Khánh Hoà: Sống chung với xỉ đồng

Khánh Hoà: Sống chung với xỉ đồng
Mùa mưa, dòng nước từ bãi xỉ đồng (nix) chảy ngập khắp nơi. Ở thôn Mỹ Á, Ninh Thủy, Ninh Hoà, người dân phải ăn uống bằng nước nơi khác, có người phải chuyển đi vì không đủ gan “sống chung với nix”.

Tới Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS) ở thôn Mỹ Á, Ninh Thủy, Ninh Hoà, Khánh Hoà, theo tỉnh lộ 653 ở phía Bắc hay theo quốc lộ 26B ở phía Tây, từ khá xa người ta đã có thể thấy bãi nix (xỉ đồng) thải của HVS ở trên một sườn núi.

Toàn bộ thôn Mỹ Á ở thấp hơn bãi nix thải rộng hơn 3 ha này, trong đó khoảng 20 nhà dân ở xóm phía Nam thôn nằm ngay phía dưới nó. Với vị trí như thế, bụi nix thải theo gió phát tán xuống khu dân cư là điều tất nhiên.

Nhà anh Nguyễn Em ở cách bãi nix thải chưa đầy 200m, bên con đường hàng ngày xe chở nix thải vào ra. Anh cho biết, ngoài việc phải hít thở bụi nix thải 3 năm nay, dân xóm anh còn mối lo về chất lượng nguồn nước.

Mùa mưa, dòng nước từ bãi nix thải chảy ra qua vườn nhà anh đen ngòm. Hiện nay, gia đình anh và một số gia đình trong xóm phải ăn uống bằng nước ở nơi khác, chỉ dùng nước giếng để tưới cây. Có người đã phải chuyển đi vì không đủ gan để tiếp tục “sống chung với nix”.

Tường bao bãi nix thải được xây khá cao, nhưng những đống nix thải còn cao hơn nhiều, như những ngọn đồi nhỏ. Phần lớn bãi nix thải không được che phủ, nhiều chỗ được che phủ cũng như không vì các tấm bạt đã mục nát tơi tả. Trong phòng ở và làm việc của nhân viên bảo vệ bãi nix thải bên cạnh trạm xử lý nước, ruồi bám đen đặc trên mọi vật.

Xử lý nửa vời

Khi cho phép HVS tạm lập bãi nix thải ở Mỹ Á, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đặt 4 điều kiện. Đó là không để nix thẩm thấu xuống lòng đất, có tường bao quanh bãi nix thải đủ cao, phía trên có che phủ để chống phát tán và nước thải từ bãi nix thải phải đạt tiêu chuẩn loại A. HVS đã đúc bê tông nền bãi nix thải, xây tường bao và trạm xử lý nước thải, phủ bạt...

Tuy nhiên theo người dân và cán bộ xã Ninh Thủy, những việc làm này không đến nơi đến chốn, nix vẫn phát tán theo gió, mùa mưa phần lớn nước trong bãi nix thải vẫn tự do chảy tràn ra ngoài…

Quá bức xúc, ngày 11/3/2005 nhiều người dân thôn Mỹ Á đã ngăn chặn các xe chở nix thải vào bãi nix thải. HVS đã phải dùng xe ủi mở đường, làm hư hại nhiều xe máy của họ…

Sau “sự kiện 11/3”, ngày 16/3/2005 đại diện Sở TN – MT tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Ninh Hòa và UBND xã Ninh Thủy đã kiểm tra bãi nix thải theo đề nghị của HVS.

Họ xác nhận những nơi nền nứt vỡ đã được gia cố kín và chắc chắn, hơn 90% diện tích bãi nix thải đã được che phủ bằng những tấm bạt 20 x 20 m. Tuy nhiên như đã nêu, thực trạng hiện nay ở BNT khác với xác nhận trên.

Năm 2003 Cty cổ phần Sao Vàng (Savaco) đã xây dựng Xí nghiệp sản xuất gạch từ nix thải của HVS, với công nghệ và thiết bị của Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho dù sản phẩm bán được, thiết bị của Savaco chạy hết công suất cũng chỉ tiêu thụ được 30.000 tấn nix thải/năm, chưa bằng 1/3 lượng nix thải hàng năm của HVS.

UBND tỉnh Khánh Hòa từng “dọa” sẽ không cho HVS nhập nix nếu không có biện pháp xử lý triệt để nix thải. Tất nhiên lời “dọa” này không được thực hiện, bởi nếu vậy sản xuất của HVS sẽ đình trệ, đời sống của hơn 4000 công nhân ở đây sẽ bị ảnh hưởng.

Lại có đề xuất di dời các hộ dân khỏi vùng bị ô nhiễm nix thải. Đây dường như là sự trái khoáy, người ta đang sinh sống ổn định phải bị dời đi, còn BNT ban đầu được xác định chỉ là “tạm trú”, nay mặc nhiên được “nhập khẩu thường trú”.

Tại sao không tính đến việc “hạ sơn”, thậm chí “hạ thổ” bãi nix thải ở Mỹ Á? Thiết nghĩ, đó mới là biện pháp cần làm sớm, để tiến tới việc xử lý triệt để vấn đề nix thải của HVS gây ô nhiễm môi trường. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.