Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Hướng tới chăm sóc sức khỏe cho từng người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác y tế năm 2017. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác y tế năm 2017. Ảnh: TTXVN.
TP - Chiều 12/1, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020. Hội nghị diễn ra tại 700 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 12.000 người. Chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Chưa khắc phục được quá tải

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ do Chính phủ công bố đã tăng 9 bậc so với 2015, từ xếp thứ 17/19 bộ, ngành lên thứ 8/19 bộ, ngành... Ngành y tế cũng sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi-rubella và dự kiến đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Năm 2016, cũng là năm có em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ. Đến nay, có hơn 30 trường hợp đã sinh con trong số 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt và thực hiện...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, trong năm 2016, hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu còn hạn chế, cơ sở vật chất tuyến dưới còn nghèo nàn, nhân lực còn thiếu và yếu về chất lượng, nên người dân chưa tin tưởng. Việc kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ đến sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm chưa cao; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; tình trạng quá tải BV vẫn hiện hữu…

“Ngành y tế còn tồn tại tình trạng quá tải ở các bệnh viện, xảy ra những sự cố đáng tiếc, vẫn còn tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ tại bệnh viện, chưa đào tạo quản lý bệnh viện chuyên nghiệp, nhiều cán bộ y tế lợi dụng, cải cách thủ tục hành chính trong bệnh viện còn nhiều bất cập”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý ngành y tế còn tồn tại tình trạng quá tải ở các BV,  xảy ra những sự cố đáng tiếc, vẫn còn tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ tại BV, chưa đào tạo quản lý BV chuyên nghiệp, nhiều cán bộ y tế lợi dụng, cải cách thủ tục hành chính trong bệnh viện còn nhiều bất cập, việc xây dựng BV tuyến trung ương chậm tiến độ, lợi ích nhóm trong mua sắm đấu thầu trong BV, công tác quản lý y tế còn yếu gây thất thoát lớn, chính quyền các địa phương chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh tại địa phương, mô hình y tế chưa thống nhất... Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế vô cảm với nỗi đau của người bệnh, vấn đề giá thuốc.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, với trọng tâm là y tế cơ sở, hướng tới việc chăm sóc cho từng người dân. Tập trung đẩy nhanh công tác xây dựng BV tuyến cuối, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để đưa các BV vào hoạt động, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở với tinh thần mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập...

Xem nhẹ văn hóa, không thể phát triển bền vững

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Sau báo cáo của Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thủ tướng ghi nhận một số điểm sáng của ngành VHTTDL năm 2016: Lần đầu Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng. Lần đầu Thể thao Việt Nam đoạt một huy chương vàng, một huy chương bạc, thiết lập kỷ lục Olympic Rio 2016, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn quảng bá hình ảnh Việt Nam, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

“Điều rất đáng lo ngại hiện nay là môi trường văn hoá còn những biểu hiện thiếu lành mạnh, lệch lạc, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện những thói hư tật xấu, xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cư dân. Tình trạng khoa trương, tốn kém trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn nhiều”, Thủ tướng nói. Tồn tại khác theo đánh giá của Thủ tướng là “một thứ văn hóa lâu nay không nhúc nhích”, là sự bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt trước những vấn đề của đất nước và của xã hội. Ví dụ thấy tai nạn giao thông không cứu giúp, thấy hiện tượng tiêu cực không đấu tranh.

Thủ tướng nhấn mạnh cần có nhận thức đúng về vị trí của văn hóa, phải coi văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu. “Chúng ta cứ tưởng tượng nếu một đất nước chỉ có kinh tế không, không có văn hóa, thể thao, du lịch thì làm sao đất nước phát triển được”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển văn hóa bền vững hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Điều này được nhắc đến trong một nghị quyết trung ương về khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa.

Không chỉ quan tâm tới văn hóa ở góc độ rộng lớn, Thủ tướng đề cập đời sống văn hóa tinh thần nhiều nơi còn nghèo nàn, thiếu các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp. “Tôi nói tồn tại này để các địa phương cùng với ngành văn hóa phải lo tốt hơn. Công nhân đi làm từ sớm tới khuya nhưng chỗ ăn không có, chỗ tập không có, chỗ xem không có, nhà phải đi thuê”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng quan tâm tới lĩnh vực gia đình, cụ thể làm sao để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, phát huy truyền thống đạo lý dân tộc.   

Toan Toan

MỚI - NÓNG