Khi 115 ra khơi cứu người

Khi 115 ra khơi cứu người
TP - Mỗi khi nhận điện có ngư dân bị nạn ngoài khơi, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực II lại phải điện cho Trung tâm Cấp cứu 115. Các bác sĩ tất tả lên tàu cùng đi cứu nạn...

> Vụ nổ tàu cá: Hỗ trợ 15 triệu cho mỗi nạn nhân
> Lời kể của nạn nhân sống sót trong vụ nổ tàu

Người dân Lý Sơn bỏ gần nửa tỷ đồng thuê tàu đi cấp cứu

Các bác sĩ sơ cấp cứu cho ngư dân ở ngoài khơi. Ảnh: Danang MRCC.

Cứu thuyền viên Việt Namvà nước ngoài

BS Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng (115) nói, chưa có văn bản hay quyết định nào của Bộ Y tế giao cho cấp cứu 115 nhiệm vụ cứu nạn trên biển.

Nhưng với lương tâm và trách nhiệm thầy thuốc, mỗi lần biên phòng hay Danang MRCC gọi, các y bác sĩ ở đây lại lên đường, không quản gian khổ.

Đã hơn 10 năm trời, Trung tâm phối hợp các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ngư dân ngoài khơi, cứu chữa khẩn cấp hàng trăm ngư dân Việt Nam, thuyền viên nước ngoài.

 Nếu có đủ điều kiện như thiết bị liên lạc vệ tinh, rồi có trực thăng sẵn sàng đưa bác sĩ đi cứu hộ, có thể nói, những cái chết của ngư dân trên biển vì bệnh sẽ được hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, hiện cấp cứu trên đất liền còn thiếu thốn, nói gì trên biển. Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, có gì dùng nấy, các y bác sĩ 115 chúng tôi vẫn sẵn sàng xuống tàu ra khơi cứu người.

BS Nguyễn Tấn Phó

BS Tôn Thất Tuấn kể, một lần vào năm 2006, anh lên tàu SAR 374 ra khơi giữa mưa to gió lớn. Ngư dân bị nạn ở Trường Sa, cách bờ hàng trăm hải lý. Tàu chạy hết tốc lực, nhưng biển động mạnh nên phải mất hơn một ngày đêm mới tìm được vị trí ngư dân.

Nhưng rồi với những con sóng như nóc nhà, không thể thả thúng để cập được mạn tàu. Anh em phải dùng dây nối giữa 2 tàu. Một đội cứu hộ sang trước, sau đó hai bên cùng níu giữ thang dây cho các y bác sĩ bám qua.

“Qua một ngày đêm trên tàu lắc lư, các y bác sĩ ai nấy nôn mật xanh mật vàng, nhưng trước sinh mạng của ngư dân cũng phải cố ngóc đầu dậy mà qua. Nói dại, lỡ sơ suất một tí thì rớt xuống biển mất xác. Rất may, mọi chuyện êm đẹp, các ngư dân được sơ cứu ban đầu nên ổn cả”, BS Tuấn nhớ lại.

Với BS Hồng, lần ra khơi cấp cứu ngư dân trên tàu QNg 2064 bị nạn ở Hoàng Sa hồi năm 2011 đem lại nhiều cảm xúc nhất.

Mặc dù tàu SAR 412 rất to, chạy êm, nhưng chị Hồng cùng một nữ bác sĩ đi cùng cũng say nhừ tử, nằm bẹp cả đêm. Vậy mà sáng hôm sau, khi tiếp cận tàu bị nạn, 2 nữ bác sĩ lại phắt dậy, sơ cứu ngư dân. Chuyến đi đó, các bác sĩ Việt Nam cũng sơ cấp cứu luôn cho các thuyền viên Trung Quốc, Ấn Độ của một tàu hàng bị nạn gặp trên đường.

Nhiều mong mỏi

BS Nguyễn Tấn Phó, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng trăn trở: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ cũng như một ít cơ sở vật chất, dụng cụ tốt hơn cho việc cấp cứu ngư dân.

“Đa số ngư dân bị bệnh hoặc gặp tai nạn bất ngờ khi đang đánh bắt trên biển đều phải tự cứu nhau, trước khi chờ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tiếp cận. Mặc dù vậy, với những căn bệnh quái ác như đau ruột thừa, đa số đều chết trước khi vào bờ”.

Theo BS Phó, khi ngư dân gặp nạn hoặc bị bệnh, họ thường gọi về cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 2 (Danang MRCC), sau đó, trung tâm này kết nối với trung tâm cấp cứu 115 và các bác sĩ bắt đầu hướng dẫn cho ngư dân tự sơ cứu qua điện thoại. Vì thế, hầu như ngư dân khắp miền Trung, từ Huế đến Khánh Hòa đều gọi giúp đỡ qua 115 Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC, cho biết, bây giờ các bác sĩ của 115 Đà Nẵng cùng với anh em cứu hộ như những bộ phận không thể tách rời.

Quy trình là ngay khi kết nối được với 115, Danang MRCC sẽ kết nối cuộc đàm thoại giữa bác sĩ và ngư dân lên sóng Đài Duyên hải miền Trung.

BS Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc 115 Đà Nẵng, khẳng định: “Vô cùng khó khăn trong công tác cấp cứu ngư dân. Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi thường tự hướng dẫn ngư dân cách sơ cấp cứu. Ví dụ như chuyện của một ngư dân bị đau ruột thừa ở ngoài Hoàng Sa, các bác sĩ chỉ còn cách hướng dẫn họ cho uống nhiều nước, đổ sữa cầm hơi. Trong điều kiện bệnh viện với thiết bị đầy đủ, hiện đại, làm việc trực tiếp, việc chẩn đoán còn khó khăn huống chi qua điện thoại câu được câu mất”.

Theo BS Thảo, công tác đảm bảo sức khỏe cho ngư dân đang bị bỏ rơi. “Ngư dân cứ tưởng là khỏe vì quen sóng nước, nhưng không thể nói trước những bệnh tật trong người như ruột thừa, huyết áp…, rồi có những tai nạn bất ngờ xảy ra, nhiều khi họ không biết cách sơ cấp cứu. Chúng tôi nhiều lần đề nghị mở những lớp hướng dẫn sơ cấp cứu cho thuyền trưởng, thuyền viên lúc ngư nhàn, rồi trang bị đồ dùng y tế, thuốc men trước khi ra khơi. Tuy nhiên, thiếu kinh phí vẫn là câu chuyện muôn thủa”, BS Thảo nói.

Người dân Lý Sơn bỏ gần nửa tỷ đồng thuê tàu đi cấp cứu

TP - Ông Mai Hữu Hậu, Giám đốc Bệnh viện huyện Lý Sơn, cho biết, tổng kết năm 2012, có 27 bệnh nhân là người dân trên đảo đã phải thuê tàu khách chở vào Bệnh viện Quảng Ngãi cấp cứu. Bình quân mỗi ca cấp cứu thuê trọn gói tàu khách với giá 15-18 triệu đồng, tính ra, riêng chi phí chuyên chở đã hết trên 450 triệu đồng.

Theo lãnh đạo bệnh viện, đảo Lý Sơn vẫn chưa có điện lưới nên bệnh viện không có máy thở, tủ bảo quản máu. Một số trang thiết bị hiện đại ở đây phải trùm mền vì không có điện. Đội ngũ y bác sĩ bệnh viện có nhiều người đã học chuyên khoa 1, nhưng khi mổ vẫn run vì nếu có sự cố thì không có máu để tiếp cho bệnh nhân.

Nhiều gia đình ngư dân trên đảo có hoàn cảnh khó khăn đã lâm cảnh nợ nần vì phải thuê tàu đưa người thân vào bờ cấp cứu. Cuối tháng 12-2012, bệnh nhi Trần Thị Thanh Hồng, học sinh lớp 2, được gia đình thuê tàu với giá 18 triệu đồng vào đất liền cấp cứu. Nhưng cháu Hồng không qua khỏi, gia đình lại phải thuê tàu chở xác ra đảo.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đã chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện thống kê hoàn cảnh từng gia đình bệnh nhân đã thuê tàu vào đất liền cấp cứu để có hướng giúp đỡ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG