Họp bàn chống đại dịch cúm A/H7N9: Không quay lưng với gà, vịt truyền thống

Lo ngại cúm, tình hình buôn bán, tiêu thụ gà, vịt sống kém sôi động trên thị trường Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
Lo ngại cúm, tình hình buôn bán, tiêu thụ gà, vịt sống kém sôi động trên thị trường Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Tại hội nghị phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tổ chức sáng 26/2, ở Lạng Sơn, nhiều đại biểu tỏ rõ sự quyết tâm ngăn chặn gia cầm nhập lậu; nhưng cũng khuyến cáo người dân không quay lưng với sản phẩm gia cầm truyền thống của nước ta.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, hội nghị thu hút sự tham gia của 6 Bộ, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo 25 tỉnh miền núi phía Bắc đã thể hiện sự quan tâm phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan từ Trung Quốc. Nơi đó, diễn biến dịch cúm A/H7N9 đang có chiều hướng phức tạp, gây tử vong cho hàng trăm người Trung Quốc. Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng các tỉnh giáp biên giới Việt- Trung và tổ chức Lương thực thế giới (FAO); tổ chức Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) theo dõi sát sao diễn biến của dịch cũng như đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa các tình huống xấu xảy ra.

Việc lấy mẫu, xét nghiệm rất loằng ngoằng

Trăn trở với công tác thực tiễn phòng chống dịch cúm từ cơ sở, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, với trên 200 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, trong đó có nhiều đường mòn, ngõ tắt, đường sông nên nguy cơ dịch cúm xâm nhiễm từ bên kia biên giới là rất cao. Do lượng người qua lại thăm thân, giao thương rất đông nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh qua người và môi trường. Lào Cai thiết lập các tuyến phòng chống, tạo các hàng rào chặt chẽ, có biện pháp mạnh để khép chặt đường biên. Tuy nhiên, theo ông Thể, cơ sở vật chất cho các ngành chức năng lại thiếu, yếu và còn có những thủ tục nhiêu khê; cần phải cải tiến, đổi mới. “Trong khi dịch đã căng thẳng, nước sôi lửa bỏng như vậy mà việc lấy mẫu, xét nghiệm rất loằng ngoằng. Thực tế cho thấy, nếu lẫy mẫu bệnh phẩm cúm từ Lào Cai về Hà Nội cũng mất vài ngày. Trong khi đó, các ngành chức năng nhiều khi lại chưa thống nhất. Vậy nên con vi-rút nó chết, sống thế nào cũng phải chờ theo thời gian dài lê thê...”, ông Thể nêu ví dụ.

Nhiều đại biểu ở các tỉnh miền núi biên giới tiếp giáp với Trung Quốc cũng mong muốn việc tuyên truyền cần thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu; nhất là đối với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, trình độ nhận thức còn kém. Thêm nữa, việc ổn định đời sống nhân dân cũng như có những giải pháp căn cơ phát triển gia cầm giống nội địa của ta cũng cần chú trọng, nhân rộng; để người dân không tham gia mang vác gà, vịt Trung Quốc nhập lậu cũng như phải mua gia cầm giống từ bên kia biên giới về nuôi.

Lo ngại gia cầm giống mang mầm bệnh

Theo WHO, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017 Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh thành, đặc biệt là những tỉnh phía Nam giáp biên giới Việt Nam. Đây là một nguy cơ rất lớn đối với ta nếu không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn.

Một trong những lo ngại hàng đầu, chính là nguồn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Lạng Sơn và 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Lạng Sơn, từ năm 2016 đến nay, tỉnh này đã chặn bắt, tiêu hủy trên 167.000 con gia cầm nhập lậu. Từ đầu năm 2017 đến thời nay, tình hình gia cầm giống (vịt, gà con) có chiều hướng gia tăng, phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Trường, quyền Chi cục trưởng QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thời điểm này đang vào mùa chăn nuôi, thả đàn nên nhu cầu gia cầm giống rất cao. Trong khi đó, giá cả ở Trung Quốc rất rẻ. Cụ thể, một con gà, vịt một tuần tuổi có giá 2 đồng NDT (tương đương 6-7 nghìn đồng VN). Nhưng khi vận chuyển chót lọt vào Lạng Sơn, giá có thể từ 15 đến 17 nghìn đồng/con. Vậy nên, dân buôn lậu vẫn tìm mọi cách tuồn hàng qua biên giới vào đêm khuya hoặc khi vắng các lực lượng chức năng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh bắt 6 vụ, thu hàng vạn con gia cầm giống xâm nhập qua biên giới”.

Điểm nóng gia cầm xâm nhập là tại đường mòn khu vực mốc 1228,1229 thuộc khu Nà Phát, Nà Quân (cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình). Gần chục vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm đã bị ngăn chặn. Mới đây nhất, vào ngày 23/2, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phát hiện nhiều đối tượng cửu vạn mang vác 10 bao tải dứa, bên trong chứa trên 150 kg vịt đã làm sạch lông có xuất xứ từ Trung Quốc. Thấy lực lượng chức năng, nhóm người trên đã vứt hàng, chạy về phía bên kia biên giới.

Không quay lưng với vịt, gà truyền thống

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi ngày địa phương này tiêu tốn đến trên 60 tấn vịt, gà. Thế nhưng, từ khi có thông tin về dịch cúm A/H7N9 thì đã sụt giảm, chỉ tiêu thụ được 20- 30 tấn/ngày.

Còn tại Lạng Sơn, gia cầm chủ yếu được buôn bán tại hai chợ lớn là chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn) và chợ huyện Lộc Bình. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, mặc dù công tác tiêm độc, khử trùng và được giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y và ngành chức năng địa phương nhưng không khí buôn bán, trao đổi gà, vịt, bồ câu tại các chợ này kém sôi động so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Theo các tiểu thương ở chợ Giếng Vuông, mặc dù là khách quen nhưng nhiều người vẫn lo ngại dịch bệnh cúm nên ít mua, giá cả đã giảm đi đáng kể.

Phát biểu tại hội nghị “Triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi rút cúm H7N9” tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nêu 5 giải pháp, trong đó chú trọng đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới; làm tốt công tác phòng ngừa từ Trung ương đến địa phương. “Đặc biệt chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, yên tâm. Nếu như dân lo lắng thái quá, không dám ăn sản phẩm gia cầm sạch truyền thống của chúng ta thì coi như công tác phòng chống dịch bệnh chưa đạt yêu cầu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh. 

MỚI - NÓNG