Khổ các con chưa

Khổ các con chưa
TP - Năm học mới, một số quận trung tâm của Đà Nẵng lập hàng loạt tổ kiểm tra ban đêm để xác minh, sàng lọc các trường hợp “chạy trường” trái tuyến theo kiểu gửi gắm vào hộ khẩu nhà người quen. 

Cứ từ 5 giờ chiều đến tận nửa đêm, hàng loạt thanh tra bất ngờ đến tận từng gia đình kiểm tra nhân thân, nơi cư trú chính thức của từng học sinh. Kết cục, hàng trăm cô cậu học trò nhí vừa háo hức nhận lớp nhận bạn được mấy hôm tại các trường điểm trung tâm đã bị “loại” thẳng tay, đẩy trở về nơi cư trú theo đúng tuyến của mình. 

Chuyện ra nước mắt. Nhiều cha mẹ công phu mang quần áo, sách vở của con em mình “bài binh bố trận” ở nhà người quen, và luyện mọi tình huống trả lời cho con mình, ứng phó những câu hỏi của các cô bác thanh tra khi đột xuất ập vào. 

Ban đầu các cô cậu học sinh nhí trả lời trôi chảy theo “bài”, rằng cháu đang ở nhà này “từ xưa đến nay”. Bác thanh tra trước khi ra về, tỏ ra vui vẻ, bâng quơ hỏi: Đà Nẵng có nhiều cầu đẹp, cháu thích cầu nào nhất nhỉ? “Dạ, cầu Rồng ạ, ngày nào mẹ cháu cũng chở cháu đi học qua đấy”. Thế là xong, lòi chuyện dối gian ở một đằng học một nẻo… 

Trong khi cuộc tranh luận của người lớn trên các diễn đàn còn chưa dứt, hôm qua hàng loạt trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) được “bứt” khỏi ngôi chùa tai tiếng để đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng người già trẻ con cơ nhỡ. 

Sau nhiều dư luận trái chiều, có lẽ chỉ thời gian mới cho câu trả lời chính xác. Rằng nhà chùa hay nhà nước, nơi nào nuôi dạy tốt hơn. Nhưng ít nhất theo quan chức của thành phố, trước mắt sẽ không đủ nơi để kham nhận hết hàng trăm cháu nhỏ này. Các cháu dôi dư sẽ về đâu? 

Trong khi chộn rộn chuyện người lớn chạy mua bằng cấp, kể cả bằng tiến sĩ y khoa, thì cha mẹ của hàng vạn học sinh ở TPHCM đang đứng trước “cơ hội” phải móc túi ra vài triệu bạc mỗi người để mua cho con máy tính bảng phục vụ đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử mà ngành giáo dục thành phố vừa nghĩ ra. 

Tìm mọi cách nhét con vào trường “đẹp” chủ yếu để cha mẹ tự sướng trên facebook và hàng xóm cơ quan, khoe khoang này nọ. Mặc kệ con cái lòi mắt ra hứng chịu vô số loại bài tập đánh đố thể hiện “đẳng cấp” mà không biết để làm gì của hầu hết các trường “điểm”. Bất kể việc dạy con sự dối lừa từ quá sớm.

Báo Tiền Phong vừa đăng bài về gia đình cậu bé ở Hà Nội xin con vào học trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu vì ở gần nhà tiện đi lại. Nhưng cậu trò vẫn xuất sắc giành được học bổng của hàng loạt đại học uy tín của Mỹ. Mấy cha mẹ nào dũng cảm được thế không? 

Trẻ con lậm nhiễm và chịu đựng thói háo danh, giả dối, vơ vét thực dụng của người lớn từ quá sớm - nguy cơ ấy ngành giáo dục và các bậc cha mẹ đã nhìn ra chưa?

MỚI - NÓNG