Khi nông dân thành kỵ sĩ

Kỵ sĩ nông dân tranh tài.
Kỵ sĩ nông dân tranh tài.
TP - Ngày 5/2, hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh Phú Yên tỏa về Di tích lịch sử văn hoá quốc gia địa đạo gò Thì Thùng (xã miền núi An Xuân, huyện Tuy An) để xem hội đua ngựa truyền thống. Nông dân thoắt trở thành kỵ sĩ, còn ngựa đua chính là những chú ngựa chuyên thồ hàng hóa, nông sản hằng ngày.

Từ mờ sáng, người dân trong vùng đã í ới gọi nhau đến hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Cùng lúc, trên những con đường về xã vùng cao An Xuân, từng dòng người, xe cộ nối đuôi nhau náo nức đổ về trường đua đông như trẩy hội. Đây là một trong hai lễ hội đua ngựa truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay ở Việt Nam.

Đúng 9 giờ, tiếng trống khai hội vang lên, 32 chú ngựa đua bắt đầu tung vó, bụi bay mù mịt. Những kỵ sĩ đến từ các xã, thị trấn của huyện Tuy An nằm rạp mình trên lưng ngựa, phi nước đại theo tiếng reo hò giục giã.

Lần đầu tiên xem hội đua ngựa truyền thống, anh Nguyễn Văn Định, người dân TP Tuy Hòa (Phú Yên), phấn khởi nói: “Trước nay, tui chưa vắng mặt trong cuộc đua nào. Ngựa ở đây tuy nhỏ và là ngựa thồ, nhưng vào cuộc là chạy rất nhà nghề”. Chị Huỳnh Thị Kim Dung, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa, thổ lộ: “Tôi cùng các bạn lên An Xuân từ rất sớm để xem những chú ngựa thồ chạy đua. Xem vui lắm. Có những chú ngựa vừa rời vạch xuất phát là đứng lại không chịu chạy. Năm sau nếu có điều kiện, tôi sẽ quay lại đây xem hội”.

Hội đua ngựa Gò Thì Thùng có từ thời Pháp, đã trở thành hoạt động văn hóa, thể thao được người dân yêu thích. Trước khi bước ra trường đua, tuấn mã là những chú ngựa chuyên thồ hàng hóa, nông sản của người dân trong vùng. Còn kỵ sĩ là những chàng trai, lão nông quanh năm chân lấm tay bùn, không có ai là tay đua chuyên nghiệp. Trong những năm kháng chiến, vùng đất An Xuân trở thành căn cứ cách mạng nên hội đua ngựa không thể duy trì vì hầu hết ngựa đều tham gia tải gạo, muối lên vùng căn cứ nuôi bộ đội. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ngựa lại tiếp tục gắn bó với người dân miền núi trong thồ hàng nông sản từ nương rẫy về nhà, đến chợ.

Khi nông dân thành kỵ sĩ ảnh 1

Hàng ngàn du khách đến xem hội đua ngựa.

Năm nay, đã ngoài 60 tuổi, từng tham gia 10 cuộc đua ở hội đua ngựa Gò Thì Thùng, kỵ sĩ Nguyễn Hữu Chi, xã An Hiệp (huyện Tuy An),  cho biết: “Trước kia, ngựa được cha ông dùng để tải đạn lên Tây Nguyên và thồ hàng hóa, nông sản. Là chỉ huy đội đua của xã An Hiệp lên Gò Thị Thùng An Xuân thi đấu năm nay, tôi rất hưng phấn. Khán giả cổ vũ hết sức tận tình nên cuộc đua vô cùng hấp dẫn”. Bởi ngày hội không chỉ là dịp để những người dân trong vùng tranh tài mà còn để khoe những chú “ngựa thồ”.

Một điều đáng mừng đó là trong năm mới này, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có chủ trương đầu tư thực hiện dự án trường đua ngựa do Công ty Golden Turf Club Pty. Ltd làm chủ đầu tư tại khu vực Bãi Súng, xã An Mỹ của huyện Tuy An, với diện tích mặt đất khoảng 82ha và 13ha mặt nước, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.   

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.