Khi tiền chưa hút được bác sĩ

Các bác sĩ khám chữa bệnh cho người đồng bào dân tộc ở huyện Krông Búk ngày 26/1. Ảnh: L.N.
Các bác sĩ khám chữa bệnh cho người đồng bào dân tộc ở huyện Krông Búk ngày 26/1. Ảnh: L.N.
TP - Ghi nhận những đột phá trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các dân tộc Tây Nguyên thời gian qua, song Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hầu hết các chỉ số sức khỏe và y tế trong vùng đều kém hơn nhiều so với trung bình của cả nước.

Tại hội nghị “Tăng cường công tác y tế các tỉnh Tây Nguyên” diễn ra ngày 27/1 tại Đắk Lắk, nhiều đại biểu cho rằng, cần cơ chế riêng để tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh nghèo này.

Nâng định mức cử tuyển cho con em đồng bào dân tộc

Dù đã nâng tỷ lệ 6,42 bác sĩ/10.000 dân và bác sĩ công tác tuyến xã tăng lên 79% nhưng lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cả nước. Đại diện Sở Y tế tỉnh này nói rằng, nguồn nhân lực y tế còn thiếu trầm trọng gồm cả bác sĩ và điều dưỡng, đặc biệt là dược sĩ.

“Nếu tính tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 8, thì tỉnh Gia Lai còn thiếu khoảng gần 300 bác sĩ”- người này nói và đề nghị Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị với Chính phủ nâng định mức cử tuyển, mở rộng diện cử tuyển cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng đi học bác sĩ hằng năm.

Bác sĩ Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, tình trạng thiếu bác sĩ cũng diễn ra ở tỉnh này khi nơi đây đang thiếu 500 người. “Hiện bác sĩ về chẩn đoán và xét nghiệm thiếu khá nhiều", ông Long nói. Một tỉnh còn khó khăn như Đắk Nông tình trạng nhân lực còn khó khăn hơn. 

Bác sĩ Ngô Minh Trực - Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho rằng, dù có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng đến nay, tỷ lệ bác sĩ vẫn còn thấp, chỉ đạt 5 bác sĩ/10.000 dân. 

Theo ông Trực, điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường công tác và cơ hội phát triển chuyên môn không thuận lợi khiến bác sĩ không muốn về Tây Nguyên công tác.  

“Nếu tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II khi về công tác tại các cơ sở công lập ở tỉnh sẽ được trợ cấp 300 triệu đồng/người. Thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú là 250 triệu đồng/người. Còn bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi và khá, trung bình được trợ cấp lần lượt là 220, 200 và 180 triệu đồng/người nhưng việc thu hút vẫn khó”- bác sĩ Trực chia sẻ. 

Theo ông Trực, điều kiện sinh hoạt khó khăn, môi trường công tác và cơ hội phát triển chuyên môn không thuận lợi khiến bác sĩ không muốn về Tây Nguyên công tác. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ven - Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho rằng, nguồn nhân lực ở bệnh viện công vốn đã thiếu lại có xu hướng chuyển dịch sang bệnh viện tư hoặc đi đến các thành phố lớn.

Bệnh viện công cần có chính sách thu hút cán bộ

Tỷ lệ hộ cận nghèo ở Tây Nguyên tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn quá thấp. Riêng Đắk Lắk vẫn còn khoảng 90%, Kon Tum còn khoảng 95% và tỉnh Đắk Nông còn khoảng 97% số người chưa tham gia bảo hiểm. TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nói công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và suy dinh dưỡng trẻ em trong tỉnh đã cải thiện đáng kể, song nhiều địa phương vẫn còn gặp khó.

“Hiện vẫn còn hai huyện có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao trên 17% và còn 5 xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 20 đến 30%”- bà Yến nêu.

Trong khi các tỉnh cho rằng, công tác dự phòng và tiêm chủng mở rộng cũng là thách thức cho y tế các tỉnh nơi đây. Tỷ lệ tiêm chủng vẫn chưa đạt do thiếu nhân lực, yếu trong truyền thông và ý thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn kém...

Tháo gỡ những khó khăn này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nguồn nhân lực thiếu hụt là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay.

“Các bệnh viện công cần có chính sách thu hút các cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi”- bà Tiến yêu cầu, đồng thời cho rằng sẽ tăng cường đào tạo để bổ sung cán bộ y tế.

“Các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới. Xây dựng các chính sách khuyến khích và chính sách thu hút cán bộ y tế cao hơn nữa về công tác ở vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và các chuyên khoa khó tuyển người”- Bộ trưởng cho biết.

MỚI - NÓNG