Khổ nào hơn thiếu điện, nước...

Trẻ con ở buôn Ea Su học dưới ánh đèn dầu.
Trẻ con ở buôn Ea Su học dưới ánh đèn dầu.
TP - Trong bối cảnh xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, vẫn còn những thôn buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như bị quên lãng vì cho tới nay, hàng nghìn hộ dân ở đó vẫn phải sống trong cảnh “đèn mờ” vì thiếu điện, thiếu cả nước sạch.

23 năm le lói đèn dầu...

Trời nhá nhem tối, men theo con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá, chúng tôi tìm đến nhà anh  Y Yô Nas Niê, trưởng buôn Ea Su, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk. Trong căn nhà cấp 4 chỉ chừng 20m2, bên ngọn đèn dầu le lói, đứa con  nhỏ của anh cặm cụi làm bài tập ở nhà. Anh  Y Yô cho biết: Năm 2009 theo Chương trình 134, gia đình anh chuyển đến đây sinh sống. Từ đó đến nay nhiều nhà chỉ dám dùng đèn dầu thắp sáng. Chỉ tội mấy đứa nhỏ, học bài mờ cả mắt nhưng vì nghèo nên đành chịu.

Dẫn chúng tôi đến nhiều nhà quanh buôn, anh cho biết: Buôn Ea Su còn gần 50% hộ nghèo. Trong các cuộc họp, bà con kêu suốt nhưng chưa có kết quả. Để có điện sử dụng, bà con trong buôn phải tự liên hệ đi mua điện của các hộ dân ở thôn khác, rồi tự kéo điện về. 

 Ông hàng xóm Y Khon Niê than thở: “Gia đình tôi  bỏ 3 triệu đồng chưa kể tiền công xin kéo điện từ buôn Puăn về với giá từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kW, nhưng đường điện quá tải nên vào giờ cao điểm nấu cơm còn không chín nói gì đến chuyện xem ti vi, bơm nước. Mong lưới điện quốc gia sớm được  kéo về để giúp bà con ổn định cuộc sống”.

“Nhiều hộ mặt trời xuống núi là cài then đi ngủ.  Bà con ước có điện để buôn làng có ánh sáng, được nhìn thấy người trên ti vi nói, biết được tin tức học cách làm ăn để thoát nghèo”.

                Y Bân kê

Cách buôn Ea Su khoảng 3 km, gần 200 hộ dân thôn 8 cùng cảnh ngộ. Trước đây thôn 8 thuộc địa phận xã Hòa An, huyện Krông Pắk, đến năm 2002 được tách về xã Ea Phê. Mấy năm gần đây đời sống người dân đã khấm khá, có tiền mua sắm thiết bị điện nhưng lại không có điện lưới. Ông Đặng Lam ái ngại, muốn có điện bà con phải mua điện từ các vùng lân cận với giá 3.200 đồng/kW nhưng điện quá yếu. Hệ thống đường dây bà con tự kéo không bảo đảm an toàn, chất lượng điện không bảo đảm.

Gần 20 năm nay, gần 100 hộ dân thôn 1, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo nằm ven đường Hồ Chí Minh cũng sống trong tình trạng thiếu điện lưới quốc gia, phải mua điện ở tỉnh bạn với giá cao để sản xuất, sinh hoạt. Nhìn đường đây điện sà xuống sát mặt đất, anh Nguyễn Huy Tiến ở  thôn 1 thở dài. “Bà con trong thôn tự bỏ tiền mua dây điện, người dân chặt cây dựng thành trụ rồi sang xã Ia Le, huyện Cư Pưh, tỉnh Gia Lai xin kéo điện về dùng. Do hàng chục hộ cùng sử dụng chung một đường dây nên điện rất yếu. Nhiều hôm trời mưa, trụ đổ, đường đây bị đứt, cả tuần thôn mất điện”, anh Tiến cho hay.

Khổ nào hơn thiếu điện, nước... ảnh 1

Dân tự dùng tubin phát điện.

