Khi tiểu thương bắt tay nông dân

Tiểu thương vựa rau củ quả chợ đầu mối Hóc Môn đã liên kết với nông dân sản xuất nông sản sạch.
Tiểu thương vựa rau củ quả chợ đầu mối Hóc Môn đã liên kết với nông dân sản xuất nông sản sạch.
TP - Tự bỏ vốn đầu tư, bao tiêu sản phẩm, thuê kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân trồng trọt theo tiêu chuẩn rồi phân loại, đóng gói, dán nhãn… là cách mà tiểu thương TPHCM áp dụng nhằm nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản nội địa.

11 giờ đêm, hàng tấn chanh, ớt trút xuống vựa hàng của bà Thủy (chợ đầu mối Bình Điền, huyện Hóc Môn). 6 phụ nữ bắt đầu phân loại. Những trái chanh không hạt, ớt sừng xanh - đỏ được phân theo đúng kích cỡ, màu sắc… rồi đóng vào thùng cac-ton với đầy đủ tên vựa, thông tin xuất xứ sản phẩm, số điện thoại. Từ đây hàng được phân phối tới các chợ nhỏ lẻ.

Tiểu thương “bắt sóng”

Bà Thủy - chủ vựa cho biết, công việc sơ chế chanh, ớt này đã được vựa thực hiện hơn hai năm qua. “Thấy người tiêu dùng lo lắng về nguồn gốc thực phẩm, nông dân cũng lao đao vì cây trái bị nghi ngờ xuất xứ nên tôi đứng ra thu mua nông sản. Bù lại nông dân phải cam kết làm hàng sạch, thu hoạch cây trái đúng thời gian cách ly”- bà Thủy nói. Về phần mình, bà Thủy thuê thêm nhân công sơ chế, làm bao bì đóng gói sản phẩm với đầy đủ thông tin để người tiêu dùng nhận biết và chịu trách nhiệm khi có phản hồi về chất lượng sản phẩm. Mới đây bà Thủy ký được hợp đồng xuất hàng sang Singapore, đều đặn 1 container/tuần, bao gồm chanh tươi, ớt tươi các loại. Về nguồn hàng, chanh tươi không hạt bà mua ở Long An, còn ớt tươi thu mua tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh…

Không chỉ bao tiêu đầu ra lâu dài cho mặt hàng rau củ quả, chị Võ Thị Chất - chủ vựa E9 chợ Hóc Môn, TPHCM đầu tư từ cây giống, phân bón và thuê cả kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, theo dõi, giúp nhà vườn cho ra đời nông sản đạt chất lượng. Sau đó, chị cho xe xuống tận vườn thu mua, phân loại rồi đóng thùng có nhãn mác, số điện thoại, địa chỉ của vựa và phân phối đến tiểu thương các chợ. Điều kiện chủ vựa E9 đưa ra là nhà nông phải trồng “sạch”, đảm bảo an toàn. Theo chị Chất, tuy có tốn kém một chút do thuê người hỗ trợ nhà vườn, nhưng hầu hết các sản phẩm đều đạt chuẩn VietGap, khi xuất đi nước ngoài nhận được nhiều phản hồi tốt, người tiêu thụ nội địa ngày càng tin tưởng. Trung bình, mỗi ngày vựa E9 cung cấp khoảng 15 tấn hàng đi các tỉnh Bình Dương, Long An, Đắk Lắk… và xuất sang cả Malaysia, Singapore.

Ông Nguyễn Văn An, một nông dân trồng chanh ở huyện Đức Hòa, Long An cho biết cách làm này giúp ông yên tâm canh tác bởi sản phẩm được bao tiêu, còn vốn cũng không phải lo như trước do có hỗ trợ.

Thương hiệu “nông sản liên kết”

Gầy dựng lòng tin với người tiêu dùng bằng cách tự xuất tiền túi đầu tư để có nông sản sạch, nhưng giá cả thành phẩm của các tiểu thương có liên kết với nông dân vẫn ngang với các vựa kinh doanh cùng mặt hàng. Bà Bé Hai - chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, nói: “Không sợ cạnh tranh, bởi sản phẩm được đầu tư kỹ ngay từ đầu sẽ hạn chế rủi ro bị đổi, trả. Đầu tư thêm công đoạn sơ chế, nhãn mác rõ ràng, giá trị nông sản được nâng lên rõ rệt”. Bà Hai lấy ví dụ xoài cát Hòa Lộc “sạch” của bà được các tiểu thương trong nước ưa chuộng, khách hàng ở Pháp, Australia tín nhiệm, đặt hàng dài hạn mỗi tuần từ 600kg - 1 tấn.

Kết nối với nông dân làm thương hiệu cho nông sản, tiểu thương liên kết với nhau tạo thành các tổ “hợp tác mini” ngay trong chợ. Như chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức có hơn 70 tiểu thương cũng tham gia làm thương hiệu cho hàng hóa nông sản từ trái ớt, củ hành, khóm ngò (mùi) cho đến bưởi, chanh, xoài… 16 vựa rau củ quả chợ Hóc Môn đều tham gia mô hình này. Để khách hàng tin tưởng, xuất khẩu thuận lợi, tiểu thương còn đưa mẫu nông sản đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TPHCM). Nếu hàng đảm bảo đạt thì hai bên mới thỏa thuận hợp tác.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho rằng: “Việc tiểu thương liên kết với nông dân nâng tầm thương hiệu nông sản được ban quản lý chợ đánh giá cao, Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hàng hóa luôn đạt chất lượng tốt nhất. Tiểu thương nào có hàng vi phạm sẽ bị đọc tên lên loa phóng thanh. Ai bị nêu tên sẽ không bán hàng được nữa, và họ phải buộc nhà vườn làm ăn đàng hoàng”. Theo ông Dũng ngoài nông sản, sắp tới sẽ đẩy mạnh khâu liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ mặt hàng thịt heo.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.