Khánh thành hai công trình trọng điểm tại Nghệ An

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo trung ương, bộ, ban ngành và địa phương cắt băng khánh thành Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo trung ương, bộ, ban ngành và địa phương cắt băng khánh thành Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An.
TPO - Trong ngày 3/9, Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ cùng nhiều lãnh đạo TƯ và địa phương đã dự lễ khánh thành 2 công trình trọng điểm tại tỉnh Nghệ An.

Sáng ngày 3/9, tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Nghệ An diễn ra lế cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị -  Phó Thủ tướng chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng - Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, cùng nhiều cán bộ các bộ, ban, ngành, địa phương.

Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm được khởi công xây dựng vào tháng 2/2013 dưới sự tư vấn đầu tư của ngân hàng Bắc Á với tổng mức đầu tư hơn 6000 tỷ đồng (tương đương 300 triệu USD). Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư 100 triệu USD với dây chuyền sản xuất gỗ thanh công suất 12.000m3/năm và chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000m3/năm. Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, nâng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000m3/năm và nhà máy ván sợi MDF lên 400.000m3/năm.

Đây nhà máy với quy trình khép kín, tự động hóa hoàn toàn từ khâu nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm hoàn thiện đầu ra. Dự tính khi đi vào hoạt động nhà máy có lợi nhuận trước thuế khoảng 7 đến 8 triệu USD/năm và góp vào ngân sách tỉnh Nghệ An khoảng 2 triệu USD tiền thuế/năm.

Ngoài việc sản xuất tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương thì nhà máy còn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu tại các vùng miền núi miền Tây Nghệ An. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả từ sản xuất rừng cho các nông, lâm trường và các hộ cá thể tại các vùng miền núi Nghệ An vừa góp phần nâng cao hoạt động bảo vệ rừng.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao hiệu quả của dự án khi đầu tư vào khai thác thế mạnh về lợi ích của diện tích đất trồng rừng còn nhiều tiềm năng vùng miền núi miền tây Nghệ An. Đây cũng dự án khả thi giúp tạo công ăn việc làm, đem thu nhập cao cho người dân miền núi Nghệ An dựa vào trồng, canh tác sản xuất trên đất rừng đồi. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để nhà máy hoạt động hiệu quả và đảm bảo mở rộng vùng nguyên liệu để chuẩn hóa nguồn giống lâm nghiệp giúp cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động đúng công suất.

Chiều cùng ngày, đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán nhà nước cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã dự lễ cắt băng khánh thành Cầu đường bộ Yên Xuân, tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Dự án cầu đường bộ Yên Xuân có tổng mức đầu tư 730 tỷ đồng; cầu dài 1,864 km được thiết kế vĩnh cửu bằng Bê tông cốt thép, BT cốt thép dự ứng lực theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN272-05, tải trọng thiết kế HL93, bề rộng mặt cầu 9m, tần suất thiết kế cầu: 1%, cấp thông tuyến cấp III; Kết cấu nhịp chính là dầm liên tục thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, nhịp dẫn là các nhịp dầm giản đơn bằng dầm Super T. Đường hai đầu cầu kết nối với các tuyến đường trong khu vực được thiết kế với tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, bề rộng nền đường 9.0m, Bề rộng mặt đường 8m, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa chặt.

Cầu đường bộ Yên Xuân, được khởi công xây dựng vào ngày 02/10/2015. Sau 11 tháng triển khai xây dựng với sự nỗ lực thi công ngày đêm của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP (Cienco4), cầu đường bộ Yên Xuân đã hoàn tất vượt tiến độ 8 tháng, Cầu Yên Xuân sẽ cùng với đường tỉnh 558, QL15A, cầu Linh Cảm và hệ thống hạ tầng sống chung với lũ của các huyện Nam Đàn (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh)…  trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và ngắn nhất nối từ Vinh đến cửa khẩu Việt Lào. Đồng thời kết nối cụm di tích lịch sử, văn hóa hàng đầu của đất nước, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên QL1A, tuyến tránh TP. Vinh, QL15A, QL8 thúc đẩy việc thông thương, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

MỚI - NÓNG