Kèn nữ quê lúa

Kèn nữ quê lúa
TP - Thái Bình, quê hương của cánh đồng năm tấn, của nghề dệt chiếu cói, của đặc sản bánh cáy, cũng là quê hương của những đội kèn nữ nức tiếng Bắc bộ… Tiếng kèn ấy là đặc sản của những người phụ nữ nông dân tần tảo lam lũ.

> Ai tổ chức đám ma hoành tráng ở Hải Phòng?
> Nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng: Mất hứng vì không được cấp phép

Những nữ nhạc công của đồng ruộng

Về Thái Bình, hỏi thăm các đội kèn nữ, rất nhiều người biết. Các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư… đều có cả. Ngay xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) đã có 3, 4 đội. “Cứ nhìn thấy chỗ nào có nhà thờ thì hỏi, ở đó sẽ tìm được đội kèn nữ”, một người dân địa phương chỉ đường.

Kèn đồng nữ vì sao lại liên quan đến nhà thờ Thiên chúa giáo? Hỏi ra mới biết, cùng với các đội kèn nam, kèn nữ thường phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ của Giáo hội công giáo.

Mà ở Thái Bình, cứ vài làng lại có một giáo xứ, thành ra, theo một số liệu thống kê chưa chính thức, toàn tỉnh Thái Bình có đến gần 30 đội kèn nữ. Ngoài các nghi lễ trong nhà thờ, ngày bình thường, đội kèn nữ cũng tham gia phục vụ các việc hiếu, hỷ, lễ hội, nếu nhận được lời mời.

Chị Bùi Thị Nhàn lau chùi, bảo dưỡng cây saxophone của mình, chuẩn bị đi phục vụ đám hiếu gần nhà. Ảnh: Trường Phong
Chị Bùi Thị Nhàn lau chùi, bảo dưỡng cây saxophone của mình, chuẩn bị đi phục vụ đám hiếu gần nhà. Ảnh: Trường Phong.

Chị Bùi Thị Nhàn 42 tuổi, là thành viên của đội kèn nữ Quỳnh Nang (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) gần 4 năm qua. Tìm đến nhà, chờ mãi chị mới ra tiếp chuyện, vì đang bận… nấu cơm trưa cho gia đình.

Trông chị chẳng có vẻ gì giống một nhạc công. Gương mặt chị hằn lên những nếp nhăn của người phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn, trông chị già hơn so với tuổi. Dáng người nhỏ, chị không chải chuốt, cũng chẳng ăn vận sành điệu...

“Nhà có hai vợ chồng và 3 cháu nhỏ nhưng vẫn cấy hơn một mẫu ruộng và đào ao thả cá”, chị Nhàn kể. Quanh năm bận rộn với ruộng đồng, hết cấy, gặt lại chăm sóc ao cá, lo cho chồng và ba đứa con, tuy nhiên chị vẫn tranh thủ thời gian tham gia đội kèn nữ. Lễ hội nào mời đội kèn là chị tham gia. Ngày rỗi không sao, chứ vào mùa vụ, nhiều khi phải dừng việc đồng áng lại để đi cùng đội.

“Có hôm bận quá, phải tranh thủ buổi sáng đi cấy, trưa về sớm cơm nước rồi tất tả đi phục vụ”, chị Nhàn kể. Đội kèn của chị Nhàn có hơn 20 chị em, nhiều người là họ hàng thân thiết. Và tất nhiên, hầu hết các chị em đều gắn bó với ruộng đồng từ bé.

Cách nhà chị Nhàn vài ngõ là nhà chị Luấn (38 tuổi), nhạc trưởng của chị Nhàn. Chị Luấn làm nghề bán quần áo và có một cửa hàng khá to ở chợ, nhưng lại có niềm đam mê với nhạc kèn. Nhiều hôm, buổi sáng, chị Luấn ra cửa hàng bán quần áo, chiều về lại đi phục vụ lễ hội.

Dù bận rộn, nhưng do nhà có điều kiện, nên chị vẫn đảm bảo chăm sóc gia đình chu toàn, được nhà chồng hết lòng ủng hộ, động viên. “Đợt mình sinh cháu thứ ba được vài tháng, vì nhớ đội quá mà bế cả con nhỏ đến lớp học kèn”, chị Luấn kể.

Bên huyện Hưng Hà, đội kèn nữ Mỹ Đình (xã Vân Cẩm) khá nổi tiếng vì vừa giành giải nhì trong liên hoan nhạc kèn tỉnh Thái Bình năm 2012.

Chị Nguyễn Thị Thanh Viên (41 tuổi), nhạc trưởng, chia sẻ, đội của chị mới thành lập được hơn một năm. Bản thân chị Viên, ngoài việc quanh năm canh tác hơn 3 sào ruộng, còn chăn nuôi thêm vài đàn lợn và làm máy xay xát gạo. Gần 30 chị em trong đội kèn của chị Viên đều làm nông nghiệp cả, bận rộn quanh năm.

