Khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tư nhân: Còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ

Khám chữa bệnh ở cơ sở tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Khám chữa bệnh ở cơ sở tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
TP - Ngày 28/6, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách pháp luật BHYT với các cơ sở y tế tư nhân và ký kết Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Gia tăng cơ sở KCB tư nhân

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2015, cả nước có 365 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB BHYT. Trong đó, phòng khám là 210 cơ sở, bệnh viện tư nhân 155 (các bệnh viện được xếp tương đương bệnh viện hạng 2).

Năm 2016, số lượng cơ sở KCB tư nhân KCB BHYT là 418 cơ sở. Trong đó, phòng khám 272, bệnh viện 146 cơ sở, tương đương bệnh viện hạng 2 còn 63 cơ sở và bệnh viện hạng 3 là 83 bệnh viện KCB BHYT.

Năm 2017, với 444 cơ sở KCB từ phòng khám trở lên. Phòng khám 292, bệnh viện 152 cơ sở, trong đó tương đương hạng 2 là 71 bệnh viện và tương đương hạng 3 là 81 bệnh viện KCB BHYT. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các cơ sở KCB tư nhân thực hiện KCB BHYT. 

Số giường bệnh của các bệnh viện tư nhân phổ biến có từ 60 đến 100 giường bệnh. Một số bệnh viện tư nhân có số giường kế hoạch cao như: BVĐK Hợp Lực - Thanh Hóa: 550 giường, BVĐK Cửa Đông - Nghệ An: 250 giường, BV Quốc tế Hải Phòng: 170 giường…

Trong năm 2015, tổng số lượt KCB BHYT tại các cơ sở KCB tư nhân là 6.514.617 lượt với tổng số tiền chi phí KCB BHYT thanh toán là 2.834 tỷ đồng. Năm 2016, tổng số lượt KCB BHYT là 16.604.138 lượt; so với năm 2015 tăng 255%, tổng số tiền chi phí KCB BHYT thanh toán là 6.617 tỷ đồng tăng hơn 233% so với chi phí 2015. 

Trong quý I/2017, số lượt KCB là 4.226.854 lượt và chi phí KCB BHYT là 1.591 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2017, số lượt KCB BHYT trên 21 triệu lượt, tăng trên 30% so với năm 2016 và số tiến ước chi trên 7.900 tỷ đồng tăng gần 20% so với năm 2016.      

Tại các bệnh viện tư nhân, chi bình quân một đợt KCB ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3.584.312 đồng. Trong khi đó, chi phí bình quân của cả nước ngoại trú là 202.000 đồng/lượt và chi phí bình quân điều trị nội trú là 2.748.000 đồng/đợt.

Một số bệnh viện tư nhân có chi phí bình quân một lượt KCB ngoại trú cao như: Bệnh viện Việt Pháp - TPHCM 4.166.392 đồng; Bệnh viện Tân Sơn Nhất - TPHCM 3.658.956 đồng; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec - Hà Nội 2.908.463 đồng; Bệnh viện Phụ Nữ - Đà Nẵng: 1.649.121 đồng; Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế - TPHCM 1.356.546 đồng… Một số bệnh viện có chi phí bình quân một đợt điều trị nội trú cao như: Bệnh viện Tim Tâm Đức - TPHCM 22.033.584 đồng; Bệnh viện Đông Đô - Hà Nội 14.710.041 đồng (bệnh viện chuyên khoa tim mạch); Bệnh viện Tâm An - Thanh Hoá 13.235.079 đồng; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park - TPHCM 9.598.747 đồng; Bệnh viện Quốc tế City - TPHCM 8.903.653 đồng.

Còn nhiều tồn tại

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, vì Bộ Y tế chưa ban hành được thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng cho các bệnh viện KCB ngoài công lập, dẫn đến tình trạng vướng mắc trong việc áp giá thanh toán chi phí KCB BHYT, xác định tuyến KCB BHYT… Một số văn bản quy định về KCB của Bộ Y tế chậm được sửa đổi, bổ sung như Quy chế bệnh viện..., dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện KCB tại các cơ sở KCB nói chung và tại cơ sở KCB tư nhân nói riêng chậm được giải quyết.

Bộ Y tế cũng chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn... dẫn đến các vướng mắc trong quá trình giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT, đặc biệt là liên quan đến chỉ định điều trị và thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Cũng theo ông Phúc, dù Bộ Y tế đã ban hành một số quyết định quy định về định mức nhân lực, thời gian, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế nhưng không triển khai đến các cơ sở KCB, dẫn đến các cơ sở KCB không biết định mức này để thực hiện. Vì vậy, có sự chưa thống nhất trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT.

Mức giá một số dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được phê duyệt theo thông tư số 37 chưa phù hợp với chi phí thực tế, có một số DVKT thấp hơn chi phí thực tế, còn lại hầu hết các DVKT cao hơn nhiều so với chi phí thực tế của các cơ sở bỏ ra, dẫn đến tình trạng cơ sở KCB tập trung chỉ định người bệnh thực hiện nhiều DVKT này nhằm thu lợi cao.

Ông Lê Văn Phúc cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đối với các cơ sở KCB tư nhân, chỉ đạo các Sở Y tế không được phân biệt đối xử giữa các cơ sở KCB của nhà nước và của tư nhân (công lập và ngoài công lập) trong việc: chuyển tuyến KCB, hướng dẫn chuyển giao chuyên môn và thanh tra kiểm tra…

Bộ Y tế cũng cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc xếp hạng đối với bệnh viện tư nhân làm cơ sở để cơ quan BHXH và bệnh viện tư nhân ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định. Khẩn trương ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định của Luật BHYT làm cơ sở để các cơ sở KCB nói chung, cơ sở KCB tư nhân nói riêng thực hiện và là cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT. 

“Vì Bộ Y tế chưa ban hành được thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng cho các bệnh viện KCB ngoài công lập, dẫn đến tình trạng vướng mắc trong việc áp giá thanh toán chi phí KCB BHYT, xác định tuyến KCB BHYT…”

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).