Khô khát Tây Nguyên

Người dân chờ lấy nước giữa lòng sông Krông Năng cạn trơ đáy.
Người dân chờ lấy nước giữa lòng sông Krông Năng cạn trơ đáy.
TP - Tây Nguyên đang đối mặt cơn đại hạn khốc liệt, ao hồ trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, hàng nghìn ha cây trồng chết cháy. Nhiều người phải đi gùi từng can nước về ăn và tìm mọi cách để cứu cây trồng.

Bỏ tiền triệu mua nước cứu cà phê

Tây Nguyên giữa mùa khô nắng thiêu đốt, rẫy cà phê khát nước lâu ngày đã chuyển màu vàng úa, héo rũ. Đồng lúa nhiều chân ruộng cao bị chết cháy, vì nguồn nước từ các hồ đập, sông suối lần lượt kiệt khô. Nhiều người mất ăn, mất ngủ lo nghĩ cách cứu cây trồng. Chỉ những gia đình may mắn đào trúng mạch nước ngầm thì còn nước bán cho các chủ vườn cà phê chết khát.

Đang còng lưng di chuyển những cuộn ống tưới từ hồ này sang hồ khác, anh Lại Văn Phượng (thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) thở hổn hển nói: “Mỗi ngày 4 -5 lần di chuyển ống tưới là công việc tôi làm hơn một tuần qua. Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê, cách hồ Sơn Trung gần 2km, khi hồ còn nước, chỉ cần kéo ống bơm từ hồ lên rẫy. Từ khi hồ cạn, tôi phải mua nước từ hồ của người dân cách rẫy cà phê mấy cây số để tưới”.

Để cứu vườn cây, anh Phượng và em rể đã đi thăm dò khắp khu vực mới liên hệ mua được nước ở hồ của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số cách rẫy khoảng 3 km, với giá 60 - 100 nghìn đồng một giờ hút nước, rồi mượn lòng hồ đã khô cạn của thôn để trữ. “Để đưa được nước lên rẫy, tôi phải chở hơn chục cuộn ống (mỗi cuộn dài 50 m), đặt máy bơm hút nước về hồ chứa, rồi phải chở hơn 30 cuộn ống nữa mới bơm được nước lên rẫy. Trời nắng, để nước ở hồ lâu rất hao nên bơm về hồ vài tiếng lại kéo dây lên rẫy, một ngày tôi kéo tới kéo lui các ống nước không biết bao nhiêu lần. Không mua nước thì vườn cà phê coi như mất trắng, nhưng làm cách này chi phí cao gấp 3 - 4 lần”, anh Phượng thở dài.

Ngày 24/3, ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết đã báo cáo tình hình hạn hán và đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trọng điểm khô hạn mua dầu bơm nước tưới, chống hạn cho cây trồng.

Ông Phạm Đức Châu, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, cho biết: “Cây trồng chủ lực ở địa phương chủ yếu là cây công nghiệp và cây ăn trái cần rất nhiều nước tưới. Nhưng gần tháng nay, các ao, hồ tại địa phương không còn một giọt nước nào, diện tích cà phê, tiêu, cây ăn trái đang héo khô dần. Chính quyền địa phương cũng không còn cách nào nữa, người dân phải tự tìm cách khắc phục. Nhiều hộ phải mua nước cách rẫy vài cây số, một số hộ phải thuê người khoan giếng sâu hơn 100 m, chi phí tốn kém gấp nhiều lần mà cũng chẳng đủ tưới, giờ chỉ còn cách trông chờ tới lúc trời chịu mưa thôi”.

Hạn hán còn khiến nhiều hộ phải bỏ diện tích trồng hoa màu để dồn nước tưới cà phê. Anh Nguyễn Minh Sơn (trú xã Cư Êbua, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) mệt mỏi nói: “Nhìn vườn cà phê gần 1 ha đang vàng lá héo úa, mà xót nên phải bỏ 0,5 ha trồng hoa màu để có nước tưới cứu lấy cây cà phê, nhưng vẫn không khả quan, vì hồ nước gia đình tôi đào giờ đã cạn trơ đáy”.

Khô khát Tây Nguyên ảnh 1

Anh Lại Văn Phượng kéo ống tưới lên rẫy.

Mót nước giữa dòng sông cạn

Ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, nhiều hộ dân không có tiền mua nước tưới nên đành túc trực bên vũng nước duy nhất dưới lòng sông cạn chờ mót từng giọt nước.