Cách trung tâm xã gần 20 km, khi màn đêm buông xuống, con đường chạy vào buôn Xê Đăng (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) tối đen như mực. Anh Y Bân kể, buôn có 171 hộ dân chủ yếu là dân tộc Xê Đăng, định cư gần 23 năm vẫn chưa có điện nên cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hộ nào khá giả mới mua được cái bình ắc quy thắp một bóng điện nhỏ cho lũ trẻ học bài, thi thoảng cho bà con xem ti vi ké, còn lại chủ yếu dùng đèn dầu. “Nhiều hộ mặt trời xuống núi là cài then đi ngủ.  Bà con ước có điện để buôn làng có ánh sáng, được nhìn thấy người trên ti vi nói, biết được tin tức học cách làm ăn để thoát nghèo”, Y Bân kể.

Người dân xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) cũng phải cùng nhau góp tiền kéo dây điện cách xa cả mấy kilômét về để sử dụng, nhưng chỉ dám thắp sáng bóng điện cho con cái học bài. Anh Trần Thanh Bình, dân thôn 4 chia sẻ, cả xã có 9 thôn, buôn thì có tới 4 thôn chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Điện kéo ké về chỉ dám dùng để thắp sáng mà thôi.

Ngay ở xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) tiếp giáp với thành phố Buôn Ma Thuột, hơn chục năm nay nhiều hộ dân cũng vẫn chưa có điện lưới quốc gia, 104 hộ dân ở thôn 8 phải góp mỗi hộ 6 triệu đồng, sang xã Ea Bar mua điện về.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 189 thôn, buôn với gần 14.000 hộ chưa có điện lưới quốc gia. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các thôn buôn và số hộ gia đình chưa có điện lưới quốc gia là do nằm ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Nơi nước quý hơn vàng

Nơi thiếu điện thường kèm theo thiếu nước. Buôn Ea Su thành lập năm 2006, gồm 113 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, vì không có điện nên không thể khoan giếng. Để có nước dùng, bà con trong buôn phải đi sang các thôn, buôn lân cận cách nhà 5 cây số xin nước. Hai năm trước, buôn được đầu tư một công trình nước sạch chạy bằng dầu đặt tại nhà văn hóa cộng đồng. Mọi chi phí vận hành bồn nước đều do địa phương xoay xở, bán giá 7.000 đồng/m3 nước, do thu không đủ chi, nên công trình hoạt động chưa đầy một năm thì tạm ngừng.  Bây giờ nước sạch ở đây  quý hơn vàng. Nhiều nhà có rẫy nhưng chỉ vì không có nước tưới, đành bỏ rẫy đi làm thuê .

 Khi con suối duy nhất cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho toàn xã Ea H’Leo bị ô nhiễm, thì cũng là lúc cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều năm nay, các hộ dân trong thôn buộc phải chung tiền thuê người đào giếng để tìm nguồn nước ngầm. Gia đình nào may mắn đào được trúng nguồn nước cũng chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây chứ không thể ăn uống, do nước ngầm bị nhiễm phèn.

Khổ nào hơn thiếu điện, nước... ảnh 2

Người dân phải đi xin nước.

“Khoảng 2 ngày tôi phải mua một bình nước sạch 20 lít với giá 12.000 đồng về để nấu ăn và uống, vì nước giếng thường xuất hiện 1 lớp váng màu trắng dày sau khi nấu, nhìn phát sợ!”, chị Nguyễn Thúy (xã Ea H’ Leo) kể.

Ông Bùi Trọng Luận, trưởng thôn 1 cho biết, trước đây, suối Ea H’leo là nơi duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn. Từ khi suối bị ô nhiễm do chất thải của Cty chế biến sắn, người dân chỉ dùng để tắm giặt. Hiện trên địa bàn thôn chưa có công trình nước sạch tập trung nên 80% số hộ trong thôn phải mua nước đóng bình để ăn, uống. Vào mùa khô, gần 100% hộ dân phải đánh xe sang xã Ia Le, (huyện Cư Pưh, tỉnh Gia Lai) để xin nước, thậm chí mua nước với giá đắt đỏ.

Hy vọng sớm có điện lưới quốc gia

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho 250 thôn trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố với tổng mức đầu tư 887 tỷ đồng. Dự án sẽ nâng cấp, đầu tư mới 260 trạm biến áp 3 pha và lắp đặt công tơ cho hơn 22.000 hộ gia đình. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2016, không quá 8 năm phải triển khai xong.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.