) cho biết: Thương mại 2 chiều năm 2015 giữa Việt Nam - Myanmar đạt hơn 434 triệu USD (gấp 3 lần năm 2010). Hiện Việt Nam xếp thứ 10 trong số các nước đầu tư vào Myanmar, với tổng vốn đăng ký gần 700 triệu USD. Đây là một thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam, với các lĩnh vực chính phủ ưu tiên, như: Nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, các ngành sản xuất…

Nguyên Phong


MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".