Họp báo vụ Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh: 10 phút thế là... xong!

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trong cuộc họp báo (ảnh nhỏ). Cây bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh (ảnh lớn). Ảnh: Hồng vĩnh - Như Ý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trong cuộc họp báo (ảnh nhỏ). Cây bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh (ảnh lớn). Ảnh: Hồng vĩnh - Như Ý.
TP - Tiếp theo chỉ đạo ngừng chặt hạ 6.700 cây xanh, chiều qua lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo. Nhưng nội dung họp báo (trao đi, đổi lại ý kiến) với 21 câu hỏi của phóng viên được đưa ra, chủ tọa buổi họp không trả lời cụ thể một câu hỏi nào. Sau đúng 10 phút cuộc họp báo kết thúc.

Câu hỏi còn để ngỏ

Do tính chất thời sự của vấn đề nên cuộc họp báo về việc chặt hạ 6.700 cây xanh chiều 20/3 được hơn 300 phóng viên báo đài đến dự, một con số rất hiếm thấy với các cuộc họp báo tại Hà Nội. Rất nhiều lực lượng an ninh, bảo vệ đứng kiểm tra giấy mời vòng trong, vòng ngoài. Cùng với đó, khi lên phòng họp 701 theo giấy mời, PV được hướng dẫn chuyển xuống hội trường rộng lớn của trụ sở UBND thành phố, nơi thường tổ chức các cuộc họp HĐND.

Đến 14 giờ cuộc họp bắt đầu diễn ra do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội - người phát ngôn thành phố mở đầu bằng việc thông báo văn bản của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo ký buổi sáng, yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.

Ông Thành thông báo xong, ở phần trao đổi ý kiến nhiều phóng viên đã giơ tay đặt câu hỏi. Nhiều nội dung được nêu ra như: Việc thành phố ra quyết định dừng chặt hạ là do dư luận xã hội hay là lý do nào khác? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có? Hay việc thay thế cây tần bì trong dự án có đúng không, bởi hiện nay cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa cấp phép nhập khẩu đối với loại cây này? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?...

Đặc biệt, nhiều phóng viên quan tâm đến thời điểm này bao nhiêu cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội bị chặt hạ, với kinh phí bao nhiêu? Trong văn bản, ông Chánh Văn phòng nói hầu hết việc chặt cây được người dân đồng thuận thì điều này được khảo sát như thế nào?

Phóng viên Tiền Phong đã nêu câu hỏi việc hơn 500 cây xanh trong đó nhiều cây cổ thụ đã chặt được đưa về đâu? Nhiều câu hỏi của các phóng viên cũng đề cập việc đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây? Thậm chí phóng viên báo điện tử VnMedia nêu câu hỏi cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cảm thấy thế nào khi cá nhân ông đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay bị chặt hạ và thay thế bằng cây trơ trụi không tán lá?

Họp báo vụ Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh: 10 phút thế là... xong! ảnh 1

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Do sự nôn nóng của một số nhà tài trợ

Sau nhiều lần đề nghị PV đưa ra các câu hỏi, thư ký buổi họp thông báo đã thống kê, ghi nhận tổng cộng 21 câu hỏi. Sau đó mời ông Hùng có ý kiến về việc này. Thế nhưng 21 câu hỏi của báo chí đưa ra tại cuộc họp báo chỉ được ông Hùng gói gọn, trình bày trong khoảng 10 phút, với những nội dung như: Không chỉ người dân Thủ đô mà hàng triệu khách du lịch, bạn bè quốc tế cũng ý thức được rằng, cây xanh Hà Nội có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội. Do đó ứng xử với cây xanh đã được các văn bản của Chính phủ, Quốc hội quy định.

“Vừa qua có kế hoạch chặt hạ, thay thế cây xanh trên nhiều tuyến phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh, Phố Huế, Hàng Bài… là một chủ trương đúng đắn, đúng quy định đã được các cơ quan của thành phố thực hiện”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, việc triển khai chủ trương trên còn thiếu thông tin, thiếu minh bạch và một số nhà tài trợ đã nôn nóng khi chặt hạ, thay thế cây xanh. Những nhà tài trợ này hôm nay chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ sau cuộc họp. Ông Hùng khẳng định, không có lợi ích nhóm, không có gì khuất tất trong việc thực hiện; sự đóng góp của người dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cần được trân trọng, thành phố phải cảm ơn họ.

Về việc triển khai chủ trương trên chưa được thông tin rộng rãi, khiến người dân bức xúc, hiểu lầm, ông Hùng nhận trách nhiệm: “Tôi xin nhận thiếu sót của các đơn vị tổ chức đã để xảy ra sự việc trên. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm việc này”.

Họp báo vụ Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh: 10 phút thế là... xong! ảnh 2

Hàng cây bị chặt hạ ngổn ngang trên đường Hà Nội. Ảnh: Bình Minh.

Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh, mọi sự thành bại của các chủ trương, chính sách đều do dân, nếu không được lòng dân mọi chính sách sẽ thất bại và ngược lại. Từ nay, những việc có liên quan đến đông đảo người dân, xã hội thành phố sẽ thận trọng, cùng với đó là xin ý kiến và cầu thị lắng nghe, nhằm thực hiện cho đúng mọi chủ trương.

Với số lượng cây, gỗ thu được khi chặt hạ, thay thế, ông Hùng cho biết, nếu cây đánh chuyển sẽ được đưa về vườn ươm, còn chặt hạ được tập kết thành khu vực để tổ chức bán đấu giá. Nếu báo chí có nhu cầu đơn vị thực hiện sẽ đưa xuống tận nơi để thực tế, nắm bắt.

“Sau buổi hôm nay sở ngành, cơ quan chức năng có liên quan cung cấp đầy đủ, trả lời chi tiết từng nội dung câu hỏi cho cơ quan báo chí đã đặt vấn đề. Nếu cơ quan chức năng nào không trả lời đầy đủ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố. Cảm ơn phóng viên báo đài đã đến dự buổi họp ngày hôm nay”, nói xong nội dung này, ông Hùng đứng dậy bước ra khỏi phòng họp trong sự bất ngờ của hơn 300 phóng viên.

Khi ông Hùng đứng dậy bước đi, nhiều PV tiếp tục đề nghị chủ tọa trả lời 21 câu hỏi của PV. Tuy nhiên, ông Hùng đã bước ra khỏi phòng họp. Lãnh đạo các sở ngành có mặt như: Sở Xây dựng, Sở GTVT, Cty Công viên cây xanh Hà Nội… thấy lãnh đạo thành phố đi ra ngoài cũng lần lượt đi theo.

Nhà tài trợ là ai?

Theo UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã đề xuất cho thay thế 6.700 cây, thực hiện từ 2015- 2017 với kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng. Đến nay, đã có một số đơn vị đăng ký tham gia, thực hiện trên các tuyến phố theo hình thức xã hội hóa như Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Công ty CP Thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công an thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác.  

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Mục tiêu là làm cho thành phố xanh hơn, đẹp hơn

Phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo quận Nam Từ Liêm sáng qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, việc thành phố chặt, thay đổi cây xanh trên một số tuyến phố đã gặp phải phản ứng nhiều chiều từ dư luận, có khen, có chê. 

Mục tiêu của đợt điều chỉnh cây xanh lần này là làm cho thành phố xanh hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên trước sự phản ứng của dư luận, ông Nghị cho rằng cần xem lại cách làm, cách tuyên truyền của thành phố.

Minh Tuấn

MỚI - NÓNG