Khâu túi... chống tiêu cực

Khâu túi... chống tiêu cực
Khu quản lý Đường bộ II (Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) vừa "phát minh" một biện pháp chống tiêu cực có một không hai: yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của các trạm thu phí phải khâu túi quần, túi áo của mình lại!
Khâu túi... chống tiêu cực ảnh 1

Minh họa: DAD

Đầu tháng 4/2006, các nhân viên của Trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hết sức ngạc nhiên khi ông trạm trưởng đột ngột thông báo: Để ngăn chặn tiêu cực xảy ra, từ ngày 15/4/2006 toàn bộ cán bộ, nhân viên của trạm phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm.

Lúc đầu các nhân viên đều nghĩ ông trạm trưởng... đùa. Một số người gọi điện thoại đến các trạm thu phí khác của Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (Cục Đường bộ) thì nhận được thông tin "sếp" bên đó cũng yêu cầu nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm! Thắc mắc lên lãnh đạo Công ty 234 thì giám đốc cho biết: "Tất cả các trạm thu phí của công ty, nhân viên phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm".

Anh N.V.T, Trạm trưởng Trạm thu phí B cho biết: "Tôi có dịp đi một số nước trong khu vực, cũng tìm hiểu về công tác thu phí của họ nhưng không thấy nơi nào buộc các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm".

Chả biết quy định này có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn chặn tiêu cực nhưng mới thực hiện được mấy ngày, nó đã khiến người ta phải cười ra nước mắt!

Trước quy định của cấp trên, anh T.M.T không biết phải "báo cáo" với cô vợ mới cưới như thế nào, nhờ mẹ thì lại càng dở. Tính toán mãi, đến đêm hôm trước ngày quy định có hiệu lực, T. phải tự làm lấy. Nửa đêm chờ vợ ngủ, T. mới lọ mọ dậy tìm kim chỉ tự khâu túi quần, túi áo của mình. Chiếc túi quần mới khâu được một nửa, cô vợ thức giấc. T. giải thích thế nào vợ anh cũng không tin, cho rằng T. bị mộng du.

Khi biết đó là quy định của cơ quan, vợ T. chép miệng: "Đúng là ngớ ngẩn!". Anh T.B.C lại gặp phải sự khó xử khác.

Anh than thở: "Tôi có hai đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Nếu chúng nhìn thấy tôi tự khâu túi quần, túi áo lại, chắc chắn sẽ thắc mắc, thậm chí nghĩ bố mình ăn cắp, ăn trộm nên cơ quan mới bắt làm như thế. Đành phải đợi chúng ngủ rồi nhờ vợ khâu giúp. Nói mãi vợ tôi mới tin, tin rồi thì bà ấy lại ôm bụng cười".

Ông N.B.M đã có thâm niên gần 20 năm làm việc ở các trạm thu phí bức xúc: "Tôi không biết tiêu cực xảy ra ở đâu chứ với tôi thì không bao giờ. Bắt tôi khâu túi quần, túi áo lại là một sự xúc phạm".

Đại diện lãnh đạo Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 cho biết: "Quy định buộc các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo không phải do công ty chúng tôi tự ý nghĩ ra. Đó là quy định của Khu quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ). Biết quy định như  vậy là rất kỳ quặc nhưng Khu yêu cầu thì chúng tôi phải thực hiện. Mà không chỉ có công ty chúng tôi, các đơn vị khác cũng đều làm thế".

Tiêu cực đã và đang xảy ra ở một số trạm thu phí, việc đẩy mạnh các biện pháp chống tiêu cực là một việc làm rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, quy định các nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm là việc làm không nên.

Lãnh đạo Khu quản lý đường bộ II thừa biết, nhân viên thu phí ở các trạm bao giờ cũng ngồi trong chốt. Có "ăn tiền" của lái xe thì họ cũng không bao giờ đút vào túi quần hay túi áo ngay, bởi vì đó là đồng tiền góp vào quỹ đen của cả kíp trực. Họ sẽ cho vào ngăn bàn hay một chỗ nào đó để chia nhau khi hết ca trực.

Quy định trên thực chất chỉ là cách trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu thực sự muốn ngăn chặn tiêu cực xảy ra ở các trạm thu phí, Khu quản lý đường bộ II có rất nhiều cách làm. Trước hết, lực lượng thanh tra của Khu hãy thực hiện kiên quyết, nghiêm chỉnh các quy định của mình. Chỉ riêng lực lượng này, Khu quản lý đường bộ II đã có tới 100 cán bộ.

Thứ nữa, nếu lãnh đạo Khu chịu khó đi "vi hành" thì việc phát hiện ra các trường hợp "ăn tiền" của nhân viên thu phí không phải là quá khó. Bằng cách đi thực tế, phóng viên báo chí đã phát hiện ra nhiều vụ tiêu cực ở trạm thu phí, không có lý gì cơ quan quản lý lại không làm được!

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.