Đứng giữa vườn cà phê 1,7 ha héo úa, ông Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) rầu rĩ: “Từ đầu mùa khô đến nay tôi mới tưới cà được một đợt, chưa kịp tưới đợt 2 thì đoạn sông dưới chân rẫy đã khô khốc. Tôi định nhờ người khoan giếng lấy nước cứu cà phê nhưng đang phân vân vì vùng này nhiều đá, sợ khoan tốn kém mà không có nước”.

Phía bên kia sông Krông Năng, trong cái nắng chói chang ban trưa, ông Bùi Đình Công (thôn Xuân Hòa, xã Ea Đăh) kiên trì chờ mạch nước rỉ ra đọng lại giữa lòng sông lởm chởm đá để tưới cho những cây cà phê héo rũ. “Chưa bao giờ sông Krông Năng cạn như năm nay, cứ tưới được khoảng chục cây cà phê là máy bơm phải nghỉ, chờ nước rỉ ra để hút tiếp. Mọi năm, sau tết âm lịch, nước còn đủ tưới được vài đợt. Năm nay cạn từ đầu nguồn, cuối nguồn trơ đá”, ông Công thở dài. Ông cho biết: “Để cứu 4 ha rẫy, gia đình tôi dự tính mua nước từ một hồ thủy lợi cách đó 1,5 km, mỗi giờ hút nước phải trả cho chủ hồ gần 100 nghìn đồng. Nhưng sau khi tính toán điện lưới không có, máy bơm chạy bằng dầu chi phí tính ra rất lớn nên tôi từ bỏ ý định, ra vũng nước giữa sông ngồi canh”.

Theo ông Lê Rế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Năng, cả huyện có trên 26.000 ha cà phê, nhưng các công trình thủy lợi chỉ đủ tưới khoảng 25% diện tích; 50% diện tích tưới bằng nước sông, suối tự nhiên; còn lại tưới bằng nước giếng. Krông Năng, con sông duy nhất ở huyện chảy qua 7 xã, đã khô kiệt, đồng nghĩa với việc một nửa diện tích cà phê của huyện lâm cảnh thiếu nước. Phòng NN&PTNT đang nghiên cứu phương án bơm nước từ hồ Ea Rông 1 đưa về cứu cà phê cho các xã cuối nguồn như Phú Xuân, Ea Đắh, nhưng cũng chỉ đủ nước một đợt tưới. Hiện tại, Đắk Lắk có 20.484 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó diện tích mất trắng là 689 ha, chủ yếu là lúa. Tổng thiệt hại do hạn gây ra ở tỉnh này đã lên đến 629 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học-Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, hiện nay, người trồng cà phê ở Tây Nguyên áp dụng 3 hình thức: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới gốc, trong đó, tưới gốc là chủ yếu. Kỹ thuật tưới gốc có gắn thiết bị rẻ tiền, tổn thất nước ít, chi phí nhiên liệu thấp..., nhưng cần xác định đúng thời điểm tưới, tưới đúng quy trình.

Cụ thể, cà phê năm đầu trồng mới chỉ cần tưới với lượng nước 120 lít nước/gốc/lần, chu kỳ 20 đến 22 ngày, 2 năm tiếp theo chỉ cần tưới 240 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày. Đối với cà phê vối đã cho thu hoạch, tưới 390 lít nước/gốc/lần, chu kỳ 22 đến 24 ngày, tiết kiệm được 287 m3 nước/ha/lần tưới. Vào mùa khô hanh, diện tích cà phê có trồng cây che bóng, chỉ cần tưới 2 đợt, còn đối với vườn không trồng cây che bóng cần phải tưới 3 đợt mỗi niên vụ.

Khô khát Tây Nguyên ảnh 2

Cà phê đang chết vì thiếu nước.

Công trình thủy lợi bỏ hoang

Trong khi người dân Tây Nguyên đang thiếu nước tưới cây trồng, có những công trình thủy lợi tiền tỷ xây dựng hoàn thiện nhiều năm lại bị bỏ hoang. Điển hình như công trình thủy lợi Đắk Huar tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư 7,5 tỷ đồng, xây xong 6 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được tích nước. Người dân phải gieo cấy trước mùa vụ để đuổi kịp nước trước khi mùa khô đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của hàng trăm ha lúa 2 vụ quanh khu vực.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar, cho biết, xã có diện tích lúa 2 vụ khá lớn, nhưng năm nào người dân cũng phải gấp gáp gieo cấy lúa Đông Xuân trước thời vụ mới kịp nước. Vụ Đông Xuân 2014 - 2015, trong khi những cánh đồng khác lúa đang thời con gái thì người dân Ea Huar đã thu hoạch xong từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. “Việc gieo cấy trước thời điểm mùa vụ khiến sản lượng lúa giảm đi rất nhiều, nhưng nếu không làm như vậy mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa thôi”, ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.