“Rời ruộng đồng, mấy con lợn và cái máy xát thì đến với kèn. Chị em sinh hoạt có nhóm, có hội cũng là một thú vui trong cuộc sống”, chị Viên tâm sự.

Tốn kém nghiệp kèn

Chị Nguyễn Thị Thanh Viên với một cây saxo và một cây darinet. Ảnh: Trường Phong
Chị Nguyễn Thị Thanh Viên với một cây saxo và một cây darinet. Ảnh: Trường Phong.
 

Trèo lên thang, lấy chiếc vali màu ghi từ trên gác xuống để chuẩn bị đi phục vụ đám hiếu gần nhà, chị Nhàn mở nắp, nhẹ nhàng mang cây saxophone ra lau chùi cẩn thận. Để sở hữu chiếc kèn này, chị phải bán đi mấy tạ thóc: “Chăm kèn như chăm con ấy. Nó mà rơi, bị méo thì khó sửa lắm”.

Cũng vì đắt thế mà các chị quý kèn như báu vật. Thổi xong là lau chùi cẩn thận, khóa vào trong vali và cất đi, tránh cho trẻ con động vào. Trong đội, cây saxo của chị thuộc loại rẻ nhất, mà cũng trị giá tới hơn 2 triệu đồng.

“Cái đắt có thể lên tới vài chục triệu. Mình dùng cái tàm tạm cũng được rồi”, chị Nhàn nói. Tính riêng tiền mua kèn, đội của chị Nhàn tốn 140 triệu đồng. Còn đội kèn Mỹ Đình của chị Viên trị giá tới gần 190 triệu. Đó là chưa kể đến chi phí may trang phục, đồng phục đi biểu diễn. “Mỗi bộ đồng phục cũng tiền triệu chứ chả ít. Đầu tư vào nghiệp kèn tốn kém lắm”, chị Viên chia sẻ.

Đó mới là chi phí ban đầu. Để có thể thành thục thổi các bài kèn của nhà thờ, các bài kèn thông dụng của lễ hội, hiếu, hỷ, các chị phải thuê thầy từ nhạc viện quốc gia về dạy thường xuyên.

 Chúng tôi sang Nam Định, các chị ở đó chê, bảo đàn bà con gái lại phồng má, trợn mắt ra thổi kèn thì mất hết nữ tính, duyên dáng, nhưng khi thấy chúng tôi mặc đồng phục trắng, thổi kèn theo bài, theo nhịp thì lại khen lấy khen để”. 

Chị Luấn kể, tiền thuê thầy mỗi buổi tốn gần 1 triệu, còn phải bao trọn ăn ở: “Thổi kèn kêu thành tiếng thì đơn giản, nhưng để thổi thành bài thì phải học nhiều”. Lại còn chuyện cập nhật các bài mới cho hợp với các chương trình khách hàng yêu cầu, cũng phải thuê thầy về dạy. “Đã dính vào là mê, các chị em có bầu vài tháng, hoặc có con nhỏ cũng vẫn đi học và biểu diễn”. Riêng với thiếu nữ, các đội kèn không bao giờ nhận vì sợ “sau khi thành nghề rồi, lấy chồng lại bỏ đội”, chị Luấn nói.

Các đội kèn nữ thường được mời nhiều hơn kèn nam vì người ta cho rằng tiếng kèn của các chị trong, hay và êm dịu hơn. Có nhiều chương trình ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương…, nhà tổ chức biết tiếng của kèn nữ Thái Bình cũng tìm đến mời đi biểu diễn.

“Chúng tôi sang Nam Định, các chị ở đó chê, bảo đàn bà con gái lại phồng má, trợn mắt ra thổi kèn thì mất hết nữ tính, duyên dáng, nhưng khi thấy chúng tôi mặc đồng phục trắng, thổi kèn theo bài, theo nhịp thì lại khen lấy khen để”, chị Luấn kể. Mỗi chuyến đi như thế, chủ nhà trả vài triệu đồng. Nếu phục vụ tốt, người ta còn bồi dưỡng thêm. “Trừ chi phí, trang trải nhiều thứ, bảo dưỡng kèn, mỗi chị em cũng được chút ít tiền mang về”.

Trung bình mỗi tháng, các chị cũng kiếm thêm được vài triệu đồng, lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng mỗi chuyến đi như thế, ít nhất phải mất 2 – 3 ngày xa gia đình, chồng con. “Phận nữ nhi, phải cố gắng nhiều lắm mới theo được nghiệp kèn”, chị Viên nói.

Không chỉ phục vụ nghi lễ nhà thờ, lễ hội, hiếu hỷ…các đội kèn nữ Thái Bình còn tham gia thi tài với kèn nam. Trong kỳ liên hoan nhạc kèn toàn tỉnh Thái Bình năm 2012, ba đội kèn nữ xuất sắc vượt qua nhiều đội kèn nam để giành giải nhì, trong đó có đội kèn Mỹ Đình. Chị Viên bảo, thời gian tới, sẽ còn nhiều đội kèn nữ mới được thành lập vì phong trào đang lên cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG