Khi niềm tin trở thành 'thảm đỏ'

Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Ảnh: Như Ý.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Ảnh: Như Ý.
TP - Ở diễn đàn Quốc hội, lòng tin của nhân dân chính là “thảm đỏ” trong hành trình làm đại biểu nhân dân của các đại biểu. Muốn được như vậy thì đại biểu phải đặt mình vào tâm thế của cử tri và hành động vì cử tri, vì người dân.

Sức mạnh đến từ niềm tin

Trong những lần phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh đến tinh thần “đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, hành động”. Ðiều này có phần trách nhiệm không nhỏ của mỗi đại biểu. Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trước hết phải là bộ máy, là những “công dân có trách nhiệm” với các vấn đề liên quan đến đời sống, đến con người. Ðồng thời, phải vận động không ngừng để phục vụ một cách tốt nhất cho nhân dân, thúc đẩy sự minh bạch trong tiến trình phát triển thông qua việc giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm trước những vấn đề trọng yếu của đất nước.

Vinh dự, xúc động nhưng cũng đầy lo lắng. Có lẽ đó là cảm xúc đầu tiên của các đại biểu trẻ khi biết mình trúng cử đại biểu Quốc hội. Nhưng khi chính thức được xác nhận tư cách đại biểu, trong giây phút thiêng liêng chào cờ khai mạc kỳ họp, mỗi đại biểu lại ý thức một cách đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn về vai trò, trách nhiệm của một đại biểu dân cử. 

“Tôi nhận thức rằng, lòng tin của nhân dân, của cử tri chính là “thảm đỏ” trong hành trình làm đại biểu nhân dân của mình. Muốn được như vậy thì phải đặt mình vào tâm thế của cử tri và hành động vì cử tri, vì người dân. Là một đại biểu kiêm nhiệm, lại đang công tác trong ngành lao động, thương binh và xã hội, tôi chỉ mong có thật nhiều thời gian để đầu tư chuyên sâu hơn đối với hoạt động của một đại biểu Quốc hội”, đại biểu Quốc hội trẻ Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ.

Ðại biểu thường quan niệm, niềm tin của cử tri chính là sức mạnh, không “liều thuốc tăng lực” nào thay thế được. Với các đại biểu trẻ tham gia lần đầu lại càng cần đến nhiều hơn những ý kiến thẳng thắn, sát thực với đời sống xã hội từ cử tri, là những công nhân lao động, nhà khoa học, doanh nhân, luật sư, kể cả với sinh viên học sinh... Ðây chắc hẳn là mối quan hệ hai chiều, bởi chất lượng cử tri sẽ tạo ra chất lượng đại biểu, và ngược lại.

Khi niềm tin trở thành 'thảm đỏ' ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Như Ý.

Không ngại đụng chạm

Mặc dù đang trong giai đoạn đầu, song với tinh thần đổi mới, hành động, các đại biểu đã sớm nhập cuộc, tạo nên một không khí sôi nổi ngay tại những kỳ họp đầu tiên. Và có lẽ, những gì ấn tượng nhất nằm trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Dù mới lần đầu tham dự, song không ít đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những vấn đề gai góc, nhạy cảm và không ngại đụng chạm.

“Có những phiên làm việc, dù dự định không phát biểu, nhưng khi thấy có vấn đề là tôi bật lên ngay” 

Ðại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Có thể thấy rõ, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về thép Cà Ná, đại biểu đã thẳng thắn nêu câu hỏi, liệu có vấn đề lợi ích nhóm ở dự án này hay không? Thậm chí có đại biểu còn hỏi thẳng, bộ trưởng có dám từ chức nếu dự án gây hệ luỵ? Hay tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ, một nữ đại biểu đã ấn nút tranh luận, bày tỏ sự “đau lòng” khi bộ trưởng nói việc giáo viên bị điều đi tiếp khách đôi khi chỉ là “vui vẻ”.

Chia sẻ về động lực khi đưa ra các phát biểu thẳng thắn, hầu hết đại biểu đều có cùng quan niệm, không có động lực gì ngoài việc phải nói lên tiếng nói của cử tri, những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, bức xúc. Ðặc biệt, khi lợi ích chính đáng của người dân có dấu hiệu xung đột với lợi ích của  một nhóm người có chức quyền, đại biểu Quốc hội càng phải đặt vấn đề thẳng thắn, công khai. Công khai, minh bạch không chỉ đòi hỏi từ phía Chính phủ, các thành viên Chính phủ mà cũng cần phải thể hiện quyết liệt ở chức năng kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử, trong đó có phần chất vấn thẳng thắn không ngại va chạm.

Nói về tinh thần đổi mới của Quốc hội tại các phiên thảo luận, chất vấn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, từ trước đến nay chúng ta chưa phát huy được tính chất của nghị trường. Ðây là nơi phải cọ xát nhiều, phải tranh luận để tìm ra chân lý, không được phép xuôi chiều. Thời điểm này đang là giai đoạn đầu của khoá, do vậy cần tập trung, khuyến khích các đại biểu tranh luận. “Có những phiên làm việc, dù dự định không phát biểu, nhưng khi thấy có vấn đề là tôi bật lên ngay”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Tại sao lại bị “vỗ vai”?

Theo lẽ thường, sau mỗi phiên chất vấn và tranh luận sôi nổi, các đại biểu thường nhận được những tin nhắn và cuộc gọi của cử tri, có thể là động viên, cũng có thể góp ý chân thành. Với mỗi đại biểu, đó chính là sức mạnh, niềm tin để thực hiện những gì đã hứa. Khi phóng viên đặt câu hỏi, sau những phát biểu nhạy cảm, có thể gây đụng chạm, đại biểu có bị ai đó “vỗ vai”, can thiệp?

Những câu hỏi như vậy không làm người đại biểu dân cử phân tâm, hay nhụt chí, mà khiến họ suy nghĩ ngược lại: Tại sao phải áp lực, căng thẳng khi nêu ra những vấn đề nhạy cảm, tại sao lại bị “vỗ vai”? Ðiều này có liên quan gì đến “chỉ số niềm tin” của người dân, của báo chí đối với hoạt động Quốc hội, đối với Chính phủ? Thế nào là “nhạy cảm”, đã được luật hóa chưa, hay chỉ tự đưa ra những giới hạn trong cách nghĩ, để rồi phụ thuộc vào nó và lựa chọn im lặng?

“Không một lãnh đạo có tâm, có tầm nào lại “vỗ vai” can thiệp một đại biểu Quốc hội khi họ đang thực hiện nhiệm vụ của cử tri giao cả. Nếu có, thì những cái “vỗ vai” cũng được hóa giải nhẹ nhàng, bởi lợi ích chính đáng của người dân cần được bảo vệ” 

Ðại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền

“Nếu những vấn đề thuộc quyền lợi chính đáng của người dân đều nằm trong từ ngoặc kép này mà không nói ra được, thì đại biểu nên nhìn lại mình. Không một lãnh đạo có tâm, có tầm nào lại “vỗ vai” can thiệp một đại biểu Quốc hội khi họ đang thực hiện nhiệm vụ của cử tri giao cả. Nếu có, thì những cái “vỗ vai” cũng được hóa giải nhẹ nhàng, bởi lợi ích chính đáng của người dân cần được bảo vệ”, đại biểu Hiền thẳng thắn.

Nhìn nhận về các nhân tố mới, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, người đã tham gia nhiều khoá Quốc hội đánh giá, dù nhiệm kỳ này tỷ lệ tham gia lần đầu cao, song các đại biểu mới đã nhập cuộc rất nhanh, có những phát biểu rất thẳng thắn, trí tuệ và trách nhiệm. Họ đã không câu nệ vấn đề mình đưa ra là tế nhị hay nhạy cảm. Họ dám nói thẳng, dám đối diện với những vấn đề mà nhiều người e ngại, né tránh. Với tinh thần này, các đại biểu dân cử đã bước đầu thể hiện trách nhiệm với công việc chung, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin cậy mà cử tri và nhân dân gửi gắm.

MỚI - NÓNG